Giá gia cầm 4/5: Giá gà vịt tăng nhưng khó đột biến?


Hiện, việc buôn bán gia cầm diễn ra khá thuận lợi tại chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ (Hà Nội).

Giá gia cầm khó tăng đột biến

Ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, mấy ngày gần đây giá gia cầm đã tăng trở lại, với mức giá hiện tại thì người nuôi gà, vịt có thể đã hòa vốn và có chút lãi.

Dự báo về giá gia cầm trong thời gian tới, ông Dương cho rằng: Hiện các trường học, bếp ăn tập thể đã bắt đầu hoạt động trở lại khiến cho nhu cầu sử dụng sản phẩm gia cầm tăng cao nhưng không vì thế mà giá gà, vịt sẽ có đột biến. Bởi hiện nay nguồn cung gia cầm tại các tỉnh, thành vẫn còn rất dồi dào và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên giá gà, vịt sẽ không thể tăng cao như thời điểm cuối năm 2019 vừa qua.

Trước thực trạng bất ổn về giá sản phẩm gia cầm như hiện nay, theo Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn, đã đến lúc ngành chăn nuôi gia cầm phải định hướng lại chiến lược phát triển. Theo đó, Ngành chăn nuôi gia cầm nên chuyển đổi từ phát triển theo chiều rộng như lâu nay sang phát triển theo chiều sâu, từ chăn nuôi tự cung tự cấp, xóa đói, giảm nghèo sang chăn nuôi hàng hóa nhằm mục tiêu vừa phục vụ nhu cầu trong nước vừa xuất khẩu; đồng thời đa dạng hóa sản phẩm gia cầm theo phân khúc thị trường.

"Chúng ta phải coi trọng giá trị gia tăng hơn là sự tăng sản phẩm gia cầm không bền vững. Để làm được việc này, các cơ quan hoạch định chính sách cần xem xét, phân tích năm yếu tố chính ảnh hưởng lớn đến sự phát triển chăn nuôi gia cầm trong thời gian tới.

Đó là chủ thể sản xuất gia cầm chính (hộ gia đình, doanh nghiệp vừa và nhỏ); thị trường chăn nuôi trong nước và nước ngoài, trong đó coi trọng thị trường xuất khẩu. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất gia cầm để hạ giá thành sản phẩm. Tiếp đó là vốn cho sản xuất: Để tái cơ cấu ngành, ứng dụng công nghệ cao phải có vốn. Cuối cùng là cơ chế chính sách vì yếu tố này mang tính tổng hợp và ảnh hưởng bốn yếu tố nêu trên", ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, trước mắt để tránh khủng hoảng thừa và thiếu sản phẩm gia cầm chúng ta cần tập trung một số giải pháp cụ thể như sau: Hỗ trợ phát triển các chuỗi sản xuất theo chiều dọc và chiều ngang. Tổ chức thí điểm thị trường đấu giá sản phẩm thịt, trứng gia cầm...

Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại quốc tế, cần kịp thời đưa ra dự báo và khuyến nghị về xu hướng phát triển, quan hệ cung cầu của ngành hàng trên cơ sở đánh giá phân tích thị trường trong nước và nước ngoài hằng quý, tránh lặp lại sự phát triển quá “nóng” của ngành hàng này, dẫn đến cung vượt cầu.


Giá gia cầm hôm nay 4/5 vẫn đang ở mức vừa phải. Giá vdịt thịt dao động trên dưới 35.000 đồng/kg.

Giá trứng gà tăng nhẹ

Bà Phạm Thị Thơm, chủ trại nuôi gia cầm ở Long Thành (Đồng Nai) cho biết, giá gà hơi lông trắng hiện đạt mức 27.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng so với trước đó. Còn giá vịt thịt cũng đã lên 36.000-37.000 đồng/kg, tăng 4.000 đồng. Theo bà Thơm, sau khi nới cách ly, các hàng quán mở cửa trở lại đã giúp việc tiêu thụ gà, vịt của bà con được thuận lợi hơn.

Tương tự, hôm nay ông Nguyễn Văn Thanh, thương lái ở khu vực Đồng Nai cũng đã mua tăng thêm 200 con gà, vịt đẻ cung cấp cho các đầu mối nhà hàng, bếp ăn trên địa bàn.

"Từ ngày 1/5 đến nay, số lượng hàng đặt từ các nhà hàng, quán ăn, bếp ăn trường học tăng nên lượng gà cần mua sẽ tăng lên gấp đôi. Mong rằng, sắp tới các đơn hàng sẽ nhiều hơn để việc buôn bán của chúng tôi và bà con chăn nuôi được thuận lợi hơn", ông Thanh chia sẻ.

Không chỉ giá thịt gà, vịt nhích lên mà trứng gia cầm cũng tăng 100-200 đồng/quả. Nhiều trang trại cho biết, các cơ sở làm bánh đang tăng số lượng đặt hàng. Đặc biệt, các sản phẩm trứng muối được đặt mua với số lượng nhiều nên giá sản phẩm này cũng tăng 200 đồng so với trước đó. Hiện, trứng gà tại vựa ở mức 1.600-1.700 đồng một quả, trứng vịt 1.900-2.400 đồng/quả.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, giá gia cầm đang dần phục hội. Tuy nhiên, với mức giá này người nuôi vẫn chưa thể lấy lại vốn vì đã bị thua lỗ trong thời gian dài trước đó. Nếu mức giá này tiếp tục giữ vững trong thời gian tới, người nuôi mới có thể bù lỗ. Hiện các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chưa dám tái đàn vì sợ lỗ nặng, còn trang trại thì chỉ nuôi cầm chừng.

Theo HẢI ĐĂNG/ DÂN VIỆT 

Các tin khác