Cách phòng trừ bệnh gạo trên cá tra

Vài năm trở lại đây, bệnh gạo, một loại bệnh ký sinh trùng trên cá tra trở nên khá phổ biến. Gọi là bệnh gạo vì khi các vi bào tử trùng xâm nhập được vào các tổ chức của cơ thể cá, chúng sẽ sinh sôi, nảy nở và hợp với nhau hình thành kén. Kén hợp tử là khối màu trắng đục, kích thước 1-4mm, hình tròn hoặc bầu dục, trông giống hạt gạo.

Lúc mới xâm nhập vào cá, kén chỉ là những đốm trắng đục sền sệt như mủ. Sau đó, chúng được bao phủ bởi một lớp vỏ nhầy bằng chất kitin và cứng dần lên hình thành bào nang. Bào nang thường tập trung ở vùng mô cơ như cơ lưng, cơ đuôi. Cá bị nhiễm nặng, bào nang vi bào tử gia tăng mật số rồi di chuyển đến nhiều tổ chức khác của cơ thể như gan, thận, ống mật..., làm cho gan, mật bị sưng to, đôi khi tiết nhiều dịch nhầy. Sức đề kháng của cơ thể cá giảm dần. Bệnh nặng kéo dài sẽ tăng dần độ lây nhiễm.

Nguyên nhân sinh ra bệnh gạo là do ao nuôi không được cải tạo kỹ, hoặc do mua phải nguồn cá giống đã nhiễm bệnh. Cá bị mắc bệnh gạo thường không biểu hiện rõ triệu chứng, dễ lẫn với các bệnh khác như sán lá, thích bào tử trùng hay thiếu dinh dưỡng... Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ hoạt động của cá, sẽ thấy có một số biểu hiện sau: sức ăn mồi giảm, cá bơi lội khác bình thường. Cá bị bệnh nặng, trên da xuất hiện nốt đen sần sùi, lâu dần tại vết thương đó sẽ bị thủng những lỗ nhỏ li ti nhưng không có rớm máu. Các vết loét này là môi trường tốt cho các vi khuẩn, ký sinh trùng gây bệnh.

Theo các chuyên gia của Khoa Thủy sản (Trường Đại học Cần Thơ), các biện pháp phòng bệnh gạo ở cá tra chủ yếu laõ:

Cải tạo ao thật kỹ sau mỗi vụ nuôi, nhất là những ao cá đã bị nhiễm bệnh gạo.

Khi phát hiện cá bị bệnh gạo nên loại cá ra khỏi hệ thống nuôi, xử lý cá bệnh bằng cách nấu chín hay chôn hủy để tránh lây nhiễm.

Chọn cá giống thả không nhiễm vi bào tử trùng bằng cách mổ khám ít nhất 30 con cá, nếu phát hiện thấy cá nhiễm thì không nên thả nuôi hoặc xét nghiệm vi bào tử trùng ở cá giống bằng PCR (Phương pháp PCR được sử dụng rất phổ biến và hiệu quả để xét nghiệm nhằm phát hiện sớm, nhanh và chính xác các mầm bệnh ở thủy sản).

Sau mỗi vụ thu hoạch cần cải tạo ao thật kỹ, rải vôi bột và phơi đáy 3 - 7 ngày để diệt các bào tử trùng trong bùn đáy ao. Định kỳ xử lý ao bằng các loại thuốc sát trùng như Vime - Protex hoặc Vimekon, tốt nhất là nên đưa thuốc xuống đáy ao. Dùng muối hạt liều lượng 50- 70 kg/1.000m2 đáy ao kết hợp với Vimekon theo liều 1 - 1,5kg/1.000m2.

Định kỳ hút bùn đáy ao, 2 tháng/lần đối với cá dưới 300g, 1 tháng/lần đối với cá trên 300g. Sau mỗi lần hút bùn ao cần kết hợp xử lý đáy ao bằng các sản phẩm Vime-Protex, Vimekon hoặc Fresh water.

Theo kinhtenongthon

Các tin khác