Trồng cam sành theo hướng sạch, an toàn

Thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang hiện có 2.046 ha diện tích trồng cam sành. Năm 2011, Trung tâm khuyến nông - khuyến ngư tỉnh triển khai mô hình trồng cam theo hướng an toàn thực phẩm cho các nhà vườn trên diện tích 30 ha, bằng cách đưa phân hữu cơ vào canh tác, Nhà nước hỗ trợ 30% lượng phân hữu cơ.

Nhờ sử dụng phân hữu cơ mà vườn cam sành của nông dân phát triển rất tốt, đất đai màu mỡ hơn trước rất nhiều. Anh Nguyễn Đồng Khởi ở ấp Sơn Phú 2A (Tân Thành), một trong những nông dân mạnh dạn đăng ký tham gia sử dụng phân hữu cơ để bón cho vườn cam sành cho biết: “Bón phân hữu cơ tuy phát huy tác dụng chậm hơn so với phân hóa học, nhưng những hiệu quả mang lại rất thiết thực và hữu ích. Với 12 công cam sành, mỗi năm gia đình tôi thu hoạch trên 30 tấn trái, sau khi trừ chi phí, thu về nguồn lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng. Nhờ sử dụng phân hữu cơ mà nhà vườn chúng tôi có thể tiết kiệm được chi phí sản xuất khoảng 1 triệu đồng/công/năm. Cách làm này, ngoài đảm bảo mức độ an toàn cho người tiêu dùng, còn có thể kéo dài tuổi thọ cho cây trồng”.

Nhìn vườn cam phát triển xanh tốt, cho trái to, bóng, bà Nguyễn Thị Đẹp Em vui phơi phới. Với 16 công cam, năng suất đạt trên 40 tấn trái, hàng năm gia đình bà thu về nguồn lợi nhuận trên 150 triệu đồng. Theo kinh nghiệm của bà Đẹp Em, sau khi bón phân hữu cơ, cần thường xuyên tưới nước để cây hấp thu các chất dinh dưỡng, góp phần tăng năng suất cây trồng. Trồng theo hướng an toàn, nhà vườn sẽ thu được nguồn lợi nhuận cao hơn, mà quan trọng là cam sành sản xuất ra không sợ dội chợ.


Ông Nguyễn Hữu Trí, phó phòng kinh tế thị xã Ngã Bảy cho biết: “Hiện nay, Ngã Bảy cũng đã thành lập tổ hợp tác trồng cam sạch với 43 hộ tham gia. Theo đánh giá của ngành, việc sử dụng phân hữu cơ trong chăm sóc cây trồng không những giúp người dân tiết kiệm được chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế, điều quan trọng là tạo được độ tơi xốp cho đất, giúp cây hấp thu chất dinh dưỡng một cách dễ dàng. Từ những hiệu quả bước đầu mang lại, địa phương đang nhân rộng mô hình nhằm thu được hiệu quả cao trong quá trình trồng cây ăn trái của người dân”.


Theo PHƯƠNG NGHI - KHPT

Các tin khác