Độc đáo bồ câu kiểng

Theo các nghệ nhân nuôi chim kiểng, bồ câu kiểng đã có ở Sài Gòn từ 30 - 40 năm trước. Thời ấy không nhiều người chơi, cách nuôi cũng đơn giản và chỉ có vài giống bồ câu đẹp. Gần đây, nuôi bồ câu kiểng đã trở thành phong trào, là niềm đam mê của nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ. Đỉnh điểm của phong trào có lẽ là cuộc đua bồ câu theo lộ trình Quy Nhơn về Sài Gòn được tổ chức trước tết Nguyên đán vừa qua. Người ta ngộ ra khả năng thú vị của bồ câu đua (bồ câu đưa thư) và càng bất ngờ khi có nhiều “dân chơi” bồ câu Sài Gòn sở hữu hàng chục loại bồ câu kiểng mà loại nào cũng đẹp, cũng lạ, “không đụng hàng”…

Đa dạng

Anh Hữu Minh, thành viên Hội sinh vật cảnh quận Tân Phú cho biết: Hiện nay ở Sài Gòn có rất nhiều loại bồ câu kiểng như bồ câu bi (bi xám, đen, đỏ, hoa), bồ câu thái (trắng, đen, xám, đỏ), bồ câu kỳ lân, vảy cá, sư tử, bông cúc, mautabun, cánh màu, gà banh, hỏa tiễn đỏ, phụng hoàng… Mỗi loại có hình dáng và nét đẹp riêng, có loại mang ưu thế về màu sắc, có loại gây ấn tượng với bộ lông đẹp. Lúc đầu “dân chơi” mua giống bồ câu ngoại của Thái Lan, Đài Loan, Bỉ, Nhật, Italia, về nuôi rồi lai tạo các giống, có người còn cho lai giống với nhau, rồi cho ra loại bồ câu “không đụng hàng”.

Loại bồ câu bi xám hoặc đen có mặt từ rất lâu ở trong nước cũng được nhiều người chơi ưa chuộng bởi hình dáng thon gọn và dễ nuôi. Bồ câu nhập ngoại đẹp và đa dạng nhưng nuôi phải “bài bản” và phải bỏ công chăm sóc nhiều thì mới được như ý. Theo anh Chính, người nuôi bồ câu ở đường Bà Hom, quận Bình Tân thì người bắt đầu nuôi thường là mua một cặp bồ câu đẹp, dần dần sưu tầm thêm, đến khi có hàng chục loại. Có nhiều người nuôi và đa dạng chủng loại bồ câu đã góp phần tạo ra thị trường mua bán, trao đổi loại chim kiểng này. Hiện tại, loại bồ câu kiểng thường thường có giá vài trăm ngàn đồng một cặp, loại đẹp thì vài triệu đồng, đặc biệt loại bồ câu ngoại giống đẹp, có đặc tính thông minh của bồ câu đua, đôi khi có giá hàng chục triệu đồng một cặp…

Đam mê

Người nuôi bồ câu kiểng, ngoài việc thưởng thức vẻ đẹp đa dạng, sặc sỡ còn bị cuốn hút bởi đặc tính của loại chim này. Anh Dương ở quận 5, một người nuôi bồ câu kiểng có kinh nghiệm lý giải: “Đây là loài chim hiền, biểu tượng của hòa bình và ước vọng thịnh vượng, lại dễ nuôi hơn các loài vật kiểng khác. Người ở thành phố hay thôn quê đều có thể chơi được. Bản thân tôi thích nhất là loại này rất khôn và trung thành, nếu tập luyện tốt, chúng có thể sà vào lòng chủ, tự tìm thức ăn và bay về, đặc biệt có thể dùng để đưa thư, tham gia các cuộc đua chim bồ câu…”.

Bạn Hoàng Thịnh ở quận 1 thì có được niềm vui và thú đam mê lành mạnh khi thấy: rất thích hình ảnh mỗi sáng lại chim bay vòng quanh nhà, buổi chiều thấy chim về tổ, cất những tiếng gù ấm áp, cảm giác rất ấm cúng. Lâu lâu, Thịnh lại đưa bồ câu sang quận 4, tập thả cho nó bay về nhà. Và, thật ngạc nhiên, anh chàng về đến nhà đã thấy chim đứng trên mái nhà “gù gù chờ đợi”. Còn ông Chiến, một người nuôi chim kiểng thâm niên thì có tình yêu thật sự với hai cặp bồ câu kiểng của mình, ông cho sinh sản chim non rồi cho lại những người có niềm đam mê thật sự chứ không bán. Có hôm, thả chim từ xa tập cho nó tìm đường, ông lên sân thượng dõi mắt chờ và phấn khởi khi đón chim vào chuồng… Anh Phạm Đức Thanh, một “tay chơi” có tiếng trong giới chim kiểng ở Sài Gòn hàng chục năm nay thì ghiền bồ câu kiểng đến độ bỏ ra hàng trăm triệu đồng đầu tư làm “căn cứ” (chuồng nuôi), trang thiết bị nuôi hiện đại và đặc biệt là đích thân anh sang Thái Lan, Hồng Kông… một năm đôi ba lần để mục kích các buổi triển lãm hay các cuộc đua bồ câu quy mô và “săn” được những cặp bồ câu có giá trị…

Và độc đáo bồ câu đua

Bồ câu đua đang là đề tài “hot” trong giới chơi chim kiểng ở Sài Gòn hiện nay. Anh Đức ở phường 10, quận Phú Nhuận nuôi ba cặp bồ câu kiểng từ lâu cũng chỉ để ngắm, giờ thì nhờ có cuộc đua bồ câu Sài Gòn - Quy Nhơn vừa rồi anh biết thêm được nhiều điều lý thú và quyết tâm tìm cho bằng được cặp bồ câu đua “chiến” để huấn luyện. Tuy nhiên, với thị trường chim bồ câu đa dạng và có phần hỗn tạp, muốn tìm bồ câu đua đúng nghĩa là không đơn giản.

Theo ông Lê Hữu ở đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, người có kinh nghiệm hàng chục năm nuôi bồ câu thì bồ câu là loài chim có khả năng định vị và bay xa tốt, vì vậy mà người ta huấn luyện chúng vào việc đưa thư. Cụ thể là nuôi bồ câu từ nhỏ ở một địa điểm rồi mang chúng đến một địa điểm khác, khi cần đưa thư từ điểm mới tới điểm nuôi thì gắn bức thư dưới chân bồ câu cho bồ câu bay về. Điểm độc đáo là khả năng bay lạc của bồ câu rất thấp và có thể bay xa hàng trăm cây số. Dựa vào đặc điểm này, người nuôi bồ câu tổ chức các cuộc đua bồ câu đường dài. Không phải bồ câu nào cũng có thể đua được mà chỉ có một số loại cùng với cách huấn luyện của người nuôi...

Nhiều nghệ nhân đúc kết kinh nghiệm xác định bồ câu đua: về hình thể, bồ câu đua không có gì đặc sắc ngoài dáng to khỏe; loại có màu xì tỉm (xám chấm đen), pho (nâu), kỳ lân (trắng muối tiêu) có khả năng đua giỏi. Mũi và mắt bồ câu cũng là căn cứ xác định bồ câu đua, loại đua giỏi thường có lỗ mũi to, có hai cục trắng… Bồ câu đua thường được mang vòng (kiềng) ở chân, trên đó ghi các thông số cơ bản của con vật, tên, số điện thoại chủ nhân. Khi tham gia đua, kiềng bồ câu còn được gắn thêm bộ phận nhận biết khi bồ câu về đến đích…

Theo những người nuôi bồ câu đoạt giải cao tại cuộc đua Quy Nhơn - Sài Gòn vừa qua thì chế độ dinh dưỡng đầy đủ là yêu cầu bắt buộc của chim đua. Các loại thực phẩm như đậu xanh, bắp, đậu phộng, gạo lứt trộn theo khẩu phần và có bổ sung thêm khoáng chất… Luyện bồ câu đua cũng phải theo từng bước, nên thả bồ câu (để chúng bay về nhà) từ khoảng cách gần đến xa dần theo độ tuổi của bồ câu…

Không phải ai nuôi bồ câu đua cũng thành công, có người đem bồ câu đi thi rất hồ hởi, “nổ” về khả năng bồ câu trị giá hàng triệu của mình nhưng khi về đích đón… hàng chục ngày chẳng thấy bồ câu đâu, thật “tiếc đứt ruột”. Ngoài việc huấn luyện chưa tới, bồ câu đua đôi khi cũng gặp tai nạn, có thể bị chim cắt bắt trên bầu trời hoặc dừng nghỉ chân ở đâu đó bị người ta “thịt”. Ít có khả năng bồ câu bị lạc đường, có trường hợp cuộc đua đã kết thúc vài tháng mà vẫn có chú tìm về đích trong bộ dạng tả tơi...

Theo KHPT

Các tin khác