Nông nghiệp sinh thái có thể làm tăng gấp đôi sản lượng lương thực toàn cầu

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, nghiên cứu mới của LHQ về chủ đề "Sinh thái nông nghiệp và quyền có lương thực" công bố ngày 10/3 nhấn mạnh các hộ nông dân sản xuất nhỏ có thể tăng gấp đôi sản lượng lương thực trong vòng một thập kỷ bằng cách sử dụng các phương thức canh tác sinh thái.

Ông Olivier De Schutter, Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về quyền lương thực và là người chủ trì nghiên cứu, kêu gọi cộng đồng nông nghiệp thế giới khẩn cấp thông qua và sử dụng đồng loạt các kỹ thuật canh tác sinh thái được chứng tỏ là hiệu quả nhất để có thể nuôi sống dân số 9 tỷ người vào năm 2050. Những bằng chứng khoa học đã chứng tỏ các kỹ thuật canh tác sinh thái vượt hơn kỹ thuật canh tác truyền thống sử dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu để tăng năng suất nông nghiệp, đặc biệt trong các môi trường không thuận lợi.

Nông nghiệp sinh thái ứng dụng khoa học để xây dựng các hệ thống nông nghiệp có thể giúp chấm dứt các cuộc khủng hoảng lương thực, xử lý hiệu quả những tác động của biến đổi khí hậu và giảm đói nghèo. Trong khi canh tác nông nghiệp truyền thống dựa vào các nguồn đầu vào tốn kém, làm tăng biến đổi khí hậu và chống đỡ không hiệu quả các biến động thời tiết, nông nghiệp sinh thái làm tăng độ phì của đất, bảo vệ mùa màng khỏi các sinh vật gây hại thông qua sử dụng cây trồng sinh lợi, thực vật, động vật, và côn trùng… trong môi trường tự nhiên.

Các số liệu của LHQ cho biết cho đến nay, các dự án nông nghiệp sinh thái đã cho năng suất nông nghiệp tăng trung bình 80% ở 57 nước đang phát triển, và tăng tới 116% ở các dự án ở các nước châu Phi. Các dự án mới đây được thực hiện ở 20 nước châu Phi đã giúp làm tăng gấp đôi sản lượng lương thực trong vòng từ 3-10 năm. Tại Malauy, nước châu Phi từng theo đuổi các chương trình trợ cấp phân bón hóa học rất tốn kém cho nông nghiệp, nông nghiệp sinh thái đã làm tăng năng suất ngô từ 1 tấn/héc ta lên 3 tấn/héc ta, mang lại lợi ích lớn cho 1,3 triệu người nghèo ở nước này.

Nghiên cứu của LHQ cho rằng để giảm đói nghèo và tăng cường an ninh lương thực, cộng đồng nông nghiệp thế giới không có lựa chọn nào khác ngoài thực hiện canh tác sinh thái. Cộng đồng khoa học thế giới đã thừa nhận tác động tích cực của nông nghiệp sinh thái đối với sản xuất lương thực, xoá đói nghèo và làm giảm biến đổi khí hậu. Nông nghiệp sinh thái, trong đó tri thức thay thế phân bón hóa học và thuốc trừ sâu là giải pháp tốt nhất trong bối cảnh các nguồn tài nguyên của thế giới ngày càng cạn kiệt. Tuy nhiên, nông nghiệp sinh thái cần các chính sách công hỗ trợ nghiên cứu nông nghiệp và các dịch vụ và vì vậy cần sự phối hợp tốt giữa nhà nước và khu vực tư nhân.

Theo Nông nghiệp

Các tin khác