Phòng, trị một số bệnh nhiễm khuẩn cho cá lóc bông

Vi khuẩn là một trong những tác nhân gây bệnh khá nguy hiểm, là trở lực chủ yếu kìm hãm sự phát triển của cá. Tỷ lệ chết do nhiễm khuẩn có thể lên đến 100%. Vì vậy, bà con nên lưu ý một số biện pháp phòng trị các bệnh thường gặp trên cá lóc bông như sau:

Bệnh nhiễm khuẩn huyết do Aeromonas

Vi khuẩn gây bệnh là Aeromonas hydrophila, luôn có trong nước chứa nhiều chất hữu cơ, nhất là khi trong ao dư thừa thức ăn. Cá con dễ nhiễm bệnh hơn cá trưởng thành.

Da cá bị bệnh có màu sẫm, lan ra vùng bụng và các phần khác trên cơ thể, xuất hiện từng mảng đỏ trên thân, đuôi và vây bị hoại tử.

Phòng, trị bệnh

Không nuôi cá với mật độ quá cao, tránh để cá bị xây xát khi kéo lưới, giữ môi trường nuôi không bị nhiễm bẩn.

Dùng thuốc tím (KMnO4) định kỳ 2 tuần /lần tắm cho cá, liều dùng 10 ppm (10g/m3 nước) đối với cá nuôi bè, sau 3 ngày dùng lặp lại.

Dùng một trong các loại thuốc kháng sinh trộn vào thức ăn, liều lượng như sau: Kanamycin: 50 mg/kg thể trọng cá, cho ăn liên tục 7 ngày. Nhóm Sulfamit: 150 - 200 mg/kg thể trọng cá, cho ăn 7 - 10 ngày.

Trong thời gian dùng thuốc trị bệnh, tăng cường vitamin C trộn vào thức ăn, liều lượng 20mg/kg.

Bệnh đốm đỏ

Bệnh do vi khuẩn Pseudomonas fluorescens gây nên.

Cá bị bệnh có biểu hiện xuất huyết trên da, bụng, quanh miệng, nắp mang. Có thể chảy máu một vài chỗ trên thân, cơ thể bị tuột nhớt, dẫn đến 70 - 80% số cá trong ao bị chết.

Phòng, trị bệnh

Dùng thuốc tím (KMnO4) 3-5 ppm để tắm cho cá nuôi trong bè. Dùng kháng sinh để điều trị như trong bệnh nhiễm khuẩn huyết do Aeromonas.

Bệnh nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn Edwardsiella

Vi khuẩn gây bệnh là Edwardsiella tarda, một loại vi khuẩn gram âm, có dạng hình que dài, vận động bằng tiêm mao. Bệnh thường xảy ra trong các tháng thời tiết nóng do nuôi mật độ cao, môi trường nước bị ô nhiễm. Khi bị bệnh, cá xuất hiện những vết thương trên lưng, sau đó phát triển thành những khối u rỗng bên trong cơ làm cho da bị mất sắc tố, sinh ra khí có mùi hôi và gây hoại tử vùng cơ xung quanh.

Phòng, trị bệnh:

Giữ sạch môi trường nuôi, giảm mật độ nuôi, dùng vắc -xin phòng bệnh, có thể dùng các loại kháng sinh để điều trị tương tự như bệnh nhiễm khuẩn huyết do Aeromonas.

Bệnh sưng phù và nổ mắt do vi khuẩn Streptococcus spp.

Khi nhiễm bệnh, cá bơi lội lung tung không bình thường, da chuyển sang màu sẫm, mắt mờ đục, sưng phù và có thể bị mù. Cá bị xuất huyết ở các vây, phần bụng, một số chỗ trên thân bị hoại tử.

Phòng, trị bệnh

Nuôi mật độ vừa phải, quản lý thức ăn tốt, không để dư thừa. Bổ sung vitamin C, D vào thức ăn, hàm lượng 10-15mg/kg.

Dùng kháng sinh để điều trị tương tự như bệnh nhiễm khuẩn huyết do Aeromonas.

Theo tài liệu Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quốc gia

Các tin khác