Một anh trai làng ở Bà Rịa nuôi cua trong nhà, chờ cua có 2 da là bắt bán kiếm bộn tiền
Được người bạn giới thiệu về anh Lê Ngọc Phú cư ngụ tại ấp Phước Tân, xã Tân Hưng, TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu nuôi cua 2 da trong hộp nhựa. Nghe qua thấy lạ, tôi vội vàng xin số điện thoại của anh Phú và liên lạc hẹn xin được gặp anh. Đúng hẹn tôi tìm đến theo địa chỉ. Tuy đang bận công việc nhưng anh Phú vẫn niềm nở tiếp đón. Bên chiếc bàn đá anh Phú cho biết, hiện anh đang làm việc cho công ty phân phối thức ăn chăn nuôi. Nhờ có người anh Lê Ngọc Hạnh làm việc tại Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 (một trong những thành viên của nhóm nghiên cứu và xây dựng thành công hệ thống tuần hoàn hoàn hoàn chỉnh để nuôi cua trong nhà) hỗ trợ quy trình kỹ thuật. Anh đã gặp và trao đổi với một người bạn đồng nghiệp rồi mạnh dạn góp vốn đầu tư xây dựng cơ sở nuôi cua hai da trong hộp ở một nơi mà nguồn nước biển hoàn toàn không có để tăng thêm thu nhập. Cơ sở nuôi cua trong nhà có diện tích khoảng 100m2 bao gồm các dãy hộp nuôi cua có kích thước D-R-C (40cm x 36cm x 17cm), thiết kế xếp chồng lên nhau theo dãy, mỗi dãy 2 hàng, giữa các dãy có lối đi để thao tác kỹ thuật. Với diện tích 100m2 thiết kế 6 dãy tương ứng với 1100 hộp nuôi, một bể lọc ngầm 2 ngăn (một ngăn chứa hạt Kaldnes va một ngăn chứa đèn UV và tấm Jimat) có thể tích 10m3. Nước từ hộp nuôi cua chảy qua hệ thống lộc gồm bình lọc cơ học (thiết kế dạng trống lọc) có khả năng loại bỏ chất thải với kích thước ≤ 80 micron; bể lọc sinh học (có sục khí) sử dụng các hạt Kaldnes hình dạng bánh răng với các rãnh đối xứng nhau có diện tích bề mặt rộng là nơi các vi sinh vật neo bám, sinh trưởng, chuyển hóa các loại chất thải hòa tan dạng nitơ như amoni, nitrit và nitrat... Đèn diệt khuẩn UV khống chế sự phát triển của các loại vi khuẩn cũng như mầm bệnh trong hệ thống nuôi; Tấm Jimat chắn giữ lại những cặn li ti sau khi nước được chuyển trở lại hộp nuôi. "Nước nuôi cua được bơm tuần hoàn liên tục trong suốt vụ nuôi, không dùng bất cứ hóa chất nào nhằm bảo vệ vi sinh cho chu trình lọc sinh học, hạn chế tối đa sự lây lan mầm bệnh, nguồn nước nuôi được tái sử dụng với nhiều đợt nuôi, không xả thải ra môi trường. Chỉ cần bổ sung thêm lượng nước do bay hơi thất thoát...", anh Phú giải thích. Chia sẻ về kỹ thuật nuôi cua 2 da trong nhà anh Phú cho biết nuôi cua hai da nước biển có độ mặn thích hợp nhất từ 20 - 25‰. Mỗi hộp chỉ thả nuôi một con cua, mực nước trong hộp cao khoảng 7-10cm. Chọn cua thả nuôi có trọng lượng 250g/con, khỏe mạnh, màu sắc tươi sáng, không trầy xước, gãy càng. Sử dụng cá tạp tươi cắt khúc cho cua ăn ngày 2 lần vào lúc sáng sớm và chiều tối. Khẩu phần ăn khoảng 5% trọng lượng thân. Trong quá trình nuôi cua thường xuyên dùng đen soi kiểm tra sự hình thành lớp da mới. Khi thấy cua có hiện tượng xuất hiện lớp da mới (lớp biểu bì) để chuẩn bị thay lớp võ cũ gọi là cua 2 da thì xuất bán. Thời gian tạo da mới ở cua nuôi nhốt thường xảy ra từ ngày thứ 10 cho đến ngày thứ 20 là kết thúc một chu kỳ nuôi. Cua biển là một trong những món ăn hải sản được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng và đây cũng là một trong những đối tượng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi. Đặc biệt là cua 2 da có giá bán cao hơn cua thường nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ. Hiện cua hai da bán tại các nhà hàng có giá từ 600.000-700.000 đồng/kg nhưng vẫn không đủ cung cấp. Trong khi đó giá thành cua thịt thương phẩm có giá bằng một nửa. Nếu nuôi cua trong hộp đạt tỷ lệ sống thì lợi nhuận sau khi trừ chi phí một kg cua 2 da cho lãi từ 150 – 200 ngàn. Anh Phú chia sẻ thêm. Trao đổi với chúng tôi ThS. Lê Ngọc Hạnh cho biết, ưu điểm lớn của hệ thống nuôi cua trong nhà là việc tận dụng diện tích nuôi tối đa, các hộp nuôi được xếp tầng chồng lên nhau, cua được nuôi và thu hoạch liên tục, chất lượng sản phẩm có thể kiểm soát dễ dàng trước khi xuất bán. Mô hình nuôi cua này tốn ít diện tích nhưng cho năng suất cao, sản phẩm tạo ra an toàn sinh học, không chứa thuốc và kháng sinh, sản phẩm hoàn toàn tươi sống. Quy trình sản xuất mang tính kỹ thuật cao, chính xác và ổn định, đáp ứng điều kiện nuôi cua trong đô thị và vùng ven, giải quyết việc làm cho người dân nhàn rỗi. Mô hình nuôi cua này có thể nhân rộng theo nhiều cấp từ nông hộ đến quy mô sản xuất lớn, cung cấp lượng hàng hóa cho nội địa và xuất khẩu. “Tuy nhiên, hiện tại mô hình nuôi áp dụng tại những địa phương hoặc những nông hộ có ao đầm nuôi cua lấy con giống chuyển sang giai đoạn nuôi cua hai da có hiệu quả kinh tế cao hơn so với những mô hình phụ thuộc chọn mua cua giống trên thị trường”, Ths Hạnh khuyến cáo và cân nhắc. Theo TRỌNG HOÀNG/ CỔNG TTĐT BÀ RỊA VŨNG TÀU |
- Cứ nuôi tôm 2 vụ lại xen một vụ nuôi cá đặc sản, nông dân Sóc Trăng bất ngờ đếm tiền nhiều hơn hẳn
- Nuôi tôm siêu thâm canh bằng thảo dược
- 'Bí kíp' trồng xoài giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng
- Chăn nuôi chả cần nhốt chuồng là chăn nuôi kiểu gì mà bà chủ tha hồ nhặt trứng, bán giá cao?
- Nuôi vịt chuồng lạnh hạn chế rủi ro
- Cái khó ló cái khôn, dân Nghệ An dùng kế hay khiến cây chanh "chết giả" kích thích sai hoa, đậu quả
- 'Bí kíp' để xoài cho quả tới 2,6kg, to như cái phích
- Nuôi vịt xiêm bằng thức ăn tự nhiên, chi phí thấp, hiệu quả cao
- Cầm chắc hơn 1 tỷ/năm là thu nhập của một anh nông dân Đồng Tháp làm phòng đẹp "ru ngủ" ốc đặc sản
- Đây là kiểu trồng cây, nuôi con mới ở Bạc Liêu, nông dân chuyển đổi thành công, thu nhập tốt hơn hẳn