Kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng dê hậu bị giống

Là chủ nhân của đàn dê hơn 30 con cho thu nhập khủng hàng trăm triệu đồng mỗi năm, anh Đinh Văn Quỳnh chia sẻ kinh nghiệm: Một ngày trước khi cai sữa, cần tiến hành chọn những con dê đực, dê cái tốt nhất trong đàn để nuôi hậu bị, chú ý chọn những con có ngoại hình đẹp, cân đối, mang những đặc trưng của giống, sinh trưởng tốt và có cơ quan sinh dục phát triển bình thường.


Chăm sóc, nuôi dưỡng dê hậu bị giống để nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh: Trần Quang

Trong giai đoạn này, tùy theo khối lượng và tuổi dê, mỗi ngày cần bảo đảm lượng thức ăn (thông qua chăn thả hoặc cho ăn tại chuồng) đối với mỗi con như sau: Thức ăn thô 2- 5kg; thức ăn tinh 0,2- 0,5kg. Đối với thức ăn tinh, cần hạn chế sử dụng các loại thức ăn giàu năng lượng như ngô, sắn, gạo… để tránh cho dê hậu bị nhanh béo mà vẫn bảo đảm cho dê sinh trưởng, phát triển bình thường.

Thêm vào đó, bà con nông dân cần cung cấp đầy đủ nước sạch cho dê. Mỗi ngày cho dê vận động 3- 4 giờ. Hàng ngày làm vệ sinh chuồng nuôi, sân chơi, máng ăn, máng uống, đồng thời cần luôn bảo đảm chuồng nuôi khô ráo, sạch sẽ.

Đối với dê đực giống hậu bị, phải nuôi tách riêng và chỉ cho giao phối khi đạt 11- 12 tháng tuổi. Dê ở thời kỳ đầu sau khi cai sữa là thời kỳ chuyển tiếp từ bú sữa mẹ sang tự thu nhận các loại thức ăn, vì thế dê con thường bị khủng hoảng, dễ mắc các bệnh đường tiêu hóa như chướng bụng, đầy hơi, ỉa chảy.

Bà con cần chú ý để đề phòng những trường hợp này cần lưu ý cho dê ăn các loại thức ăn chất lượng tốt, thức ăn, nước uống phải rất sạch sẽ, chuồng nuôi, sân chơi phải khô, sạch. Nếu chẳng may dê bị ỉa chảy hoặc thường xuyên chướng bụng đầy hơi, phải xem xét nguồn thức ăn, nước uống và có biện pháp điều trị kịp thời. 

Theo Dân Việt

Các tin khác