Một số lưu ý trong chăn nuôi thỏ

Nuôi thỏ có nhiều lợi thế do chi phí đầu tư thấp, tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp, lao động nhàn rỗi. Về cơ bản, thỏ dễ nuôi nhưng để đạt hiệu quả cao, người nuôi cần chú ý các vấn đề sau đây:

Thức ăn, nước uống: Cho thỏ ăn nhiều thức ăn thô xanh để vừa đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, vừa đảm bảo sinh lý tiêu hóa bình thường. Thức ăn cho thỏ phải được rửa bằng nước sạch, phơi tái cho bớt nước trước khi cho ăn.

Cần cung cấp đầy đủ nước cho thỏ, nhất là thỏ đẻ, để tránh tình trạng thiếu sữa. Trong thời gian nuôi con, nên cho thỏ mẹ uống thêm nước đường hoặc ăn mía.

Sinh sản: Tùy theo giống, thỏ có thể thành thục tính dục lúc 3 - 4 tháng tuổi. Để đề phòng hiện tượng cắn xé nhau và giao phối tự do, dẫn đến tình trạng giảm trọng lượng hoặc rối loạn sinh sản, khi thỏ được 3 tháng tuổi nên nhốt riêng thỏ đực với thỏ cái.

Không nên cho thỏ phối giống ngay khi động dục lần đầu mà chờ đến 5 - 6 tháng tuổi, lúc thỏ đạt 75 - 80% trọng lượng của thỏ trưởng thành. Do trứng thỏ chỉ rụng sau khi giao phối 9 - 10 giờ nên áp dụng phương pháp phối giống bổ sung, tức là phối lại lần thứ 2 sau lần thứ nhất từ 6 - 9 giờ là tốt nhất.

Để tránh đồng huyết, không để thỏ đực phối với thỏ cái cùng gia đình.

Làm lồng và chuồng nuôi:

Lồng thỏ phải đảm bảo chắc chắn để chúng không chui lẫn đàn, chuột tấn công và chăm sóc thuận tiện. Ổ đẻ cần có nắp đậy, sau khi thỏ đẻ, mỗi ngày chỉ nên đưa ổ đẻ vào lồng thỏ mẹ một lần để cho con bú, tránh để thỏ mẹ chui vào ổ bới và dẫm đạp lên con.

Thỏ rất nhạy cảm với nhiệt độ cao nên lồng nuôi thỏ cần đặt tại những nơi thoáng, mát về mùa hè và ấm áp về mùa đông. Nếu chăn nuôi thỏ quy mô lớn cần xây dựng chuồng trại cẩn thận, đảm bảo thông thoáng và dễ làm vệ sinh.

Vệ sinh, phòng trị bệnh: Thỏ là loài gia súc yếu, sức đề kháng cơ thể kém, dễ cảm nhiễm các mầm bệnh và phát triển thành dịch. Để hạn chế tối đa tổn thất, điều quan trọng trong chăn nuôi thỏ là tạo môi trường tiểu khí hậu cho chuồng nuôi bằng cách làm vệ sinh hàng ngày và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh. Định kỳ sát trùng lồng, chuồng, máng ăn, máng uống, ổ đẻ; cung cấp cho thỏ đầy đủ thức ăn và nước uống sạch sẽ, chất lượng.

Theo tài liệu của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư quốc gia


 

Các tin khác