Nuôi gà “thái giám” chạy bộ hàng ngày, thương lái giành mua để bán dịp đặc biệt

Năm 2011, nuôi heo thất bại nặng nề bởi "dính" dịch heo tai xanh, chị Đinh Thị Tuyết Nhung (xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) chuyển sang nuôi gà trống thiến.


Chị Đinh Thị Tuyết Nhung (xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) nuôi gà trống thiến trên đồi. (Ảnh: Trần Đáng)

Nuôi gà trống thiến cho chạy bộ hàng ngày

Theo chị Nhung, địa bàn chị sinh sống đa phần là người dân tộc Hoa. Họ rất thích ăn gà trống thiến.

Nắm bắt được thị hiếu này, chị Nhung quyết định bỏ nuôi heo để tập trung nuôi gà trống thiến.

Giống gà chị chọn là gà phải khỏe, thân hình đẹp và màu lông bóng sáng, tất nhiên chúng đều là gà trống.

Chị Nhung cho biết, gà giống mua về được tiêm chủng ngừa đầy đủ các loại vaccine.

Ban đầu, do gà còn nhỏ nên chị Nhung cho ăn cám công nghiệp dùng cho gia cầm đang trong giai đoạn úm.

Bước qua giai đoạn gà được 2 tháng tuổi, chị Nhung tập cho gà ăn cám trộn với bắp xay.

Thời gian gà nuôi càng về sau, tỷ lệ cám giảm dần đến khi chỉ còn cho ăn bắp.

Tuy nhiên, cách nuôi gà trống thiến của chị Nhung có điểm khác biệt hơn các hộ nuôi gà khác.

Theo đó, ngoài thả lang thang để đàn gà đi kiếm ăn, chị Nhung đặt nhiều máng thức ăn, nước uống cho gà trên sườn đồi.


Theo chị Nhung, nuôi gà trống thiến chạy đồi sẽ cho thịt gà săn chắc. (Ảnh: Trần Đáng)

Mỗi lần cho gà ăn, chị Nhung rãi thức ăn lần lượt vào từng máng. Gà trống thiến muốn ăn phải chạy từ máng này sang máng kia.

"Bình thường thịt gà trống thiến đã thơm ngon. Việc vận động thường xuyên đem đến chất lượng thịt gà thêm săn chắc", chị Nhung thổ lộ.

Khi gà nuôi được 4 tháng tuổi, chị Nhung cho thiến gà. Lúc này thể trạng gà khỏe, ít bị suy kiệt.

Chị Nhung chia sẻ, thông thường gà trống thiến nuôi đủ 5 tháng tuổi là xuất bán.

Trọng lượng gà ở thời điểm đủ để xuất bán đạt hơn 3kg/con. Giá gà trống thiến chị Nhung bán ra dao động khoảng 80.000 đồng/kg.

Nếu gà trống thiến nuôi đến 7 tháng tuổi, trọng lượng đạt hơn 4,5 kg/con, giá bán lúc này cao hơn hẳn, dao động 110.000-130.000 đồng/kg.

Chị Nhung cho hay, đầu ra gà trống thiến rất tốt. Tháng nào chị cũng có lứa gà trống thiến xuất bán ra thị trường. Mỗi lứa khoảng 300 con gà trống thiến.

Khách hàng chủ yếu của chị Nhung là người dân, các dịch vụ nấu đám tiệc ở địa phương, trong đó có khách hàng thường xuyên là đồng bào người Việt gốc Hoa.


Nuôi gà trống thiến đã giúp gia đình chị Nhung có cuộc sống khấm khá, có dư. Chị Nhung cho hay, việc nuôi gà trống thiến cũng nhàn hơn và ít rủi ro hơn so với nuôi heo. (Ảnh: Trần Đáng)

Một phần số gà trống thiến nuôi tại trang trại của gia đình chị Nhung được thương lái đưa về TP.HCM tiêu thụ.

Nuôi gà trống thiến bán Tết

Theo chị Nhung, thời điểm bán gà trống thiến chạy nhất là vào các ngày lễ, ngày nghỉ trong năm, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm.

Cứ mỗi dịp Tết đến, thương lái và người tiêu dùng khắp nơi lại tìm về tận nhà chị Nhung để mua gà trống thiến. Lúc này, giá gà trống thiến có giá cao hơn 30% so với gà thịt ngoài thị trường.

Trung bình, mỗi lứa gà trống thiến bán dịp Tết, chị Nhung thu lời khoảng 100 triệu đồng.

Dịch Covid-19 bùng phát thời gian qua, khiến sức mua gà trống thiến chậm lại. Nhưng theo chị Nhung, giá gà trống thiến vẫn ổn định 110.000 – 120.000 đồng/kg. Giá gà trống thiến cơ bản vẫn giữ được mức ổn định là do nhu cầu ít sụt giảm và không phải gia đình nào, trang trại nào cũng nuôi thứ gà "thái giám" này.


Phần lớn nông dân nuôi gà trống thiến chủ yếu bán gà vào dịp Tết. Ảnh. Thợ thiến gà trống. (Ảnh: Trần Đáng)

Chị Nhung cho biết, nhờ áp dụng tốt mô hình nuôi gà trống thiến chạy bộ trên đồi, kinh tế gia đình chị khấm khá lên, chi tiêu có dư.

Theo TRẦN ĐÁNG/ DÂN VIỆT 

Các tin khác