Kỹ thuật nuôi vịt trời nhanh lớn

Cũng giống như nhiều mô hình chăn nuôi gia cầm khác, kỹ thuật nuôi vịt trời tuy dễ dàng trong khâu chăm sóc nhưng vẫn đòi hỏi người nuôi luôn phải có ý thức trong cách phòng bệnh và tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. Đây là những khâu vô cùng quan trọng bởi chỉ chút lơ là vịt trời có thể ngả bệnh bất cứ lúc nào, ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế của gia đình. Do đó trước khi nuôi cần phải tính toán cho phù hợp và trang bị đầy đủ những kiến thức cơ bản dưới đây để áp dụng vào thực tế.

Xây dựng chuồng trại nuôi vịt trời

Do vịt trời có thể biết bay nên khi thiết kế chuồng trại cần phải có chiều cao tối thiểu là 1 mét. Một biện pháp phòng ngừa tốt nhất là chôn tường rào hoặc căng lưới cắm cọc vây kín xung quanh. Chuồng nuôi vịt trời cũng phải cao ráo, thoáng, sạch và đảm bảo tính liên hoàn từ thức ăn, máng uống hay nơi chúng nghỉ và đẻ trứng...


Kỹ thuật nuôi vịt trời không khó nhưng phải đúng cách. Ảnh minh họa

Do vịt trời thường xuyên bơi lội nên ngoài thiết kế chuồng trại cần phải có ao. Nếu có điều kiện có thể đào ao còn không bạn nên xây những bể nước xung quanh để giúp vịt trời bơi lội và tắm.

Kỹ thuật nuôi vịt trời nhanh lớn

Trong thời gian mới bắt vịt trời về vì chúng còn quá nhỏ nên quây lồng úm đảm bảo nhiệt độ vừa phải không nóng không lạnh để chúng thích nghi với điều kiện môi trường sống. Đến khi vịt trời quen dần thì mới đem chúng ra ngoài tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Ngày đầu có thể cho vịt tập ăn bằng bột bắp hoặc tấm. Nếu có điều kiện nên cho vịt ăn thức ăn hỗn hợp.

Khi vịt được 15 ngày tuổi nên cho ăn hai lần kết hợp chăn thả ngoài đồng để cho vịt kiếm thêm thức ăn. Nếu cho vịt ăn đơn thuần là tấm, cám trong giai đoạn này cần bổ sung thêm chất đạm như tôm, cua, cá. Từ ngày thứ 20 trở đi có thể tập cho vịt ăn lúa. Tiêm phòng vacxin phòng bệnh dịch tả vịt lần 2 lúc vịt 21 ngày tuổi sử dụng vacxin Kapevac hoặc dịch tả đông khô TW2 tiêm.


Kỹ thuật nuôi vịt trời cần phải đảm bảo dinh dưỡng, phòng bệnh hiệu quả. Ảnh minh họa

Sau 30 ngày tuổi vịt ăn lúa được và có khả năng tự kiếm mồi, lúc này vịt có thể cho chạy đồng. Ở các giống vịt thịt, ngày tuổi thứ 80 là thời điểm thích hợp nhất để bán thịt.

Cuối cùng và quan trọng nhất là trước khi đẻ trứng, vịt cũng giống như gà vậy, cần rất nhiều canci. Bạn nên tăng khẩu phần ăn này trong mùa sinh sản của vịt.

Cách nhặt và bảo quản trứng

Vịt trời thường đẻ tập trung vào 2 – 4 giờ sáng, nhưng có thể đẻ muộn đến 8 – 9 giờ sáng. Nên nhặt trứng làm 2 – 3 lần để trứng được sạch sẽ và tránh dập vỡ. Cách bảo quản trứng nên rửa sạch bằng dung dịch có chứa chlorin theo nồng độ 1250 ppm. Cứ 10 lít nước ấm pha 50 gam chất có chứa 25% chlorin. Tuyệt đối không được rửa trứng bằng nước lã, nước dơ, vì như vậy vi trùng dễ xâm nhập làm thối trứng. Trứng đựng vào khay, cần bảo quản nơi khô mát. Nếu có phòng lạnh bảo quản ở nhiệt độ 18 – 20oC thì càng tốt.

Phòng bệnh cho vịt trời

Tuy vịt trời có sức đề kháng cao hơn hẳn vịt thường nhưng người nuôi vẫn cần tiêm vacxin phòng bệnh thường gặp như dịch tả, cầu trùng, H5N1, viêm gan… Trước khi thả vịt cần nạo vét sạch chất độn chuồng cũ, phun các thuốc sát trùng chuồng trại. Trong thời gian úm vịt nên thường xuyên thay đổi chất độn chuồng hoặc rải thêm trấu hàng ngày, phun xịt thuốc sát trùng định kỳ 3 ngày/lần khi xung quanh có dịch bệnh và 7 - 10 ngày/ lần trong điều kiện bình thường.

Giá trị kinh tế nuôi vịt trời

Nuôi vịt trời thịt rất ngon, từ lâu đã là đặc sản. Giá bán cao gấp đôi gấp ba vịt thường. Do đó nếu có điều kiện bà con nên nuôi vịt trời hơn các loại vịt khác nhưng phải biết cách áp dụng đúng phương pháp nuôi mới đem lại hiệu quả như mong đợi. Ngoài những kiến thức cơ bản trên cần phải học hỏi nhiều kinh nghiệm nuôi hơn nữa để áp dụng cho mô hình của mình.

Theo An Dương / VietQ

Các tin khác