Sử dụng thuốc, hoá chất và kháng sinh khi nuôi thuỷ sản

Trong nuôi thủy sản, khi mức độ thâm canh càng cao thì việc sử dụng thuốc, hóa chất và kháng sinh là điều không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng sẽ đưa đến việc sử dụng không hiệu quả hoặc tồn lưu dư lượng trong cơ thể vật nuôi và gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Ngoài ra, còn gây ra hiện tượng gia tăng chất hữu cơ tác động đến cấu trúc và tính đa dạng sinh học của vật nuôi; tồn lưu trong môi trường; tác động đến hệ vi sinh vật trong môi trường và tạo ra các dòng vi khuẩn kháng thuốc…

Vì vậy, khi sử dụng thuốc, hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, người nuôi cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Khi mua thuốc, hóa chất chỉ chọn các loại thuốc, hóa chất ít hủy hoại môi trường. Bao gói còn nguyên vẹn, trên bao bì phải có các thông tin như tên thuốc, thành phần, công dụng, hướng dẫn sử dụng, ngày sản xuất, hạn sử dụng, mã số lô, tên cơ sở sản xuất,…

- Chỉ sử dụng thuốc, hóa chất, kháng sinh nằm trong danh mục được phép sử dụng. Tuyệt đối không được sử dụng các loại thuốc, hóa chất đã bị cấm như: Chloramphenicol, Nitrofuran, Green Malachite, Trifluralin, Dipterex, Dapsone,…

- Không sử dụng thuốc, hóa chất kém chất lượng (hết hạn sử dụng, bảo quản không đúng cách).

- Đối với kháng sinh, không được sử dụng trong công tác phòng bệnh để tránh gây lờn thuốc. Chỉ dùng kháng sinh để điều trị các bệnh do vi khuẩn gây ra và chỉ sử dụng sau khi đã xác định được mầm bệnh.

- Liều lượng, thời gian sử dụng phải tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

- Cần ngưng sử dụng ít nhất 4 tuần trước khi thu hoạch.

- Phải bảo quản thuốc, hóa chất ở nơi khô ráo, thoáng mát, để cách biệt với dầu máy, hóa chất độc và thức ăn. Các loại thuốc, hóa chất đã mở bao gói nếu dùng chưa hết phải được cột chặt, tránh thuốc bị ẩm và giảm chất lượng. Tránh để động vật gây hại hay côn trùng tiếp xúc và phá thuốc, hóa chất./.

Thạc sĩ Lâm Thị Ngọc Trân

Các tin khác