Phun thuốc trừ sâu đúng cách

Tưởng rằng những người nông dân đã quá thành thạo với công việc đơn giản là phun thuốc trừ sâu, nhưng thực tế lại hoàn toàn khác. Việc phun thuốc trừ sâu không đúng cách sẽ dẫn tới hiệu quả không cao, lại mất an toàn. Bởi vậy, lần đầu tiên, nhiều nông dân được “học lại” cách phun thuốc trừ sâu đúng.

 

Hơn 8.000 nông dân đã được tập huấn kỹ thuật nông nghiệp từ hơn 200 lớp tập huấn được mở khắp cả nước. Ông Nguyễn Quang Minh, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ NN&PTNT, cho biết tại hội thảo “Tìm kiếm giải pháp cho an ninh lương thực tại Việt Nam” diễn ra mới đây.

Đây là một trong nhiều nội dung hiện đang được Cục phối hợp với CropLife (một tổ chức phi lợi nhuận tiên phong trong lĩnh vực công nghệ sinh học, là thành viên của Liên đoàn Toàn cầu với các tổ chức khu vực và quốc tế trên 91 nước trên thế giới) - thực hiện nhằm đối phó với nguy cơ thiếu hụt lương thực và đảm bảo an toàn lương thực cho Việt Nam trong thời gian tới.

Cùng với các lớp tập huấn, hơn 3.000 ha lúa, rau, cây ăn quả đã được ứng dụng các kỹ thuật trồng cấy, tưới bón đảm bảo vừa đạt năng suất, vừa an toàn.

Nông dân theo học các khóa này được huấn luyện cụ thể cách thức sử dụng các chất hóa học có độ an toàn cao để bảo vệ giống cây trồng. Họ cũng được học phương pháp pha chế hóa chất tốt hơn, giảm thiểu nguy cơ với nông dân và người sử dụng cũng như được tập huấn cách bảo quản hóa chất chất lượng cao.

Lần đầu tiên, nhiều nông dân được “học lại” cách phun thuốc trừ sâu sao cho hiệu quả, đảm bảo an toàn - điều mà từ trước tới nay hầu hết nông dân tưởng đều đã quá thông thạo.

Bà Trần Thị Thung, thôn Đông Mai, xã Trung Nghĩa, huyện Yên Phong, Bắc Ninh, cho biết, trước đây khi chưa được tập huấn về cách sử dụng an toàn và bảo quản thuốc trừ sâu, mỗi sào lúa của nhà cho thu hoạch 130 – 150kg. Đến nay, từ mỗi sào lúa bà Thung đã thu được từ 210 – 230kg thóc, tăng thu nhập cho mỗi sào từ 6 triệu đồng lên 10 triệu đồng.

Hàng xóm của bà Thung, ông Ngô Huy Cận, 50 tuổi, cũng thu hoạch được từ 220 – 230kg thóc/sào lúa thay vì 150 – 180kg như trước.

Bà Thung cho biết, ngày trước, ruộng cà chua nhà bà có vụ bị sâu xanh đục quả phá hoại, trồng lại bao nhiêu lần giống cũng không được. Nay, nhờ phun thuốc đúng thời điểm, đúng quy trình, lại được học cả cách pha chế thuốc hợp lý, ruộng cà chua này thấp nhất cũng cho thu hoạch 1 tấn/sào.

Những nông dân như bà Thung, ông Định sau khi học xong lại tiếp tục phổ biến kinh nghiệm cho các hộ nông dân khác. Mô hình này được Bộ NN&PTNT đánh giá là mô hình triển vọng, có hiệu quả cao.

Ông Nguyễn Quang Minh cho rằng, không thể có một nền nông nghiệp nào lại không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Vấn đề là làm sao để sử dụng thuốc hợp lý, đảm bảo cây trồng cho năng suất cao và an toàn, thay vì việc quá chú trọng vào việc dùng ít hay dùng nhiều.

Tới đây, Cục sẽ tiếp tục phối hợp với CropLife mở rộng các lớp tập huấn kỹ thuật ra khắp cả nước. Tiến tới sẽ phổ biến cho nông dân các kỹ thuật mới và tăng cường đầu tư vào các công nghệ nông nghiệp. 

Các tin khác