Kỹ thuật nuôi cá dĩa thương phẩm, sinh sản

Do đó, để nuôi cá dĩa đạt hiệu quả cao, cần đặc biệt chú ý đáp ứng đầy đủ điều kiện sống và cách chăm sóc, đảm bảo lựa chọn giống đủ tiêu chuẩn.

Với những đặc điểm sinh học khác biệt của cá dĩa, đòi hỏi người nuôi cần nắm chắc. Khi nuôi trong bể kiếng, cá tăng trưởng chậm, sau từ 6 - 8 tháng nuôi có thể đạt từ 6 - 10 cm (kích cỡ thương phẩm). Đối với cá trưởng thành, sinh sản sau 10 - 20 tháng tuổi, cá đẻ trứng dính bám vào giá thể, khoảng 50 - 60 giờ (tùy nhiệt độ) trứng sẽ nở.

Về công tác chuẩn bị nuôi, có thể theo các hình thức nuôi trong bể kiếng hoặc bể xi măng. Vị trí nuôi phải đáp ứng đủ các điều kiện không gian yên tĩnh, ánh sáng vừa, tránh gió lùa và có nhiệt độ thích hợp. Đối với nguồn nước nuôi, nếu là nước máy cần sục khí nhẹ trên 2 ngày để loại bỏ clor trong nước và tăng cường

hòa tan oxy, kết hợp xử lý ozon, kiểm tra độ pH. Còn đối với nguồn nước giếng, cần kiểm tra chất lượng nước để có giải pháp xử lý cụ thể, nước đạt tiêu chuẩn sử dụng cho sinh hoạt phải tiếp tục xử lý cho qua bồn lọc cơ học, sục khí tăng cường và kiểm tra độ pH đạt 6,5 - 6,8.

Cá dĩa là một trong những loài cá rất nhạy cảm với tác động của môi trường xung quanh, do đó đòi hỏi rất cao về nhiệt độ và môi trường nước. Nhiệt độ có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cá, làm thay đổi trực tiếp nhiệt độ cơ thể cá. Đồng thời, nhiệt độ nước cũng tác động đến quá trình sinh hóa trong cơ thể cá. Sự thay đổi nhiệt độ quá lớn và đột ngột sẽ làm rối loạn quá trình sinh hóa trong cơ thể và ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường. Nhiệt độ thích hợp của cá dĩa trưởng thành là 26 - 28 độ C, cá con mới nở 5 - 6 cm là 28 - 30 độ C. Để đảm bảo nhiệt độ thích hợp nên đặt bể nuôi trong phòng có nhiệt độ ổn định, dùng sưởi để kiểm soát nhiệt độ trong bể.


Khâu thả giống cũng đóng vai trò quan trọng quyết định trực tiếp đến mô hình nuôi có hiệu quả hay không. Khi mua cá bố mẹ cần chú ý chọn cá có thân hình tròn, đầy đặn, khỏe mạnh, kỳ vây nguyên vẹn, phản xạ nhanh nhẹn, mua từ những nghệ nhân nuôi thành công. Nếu mua cá con cần biết rõ nguồn gốc, chú ý các biểu hiện như đàn cá khỏe mạnh, đồng đều, phân tán đều trong bể, không tụm lại góc bể, phản xạ nhanh nhẹn, thường tập trung lại máng ăn.

Về quá trình chăm sóc, cần lưu ý đến các loại thức ăn cho cá dĩa bao gồm trùn chỉ, cá lóc nhuyễn, trùng huyết, bo bo đông lạnh hoặc thức ăn tự chế biến. Đối với trùn chỉ và cá lóc nhuyễn, chú ý mua về để vài giờ nhằm loại bỏ hết chất thải trong ruột của chúng, rửa qua nước sạch vài lần, vớt những con sống cho cá ăn, sau đó sục khí tiếp để lại cho lần ăn sau. Đối với trùng huyết và bo bo đông lạnh, cần mua tại những cơ sở uy tín, phải còn tươi thả trực tiếp vào bể lượng vừa đủ. Loại thức ăn tự chế biến, tất cả phải được xay nhuyễn, bỏ vào túi nylon, cán dẹp, để ngăn đá tủ lạnh và cho ăn dần. Cá dĩa ăn rất ít, bởi vậy cần cung cấp lượng thức ăn vừa đủ hoặc hơi thiếu, dựa vào việc theo dõi sức ăn hàng ngày để điều chỉnh cho phù hợp nhất.

Theo HOÀI AN/ KHPT 

Các tin khác