'Phù thủy' tăng năng suất vải thiều
Ép vải thiều ra quả trên thân Cây vải thường chỉ cho quả ngoài tán. Tuy nhiên, với những cây vải hơn 10 năm tuổi, hay cây có bộ khung tán lớn thì năng suất quả thường giảm qua từng vụ. Nguyên do là bởi cây không có đủ dinh dưỡng nuôi quả ở đầu cành. Đã có nhiều biện pháp, sáng kiến từng được đưa ra nhằm đảm bảo duy trì năng suất cây vải theo thời gian, nhưng chưa có biện pháp nào xử lý dứt điểm. Mãi đến năm 2012, trong một lần tình cờ thấy cây vải giao tán vào nhau tạo nhiều khoảng râm, ông Trần Văn Hành, trú tại thôn Chão Cũ, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) mới nảy ra ý định bấm bớt cành nhỏ ở đầu tán để vườn có nhiều ánh sáng. Không ngờ chỉ một thời gian sau, nhiều nhánh lộc mọc ra từ thân cây và nở hoa chi chít. Những quả vải mọc từ thân, qua một hai vụ ngày càng ngon hơn và đẹp hơn. Theo ông Hành, khách mua rất chuộng các quả vải mọc từ thân vì sáng mã. Về phía gia đình, việc "ép" cây vải ra quả trên thân đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt nhờ giảm thời gian thu hái. Lượng nhân công trong những ngày cao điểm được giảm khoảng một nửa, đồng thời giá bán luôn ổn định và cao hơn vải thông thường khoảng 3.000 - 5.000 đ/kg. Với 3 ha vải mỗi năm, gia đình ông Hành thu về từ 700 - 800 triệu đồng. Trung bình mỗi ha, hộ của ông đạt doanh thu khoảng 250 triệu đồng, cao hơn khoảng 20% so với mức trung bình của nhiều hộ dân khác. "Ngay trong năm đầu tiên, tôi quan sát và thấy quả ra từ thân chất lượng ngon hơn, hình thức đẹp hơn quả ở cành. Việc áp dụng phương pháp xử lý cây vải ra quả trên thân là giải pháp hữu hiệu để tăng năng suất, cải tạo chất lượng quả của cây, đồng thời giúp cây có bộ khung tán khỏe mạnh", ông Hành chia sẻ. Sau chục năm kinh nghiệm "ép" vải ra quả từ thân, ông Hành bật mí, rằng lộc ra từ thân ngay sau vụ thu hoạch cần được cắt bỏ. Đợi lộc ra đợt kế tiếp sau chừng 2 tháng, ông sẽ để lại cho ra hoa. Do cắt tỉa cành, hạn chế tán cây phát triển đã giúp ánh sáng tỏa xuống thân, rồi kết hợp đồng loạt bón thúc, chất dinh dưỡng dồn tụ lại, làm bật mầm trên thân cây, giúp cây vải có những chùm nặng đến vài kg. Phù hợp cho vườn vải lâu năm Từ sáng kiến của ông Hành, nhiều bà con xã Giáp Sơn đã áp dụng và rút ra rằng phương pháp này rất phù hợp với những vườn vải đã nhiều năm tuổi (có thể trên 20 năm). Lý do bởi vải nhiều năm tuổi sinh trưởng, phát triển yếu, các đợt lộc ra không đều, thường xuyên xảy ra mất mùa; hoặc tỷ lệ ra hoa, đậu quả ít, ra quả từng vế, ra quả cách năm, quả nhỏ, lá nhiều, ít quả trên chùm, mẫu mã quả xấu, khó chăm sóc, giá trị sản phẩm không cao, năng suất thấp… Ba kỹ thuật chính giúp cây vải thiều giữ được năng suất, chất lượng khi ra quả trên thân là cắt tỉa, khoanh cành và bón phân. Về cắt tỉa, đây là biện pháp tác động chính, thường được chia làm hai đợt. Đợt một ngay sau khi thu hoạch vải vụ trước, người dân cắt tỉa cành tạo tán. Với cây vải năm đầu tiên áp dụng cho ra quả trên thân, tiến hành cắt thưa, loại bỏ cành hư, cành vô hiệu, cắt đầu nhánh đã cho thu hoạch quả, tạo thông thoáng cho nắng chiếu vào mầm lộc trên thân để tán lá trong thân quang hợp. Đặc biệt, không nên đốn sâu ngay năm đầu. Với cây đã áp dụng phương pháp trên, cần tiến hành cắt tỉa thưa bớt các cành, tạo không gian thoáng đãng và cho các mầm lộc mới sinh trưởng đều trên thân. Đợt hai, sau khi cây ra đủ 2 lần lộc, cây khỏe có thể để lần lộc thứ ba vào tháng 10, 11, người dân cắt tỉa những cành tăm, nhỏ và kém phát triển ở thân cây, để lại những lộc mập, tạo điều kiện cho việc phân hóa ra hoa trên thân và tăng tỷ lệ đậu quả, thuận tiện cho chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch. Về khoanh cành, đây là biện pháp kỹ thuật tránh cho vải ra lộc vào vụ đông, khi gặp thời tiết thuận lợi như mưa, nhiệt độ ấm áp... Cách làm là dùng lưỡi cưa ngắn để khoanh đều hết phần vỏ cây đến phần gỗ trắng của thân cây thì thôi, sao cho tạo thành hình tròn quanh thân. Tùy vào tuổi cây và sự sinh trưởng, phát triển, người dân có thể khoanh rộng vành hơn đối với các cây khỏe và mịn hơn đối với các cây yếu. Bên cạnh đó, người dân chú ý khoanh từ ngày 25/11 đến 10/12 nhằm tránh tiết Đông chí. Về bón phân, tiến hành làm 3 - 4 đợt tùy vào khả năng sinh trưởng và phát triển của cây. Trong đó, đợt một tập trung bón thúc lộc, bù lại dinh dưỡng cho cây sau khi cây vải đã cho thu hoạch từ vụ trước. Sau khi tỉa cành, tạo tán, người dân dùng cuốc tạo rãnh vùng quanh tán cây vải. Rãnh rộng từ 15 – 20 cm, sâu khoảng 10 - 15 cm, sau đó rắc phân vào và lấp rãnh lại, bảo đảm cho phân bón phát huy hiệu quả cao nhất. Phân bón cho cây vải thời kỳ này nên dùng các loại tổng hợp như phân NPK. Ngoài ra, có thể sử dụng các loại phân chuồng đã qua xử lý bằng chế phẩm sinh học (ủ mục) để bón cho cây vải, giúp cho đất tơi xốp và cây vải sinh trưởng, phát triển tốt. Đợt hai tập trung bón thúc cho cây sau khi ra hoa. Lấy mốc tính 100kg quả, lượng bón sẽ là 0,7kg urê, 0,7 kg supe lân và 0,4kg KCl. Đợt ba nhằm bón thúc quả, mục đích là bổ sung kịp thời dinh dưỡng bị tiêu hao khi ra hoa, bảo đảm cho quả sinh trưởng phát triển tốt, giảm đợt rụng sinh lý lần hai, tạo cho cây có khả năng tiếp tục ra hoa trong năm sau. Trong giai đoạn này, người dân cần dựa vào màu sắc và lượng quả đậu để tính toán thời điểm, cũng như lượng phân bón phù hợp. Nếu lá vẫn giữ màu xanh thì bón kali là chủ yếu, thêm đạm, nhưng không nên vượt quá 1 kg cho 100 kg quả. Chú ý các đợt ra lộc Ngoài biện pháp phòng trừ dịch hại sau vụ thu hoạch trước, người dân cần chia nhỏ giai đoạn theo từng mốc phát triển của cây vải. Cụ thể, giai đoạn sinh trưởng đầu lộc non ở cây trưởng thành thường là thời điểm phát sinh sâu đục cành. Sâu trưởng thành đẻ trứng vào khoảng tháng 6 - 9 vào các kẽ nứt trên thân, cành chính hoặc dưới lớp vỏ nách chạc cành. Để diệt sâu hiệu quả, cần áp dụng phương pháp thủ công, phát hiện nơi đẻ trứng, dùng dao nhỏ cạo trứng hoặc sâu non mới nở. Đặc biệt, bà con tăng cường thăm vườn vào giai đoạn cây ra các đợt lộc. Đây là giai đoạn sâu bệnh phát triển mạnh nhất trong các giai đoạn sinh trưởng của cây vải thiều. Tùy mức độ và thời tiết vào thời điểm phun, người dân tính toán số lần phun, đặc biệt khi cây mới nhú lộc và khi lộc rộ. Bệnh sương mai và thán thư có thể xuất hiện ở giai đoạn cây phân hóa mầm hoa, hoa nở. Ngoài ra, giai đoạn quả kéo cùi kín đến chín là lúc quyết định đến chất lượng quả. Các loại sâu hại quan trọng như sâu đục cuống quả và ruồi hại quả có thể làm giảm năng suất và chất lượng quả. Cách phòng trừ là thường xuyên tỉa cành cho vườn thông thoáng để hạn chế nơi trú ngụ của sâu. Ông Đinh Văn Phương, Phó Trưởng phòng NN-PTNT Lục Ngạn cho biết, giống những loại cây ăn quả khác, vải thiều cần nhiều công chăm sóc, nhất là công đoạn tỉa cành, tạo tán. Ông cũng lưu ý việc tỉa cành, đốn cành cần tính toán cụ thể, chi tiết sao cho số lượng cành đốn tỉa phù hợp với sức sống của cây. Nếu đốn nhiều cành, cây sẽ lâu phục hồi và có thể ảnh hưởng để thời vụ ra hoa của cây vải. Theo BÁ THẮNG - ĐỨC MINH/ NNVN |
- Cứ nuôi tôm 2 vụ lại xen một vụ nuôi cá đặc sản, nông dân Sóc Trăng bất ngờ đếm tiền nhiều hơn hẳn
- Nuôi tôm siêu thâm canh bằng thảo dược
- 'Bí kíp' trồng xoài giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng
- Chăn nuôi chả cần nhốt chuồng là chăn nuôi kiểu gì mà bà chủ tha hồ nhặt trứng, bán giá cao?
- Nuôi vịt chuồng lạnh hạn chế rủi ro
- Cái khó ló cái khôn, dân Nghệ An dùng kế hay khiến cây chanh "chết giả" kích thích sai hoa, đậu quả
- 'Bí kíp' để xoài cho quả tới 2,6kg, to như cái phích
- Nuôi vịt xiêm bằng thức ăn tự nhiên, chi phí thấp, hiệu quả cao
- Cầm chắc hơn 1 tỷ/năm là thu nhập của một anh nông dân Đồng Tháp làm phòng đẹp "ru ngủ" ốc đặc sản
- Đây là kiểu trồng cây, nuôi con mới ở Bạc Liêu, nông dân chuyển đổi thành công, thu nhập tốt hơn hẳn