Độc đáo mô hình nuôi le le bán hoang dã

Le le là một loài chim hoang dã, có nhiều ở vùng ĐBSCL. Những năm gần đây, ngày càng có nhiều người săn bắt le le tự nhiên để bán cho các nhà hàng làm món đặc sản. Nắm bắt được nhu cầu tiêu thụ của thị trường và cũng muốn bảo tồn một loài chim có giá trị kinh tế cao, nhiều người đã tìm cách nuôi và cho sinh sản le le. Ông Sa Lê và ông Gồ Sa Ly (cả hai đều là người Chăm) là 2 điển hình nuôi le le thành công ở xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.

Đây là một trong những mô hình nuôi le le độc đáo nhất ở miền Tây. Theo ông Sa Lê, le le vốn thích sống ở những cánh đồng hoang vắng, nơi có nhiều lung, bàu, đầm lầy, nhất là các khu rừng tràm yên tĩnh ít có bóng người qua lại. Le le không những biết bay mà còn bơi lội và lặn rất tài tình.

Chúng thường đi ăn thành bầy nhưng rất nhát, vừa thấy bóng người là lặn mất hoặc cao bay xa chạy. Muốn bắt được chúng, nhiều người phải tìm cách bao vây hoặc dùng bẫy, lưới mới có thể săn đuổi.

Trong thiên nhiên, le le thường đẻ vào đầu mùa mưa, nhiều nhất là từ tháng 7 - 8, mỗi con đẻ từ 8 - 15 trứng. Sau khi nở vài ngày, le le con sẽ theo mẹ đi kiếm ăn trên khắp các cánh đồng, nhiều nhất là vùng biên giới Việt Nam - Campuchia.

Vào mùa này, người đi đồng mỗi khi phát hiện thường vây bắt đem về thuần dưỡng, nuôi như nuôi vịt. Con to nhất nặng khoảng 300 g, nếu so với vịt trời thì trọng lượng chỉ bằng phân nửa nhưng thịt le le ngon hơn, giá trị kinh tế cao gấp hai ba lần vịt trời.

Ông Sa Lê đã tìm cách thu mua nguồn le le từ thiên nhiên, gồm le le con và le le thịt đem về nuôi theo kiểu bán hoang dã, đồng thời tuyển chọn ra những con khỏe mạnh để cho sinh sản. Theo ông, chuồng nuôi le le phải thoáng đãng, giữa có hồ nước rộng, bên trong trồng nhiều cỏ dại như sậy, lục bình, năn, lác để tạo môi trường hoang dã cho chim trú ẩn và tự làm ổ đẻ trứng. Nhằm bảo đảm an toàn, đề phòng chuột, mèo phá hoại, ông đã bao quanh chuồng một lớp hàng rào lưới dày và chắc chắn.

Ngoài ra, trước khi thả ông còn cắt tỉa bớt lông cánh cho chim không thể bay cao khỏi lưới rào. Theo kinh nghiệm riêng của ông, le le con bắt từ thiên nhiên rất dễ nuôi và mau lớn như gà vịt. Trong môi trường bán hoang dã chúng sống rất khỏe mạnh, hầu như chưa bao giờ bị dịch bệnh. Thức ăn chính của chúng là lúa, ngoài ra chúng còn ăn cả rong rêu và lục bình. Sau 8 tháng nuôi, le le sẽ trưởng thành, các thương lái tìm đến đặt hàng không đủ để cung cấp.

Với diện tích chuồng trại gần 1.000 m2, đầu năm 2012, ông Sa Lê đã thả trên 400 con lớn nhỏ, trong số đó có nhiều con đang bắt cặp, hy vọng sẽ đẻ. Hiện nay, nhiều người đã thu mua le le thịt với giá khá cao (400.000 đ/con) để bán sang Trung Quốc nhưng ông Sa Lê không bán le le thịt mà chỉ bán con giống để nuôi cho sinh sản.

Theo KHPT
 

Các tin khác