Nên cơ nghiệp từ... 2 con lợn giống

Dựng cơ nghiệp từ... 2 con lợn giống

Chúng tôi ghé thăm trang trại của gia đình anh Nguyễn Đông ở thôn Tân Thuận, xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa. Trang trại này mỗi tháng mang lại cho anh Đông 50 triệu đồng.


Anh Nguyễn Đông (trái) giới thiệu mô hình nuôi lợn khép kín cho lãi mỗi tháng 15 triệu đồng. Ảnh: N.V

Trước đây gia đình anh Đông thuộc hộ nghèo. Nhờ sự động viên của chính quyền địa phương, năm 2002 anh Đông mạnh dạn vay 3 triệu đồng của Ngân hàng phục vụ người nghèo (tiền thân của Ngân hàng CSXH) mua 2 con lợn về nuôi, đồng thời khai khẩn đất đai, trồng chuối...

Có được tiền lời từ bán lợn, chuối anh Đông trả nợ ngân hàng đúng hạn nên những đợt sau được vay nhiều hơn đợt trước để mở rộng quy mô, lập trang trại lớn. Đến nay, anh Đông nuôi 16 lợn nái, 124 lợn thịt, mỗi tháng bán 30 con lợn thịt, trừ chi phí lãi 15 triệu đồng; 6ha chuối mật mốc, mỗi tháng lãi 20 triệu đồng; 0,5ha cà phê, cùng diện tích sắn trồng xen giữa 1,5ha cao su mỗi tháng cho anh 10 triệu đồng. “Nhớ lại 3 triệu đồng hồi đó sao mà quý thật, dù không nhiều nhưng nó đã giúp vợ chồng tôi có vốn lập nghiệp, giờ mới có cơ ngơi trăm triệu hôm nay” – anh Đông cảm kích.

Căn nhà sàn khang trang của Hồ Văn Khun (dân tộc Vân Kiều, trú Bản Cồn, xã Tân Lập, Hướng Hóa) cũng là minh chứng sinh động cho hiệu quả sử dụng vốn vay Ngân hàng CSXH. Năm 2009, anh Khun được vay 30 triệu đồng vốn dành cho hộ nghèo. Anh mua 2 con trâu vừa để lấy sức kéo, vừa cho sinh sản. Sau 5 năm chăm sóc, đàn trâu của anh Khun đã tăng lên 7 con. Vừa qua, anh Khun bán 3 con trâu được trên 150 triệu đồng. Anh đầu tư trồng thêm chuối, cà phê, sắn nhằm gia tăng thu nhập.

“Nhờ được vay vốn, được cán bộ ngân hàng, chính quyền địa phương bày cho cách làm ăn nên mình thoát nghèo rồi, giờ mình muốn làm giàu” – anh Khun cười tươi.

Tận tình với nông dân

"So với nhiều năm về trước, nay kinh tế của huyện đã có những bước phát triển nhanh và chắc chắn, đời sống nhân dân từng bước nâng lên. Để có thành quả ấy, một phần không nhỏ nhờ vốn vay của Ngân hàng CSXH đã tạo động lực cho người dân vượt khó, vươn lên trong làm ăn”.
Ông Hồ Văn Vinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa

Theo ông Ngô Văn Bảo – Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Hướng Hóa, muốn người dân mạnh dạn vay vốn làm ăn, cán bộ ngân hàng, cán bộ hội đoàn thể phải luôn tìm cách gần gũi, hướng dẫn, giúp đỡ tận tình bà con cách làm ăn, sử dụng đồng vốn hiệu quả. Cán bộ ngân hàng phải đi nhiều nơi, về tận bản làng xa xôi tìm hiểu điều kiện từng gia đình để có thể bày họ cách nuôi bò, dê hay trồng cây gì cho phù hợp... Tất cả những việc làm ấy chỉ với mục đích bảo toàn đồng vốn của Nhà nước, giúp bà con nâng cao đời sống.

Theo ông Bảo, toàn huyện Hướng Hóa có 335 tổ tiết kiệm và vay vốn giao về cho các hội, đoàn thể xã phụ trách, quản lý, trong đó có Hội ND. Các hội đoàn thể đứng ra nhận ủy thác vay vốn đã giúp Ngân hàng CSXH hoạt động đạt hiệu quả cao. Tăng trưởng dư nợ vốn tín dụng ngân hàng từ đầu năm đến nay tập trung vào 4 chương trình chủ yếu là cho vay hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn.

Ông Bảo cho hay, doanh số cho vay từ đầu năm tới nay của Ngân hàng CSXH huyện đạt hơn 85,68 tỷ đồng.  

Theo NGỌC VŨ / DÂN VIỆT

Các tin khác