Chất giảm đau từ ốc lợi bông

Một chất giảm đau mạnh ngang với morphine song không gây nghiện. Chất này được chiết xuất từ nọc độc của ốc lợi bông.

Ốc lợi bông

Trên trang báo điện tử Futura-Science ngày 02/08, các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Sinh học Phân tử thuộc Trường đại học Queensland (Australia) công bố đã chiết xuất được một chất giảm đau vô cùng công hiệu khi thay đổi đôi chút một trong những thành phần của nọc độc cực mạnh của loài ốc lợi bông (tên khoa học là coues striatus).

Hoạt chất này có tên gọi là α-conotoxine mà theo mô tả của nhóm nghiên cứu thì nó có hiệu quả giảm đau ngang với morphine song không hề gây hiện tượng quen thuốc. Hoạt chất này có tác dụng như một chất gây ức chế các cơ quan thụ cảm acetylcholine nicotic trên các dây thần kinh và các cơ. Từ lâu nay, các bác sĩ cũng có dùng α-conotoxine như một chất giảm đau song ở mức độ rất hạn chế. Việc tính toán liều lượng sử dụng hoạt chất này rất phức tạp bởi phải tiêm trực tiếp vào tủy sống của bệnh nhân.

Theo nhóm nghiên cứu, trong thời gian tới α-conotoxine sẽ được ứng dụng trong sản xuất các loại thuốc giảm đau đối với nhiều nhóm bệnh thần kinh.

Trong khi đó, tạp chí khoa học Pour la Science ngày 02/08 đưa tin về một khám phá mới của nhà sinh vật học Michael Simon tại Trường đại học Tufts ở Medford (Mỹ) về cách di chuyển rất độc đáo của loài sâu đo: di chuyển bằng nhu động của dạ dày.



Trong quá trình di chuyển của loài côn trùng này, các đốt bụng liên tục co vào và giãn ra một cách nhịp nhàng theo chiều từ phần đuôi đến phần đầu. Nhóm nghiên cứu của Simon đã sử dụng máy quay tia X để ghi hình các chuyển động của các mô bên trong cơ thể con sâu đang di chuyển trên một tấm thảm. Kết quả cho thấy chính ống tiêu hóa của nó mới là bộ phận tạo sự chuyển động trước rồi phần thân mới dịch chuyển theo.

Mặt khác, trong quá trình di chuyển, ống tiêu hóa của sâu luôn chuyển động nhịp nhàng như một cái piston của một động cơ. Cách di chuyển nhờ sự vận động của các mô bên trong cơ thể đã từng được các nhà khoa học ghi nhận ở một số loài động vật có xương sống, song kiểu di chuyển nhờ lực tác động từ ống tiêu hóa thì mới chỉ thấy duy nhất ở loài sâu đo.
 

Theo Đất Việt

Các tin khác