Nuôi gà trên đệm lót sinh học.

Với mục tiêu đưa nhanh tiến bộ khoa học mới vào SX, Trạm Khuyến nông huyện Tân Kỳ (Nghệ An) đã thực hiện thành công mô hình chăn nuôi gà an toàn trên đệm lót sinh học, hiệu quả kinh tế gấp 3 lần so với nuôi truyền thống. “Huyện Tân Kỳ đã từng nổi tiếng với tốc độ phát triển ngành nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó các trang trại chăn nuôi gà đồi, gà thả vườn đang là thế mạnh của nông dân.

Tuy nhiên công tác kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh gặp nhiều khó khăn, thức ăn đầu vào cho đàn gà không chuẩn, phân, chất thải không được xử lý theo công nghệ khoa học, gây ô nhiễm môi trường nên hiệu quả kinh tế đem lại không cao.

Trăn trở trước vấn đề này, Trạm KN Tân Kỳ đã đề xuất và được Trung tâm KN tỉnh hỗ trợ kinh phí để thực hiện mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học. Tính hiệu quả của mô hình thực sự đã mang đến cho nông dân một cách làm mới đầy hứng khởi”, ông Nguyễn Đình Hùng, Trạm trưởng Trạm KN Tân Kỳ giới thiệu. Kỹ sư Nguyễn Thị Bắc, người trực tiếp chỉ đạo mô hình này báo cáo:

Để có được đàn gà tốt, anh chị em trong trạm đã đến các trang trại chăn nuôi có uy tín ở Hà Nội để tìm hiểu các chủng loại gà, nghe tư vấn thêm về kỹ thuật chăn nuôi và đã lựa chọn được 700 con gà giống lai chọi.

Đây là mô hình mới mẻ nên bước đầu trạm chỉ lựa chọn 2 hộ chăn nuôi trong thị trấn Tân Kỳ thực hiện. Nhưng suốt cả quá trình thực hiện, từ khâu làm chuồng trại, khử trùng đến quy cách lót đệm sinh học, tiêm phòng, chăm sóc đàn gia cầm đều do cán bộ kỹ thuật của trạm trực tiếp hướng dẫn, kiểm tra hàng ngày. Kết quả sau 90 ngày (3 tháng) đàn gà mô hình có tỷ lệ sinh sống và phát triển khỏe đạt 95 %, trọng lượng bình quân đạt 2,3 kg/con.

Tính tiền 100 con gà giống lai chọi và chi phí nuôi trong 3 tháng hết 11 triệu 830 nghìn đồng, nhưng 95 con đã cho trọng lượng 218,5 kg và tính chỉ bán giá xuất chuồng 80 nghìn đồng/kg thì thu được 17 triệu 480 nghìn đồng. Như vậy nếu chỉ nuôi 100 con gà lai chọi trên đệm lót sinh học trong 3 tháng đã cho thu lãi 5 triệu 650 nghìn đồng. Trong khi đó đàn gà truyền thống (làm đối chứng mô hình) tỷ lệ sống chỉ đạt 80% và trọng lượng bình quân chỉ đạt 1,6 kg/con. Tính chi phí cả giống và thức ăn 100 con gà cỏ trong 3 tháng hết 11 triệu 225 ngìn đồng. Trọng lượng 80 con đạt 128 kg, giá bán 100 nghìn đồng/kg thu được 12 triệu 800 nghìn đồng.

Tính ra 100 con gà cỏ nuôi 3 tháng chỉ lãi được 1 triệu 575 nghìn đồng. Như vậy hiệu quả của gà mô hình cao hơn 3 lần so với gà truyền thống mà dân đang nuôi. Ông Nguyễn Tất Cúc ở khối 4, thị trấn Tân Kỳ hồ hởi: "Nhà tôi đăng ký nuôi 350 con gà lai chọi mô hình, lúc đầu rất ái ngại vì chưa quen với kiểu chăn nuôi theo công nghệ mới. Tuy nhiên trước đó chúng tôi cùng bà con nông dân đã được Trạm KN tập huấn kỹ thuật chăn nuôi rất rõ ràng.

Mô hình này lại được trạm cấp giống, không thu tiền, thức ăn và mọi chi phí được hỗ trợ thêm 30 %. Kỹ thuật chuồng trại, xử lý đệm sinh học và cách thức chăm sóc gà đều có cán bộ của Trạm KN đến hướng dẫn hàng ngày. Vì vậy chúng tôi rất phấn khởi. Mừng hơn nữa là sau 3 tháng nuôi, đàn gà mô hình con nào cũng to, khỏe, cân nặng 2 - 3 kg/con. Thịt gà loại này thơm ngon, vì quá trình chăn nuôi, gia đình không sử dụng chất tăng trọng, không dùng hóa chất độc hại. Chính vì vậy khách hàng ai cũng rất ưa chuộng".


Gà mô hình của ông Nguyễn Tất Cúc nuôi 90 ngày đạt 2 - 3 kg/con

Sở dĩ mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học đạt hiệu quả kinh tế cao hơn 3 lần so với đàn gà truyền thống, kỹ sư Nguyễn Thị Bắc phân tích: Tính về giá thành chăn nuôi thì chi phí thức ăn của đàn gà mô hình và gà đối chứng tương đương. Gà mô hình chỉ có thêm hóa chất khử trùng 200.000 đồng/100 con và chi phí đệm lót sinh học hết 40.000 đồng/100 con. Ngược lại gà truyền thống (đối chứng) lại có chi phí thuốc thú y và văc xin phòng bệnh cao hơn.

Tính nổi trội của gà mô hình còn thể hiện ở chỗ, chuồng trại sạch sẽ, và được phun thuốc khử trùng, đặc biệt là tính hiệu quả của đệm lót sinh học. Trạm KN Tân Kỳ dùng chế phẩm sinh học trộn vào bột ngô và nước rồi rải đều trên lớp trấu ở nền chuồng. Lớp đệm lót sinh học này có tác dụng tiêu độc khử trùng, chuồng trại luôn được khô ráo. Phân thải của gia cầm được men sinh học phân giải, tiêu hủy các mầm bệnh có trong phân, trong chuồng. Theo đó các loại ký sinh trùng trên gà cũng bị hủy diệt.

Vì vậy mà tỷ lệ sống khỏe, ăn khỏe của đàn luôn đạt tỷ lệ cao. Ông Trạm trưởng Nguyễn Đình Hùng khẳng định: “Tính hiệu quả về kinh tế của mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học mà trạm triển khai đã rõ, cao hơn 3 lần so với cách chăn nuôi theo truyền thống. Trong khi đó kỹ thuật chăm sóc cũng đơn giản, nhẹ nhàng, nhà nông nào cũng làm được. Thịt gà nuôi trên đệm lót sinh học là loại thực phẩm chất lượng cao, an toàn, sạch bệnh, vì vậy người tiêu dùng ai cũng ưa chuộng. Lợi ích sau hiệu quả kinh tế còn phải kể tới là môi trường.

Phân gà trên đệm lót sinh học bước đầu đã được men vi sinh xử lý, hạn chế tới mức thấp nhất mùi hôi, rút ngắn thời gian ủ hoai phân trước khi đem bón cho cây trồng". "Từ thành công này, chúng tôi đang mở rộng các đợt tập huấn kỹ thuật, truyên truyền và vận động nông dân trong toàn huyện sớm nhân nhanh mô hình ra diện rộng”, ông Nguyễn Đình Hùng nhấn mạnh.

Theo HỒ QUANG/ NNVN

Các tin khác