Điều cần biết vụ lúa mùa 2015

 Các tỉnh miền Bắc có thể chịu ảnh hưởng 1 - 2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới, tập trung chủ yếu từ tháng 7 - 9. Các đợt nắng nóng gay gắt có thể tập trung nhiều từ tháng 6 - 7. Mùa mưa có khả năng đến sớm, tập trung vào thời kỳ đầu và giữa vụ. Trong mùa có thể có từ 7 - 9 trận mưa to đến rất to.

Do biến đổi khí hậu ảnh hưởng của El Nino có thể có những hiện tượng cực đoan về thời tiết như bão mạnh và bão muộn không theo quy luật, mưa lớn trên diện rộng chủ yếu vào các tháng đầu vụ… Từ những dữ kiện về dự tính dự báo thời tiết trên, đòi hỏi cán bộ ngành nông nghiệp và nông dân cần theo dõi sát sao, có những biện pháp kỹ thuật khắc phục, ứng phó kịp thời nhằm mang lại một kết quả khả quan cho vụ mùa.

Xin đưa ra một số giải pháp kỹ thuật cần tác động đến lúa mùa 2015 như sau:

Cơ cấu trà lúa, giống lúa và thời vụ gieo cấy: Để né tránh được bão muộn xảy ra và tổ chức được SX một vụ đông sao cho sớm, kịp thời vụ các tỉnh ĐBSH nên ưu tiên và chú trọng phát triển trà mùa sớm và mùa trung, hạn chế tối đa trà lúa mùa muộn (vì trà này rất hay gặp rủi ro). Năm 2014 nhuận 2 tháng 9 nên thời vụ gieo cấy lúa xuân 2015 bị lùi lại.

Do đó để thuận lợi cho gieo cấy lúa mùa được kịp thời vụ, nông dân cần khẩn trương thu hoạch lúa xuân sao cho nhanh gọn (tốt nhất nên thu hoạch khi lúa chín được từ 85 - 90% theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”). Các giống lúa phát triển ở trà mùa sớm và mùa trung nên sử dụng các giống lúa ngắn ngày (TGST từ 85 - 110 ngày).

Ưu tiên các giống có khả năng đẻ nhánh, trổ tập trung và kháng được bệnh bạc lá. Các giống có bộ lá thẳng đứng, cây cứng, lá đòng hình mo cần được chọn lựa để đưa vào cơ cấu. Thời vụ gieo cấy lúa mùa trà sớm và trà mùa trung nên tập trung từ đầu đến cuối tháng 6 dương lịch với phương thức làm mạ dược hoặc nền cứng, gieo thẳng tốt nhất từ 5 - 20/6. Nên tập trung quy vùng theo phương châm 1 vùng 1 giống để tiện chỉ đạo SX và nông dân dễ thâm canh.

Chuẩn bị và xử lý, ngâm ủ giống: Các Cty, đại lý, HTXNN cung ứng giống dưới sự giám sát của ngành chuyên môn nên cung ứng sao cho đủ và kịp thời các giống thích hợp nhất trong cơ cấu vụ mùa. Tốt nhất nên cung ứng cho nông dân các giống mà tỉnh và huyện đã đưa vào cơ cấu. Nông dân cũng nên xem các bản thông báo cơ cấu và lịch gieo cấy của địa phương để áp dụng sao cho đúng các giống lúa và thời vụ thích hợp.

Giống lúa gieo cấy vụ mùa hầu hết là giống liền vụ vì vậy, các cán bộ chuyên môn và Cty cung ứng giống cần phải hướng dẫn, khuyến cáo nông dân xử lý giống, ngâm ủ sao cho đúng kỹ thuật mới đạt được tỷ lệ này mầm theo yêu cầu. Tránh tình trạng giống chẩm, không nảy mầm đều sẽ rất khó khăn cho việc gieo cấy của nông dân. Ngoài ra, các địa phương cũng cần hướng dẫn nông dân chuẩn bị nguồn giống lúa dự phòng (ít nhất 5% diện tích vùng trũng bằng các giống ngắn ngày như Khang dân 18, lúa Nhật, các giống lúa chất lượng ngắn ngày…).

Giống lúa lai đưa vào gieo cấy vụ mùa phải quy vùng tập trung để có phối hợp chỉ đạo, theo dõi và xử lý kịp thời những yếu tố bất lợi tránh thiệt hại, rủi ro cho nông dân. Nên lựa chọn các giống lúa lai có khả năng kháng bệnh bạc lá, gieo cấy đúng thời vụ để lúa trỗ né được các cao điểm của bão và các loại sâu bệnh hại.

Tưới tiêu và làm đất gieo cấy: Các địa phương cần triển khai thực hiện tốt và có hiệu quả kế hoạch phòng chống úng vụ mùa. Cần kiểm tra các công trình trạm bơm, tu sửa máy móc, nạo vét kênh mương tiêu, vớt bèo khơi thông dòng chảy, tôn cao bờ vùng, đảm bảo tưới tiêu hợp lý tránh để ruộng khô hạn hoặc ngập úng trên tất cả các diện tích lúa mùa. Cần có biện pháp khoanh vùng tiêu úng cục bộ cho những diện tích trũng của địa phương khi mưa lớn xảy ra.

Do việc thu hoạch vụ xuân kéo dài nên cần phải vừa thu hoạch vừa làm đất gieo cấy vụ mùa ngay. Đòi hỏi công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện phải tập trung cao độ và khẩn trương mới kịp thời vụ. Những diện tích gặt sớm và cần trồng màu sớm nên gặt sát gốc và làm đất gieo cấy lúa mùa ngay. Các diện tích khác cũng cần chủ động tận dụng mọi nguồn sức kéo, ưu tiên máy móc để cày dập rạ với phương châm thu hoạch đến đâu làm đất dập rạ ngay đến đó tạo điều kiện cho rơm rạ phân hủy và gieo cấy kịp thời vụ.

Cần sử dụng từ 15 - 20 kg vôi bột/sào Bắc bộ hoặc chế phẩm sinh học để hạn chế bốc chua, cho rơm rạ phân hủy nhanh, hạn chế nghẹt rễ vàng lá lúa non sau gieo cấy do ngộ độc hữu cơ.


Áp dụng tốt biện pháp 3 giảm, 3 tăng để đảm bảo SX hiệu quả

Áp dụng tốt các kỹ thuật tiến bộ trong canh tác:

+ Quy vùng SX: Quy vùng đảm bảo 1 vùng, 1 giống, 1 thời gian sẽ rất thuận lợi cho việc thâm canh lúa mùa như áp dụng được các khâu cơ giới hóa trong làm đất cũng như thu hoạch, dễ chăm sóc, tưới tiêu và phòng trừ sâu bệnh…

+ Đảm bảo gieo cấy đúng thời vụ và áp dụng các phương thức canh tác tiến bộ: Ở những nơi tưới tiêu chủ động, tốt nhất nông dân nên áp dụng thâm canh lúa mùa theo phương thức mạ nền, cấy bằng máy, gieo thẳng theo phương thức sạ hàng… để vừa giảm bớt công lao động, lại đảm bảo được tiến độ và hạn chế được sâu bệnh hại, làm tăng năng suất lúa.

Đối với các giống lúa lai khi đưa vào gieo cấy ở vụ mùa cần chỉ đạo và hướng dẫn nông dân thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp kỹ thuật như quy vùng, gieo cấy cùng thời gian, bón phân cân đối, tăng cường kali giai đoạn trước và sau trổ…

+ Thực hiện tốt biện pháp 3 giảm, 3 tăng: Các cán bộ trong ngành cần tuyên truyền và hướng dẫn nông dân áp dụng tốt các biện pháp 3 giảm, 3 tăng (giảm số lượng giống, giảm lượng đạm, giảm thuốc BVTV; tăng lượng phân hữu cơ, kali để tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm).

+ Sử dụng phân bón: Do đầu vụ mùa thời tiết luôn bất lợi (nắng nóng + mưa nhiều) nên phân bón dễ bị thất thoát nhất là phân đạm. Cho nên, để đảm bảo cho lúa mùa phát triển thuận lợi, phân bón ít bị rửa trôi hay bay hơi nông dân cần sử dụng phân tổng hợp (NPK) để bón lót. Nên lựa chọn các loại phân có hàm lượng đạm và kali cao để lúa mùa có dinh dưỡng, đẻ nhánh tập trung ngay giai đoạn đầu. Ngoài ra, người trồng lúa cũng cần tận dụng nguồn rơm rạ sẵn có trong ruộng cày bừa vùi sâu để cung cấp cho đất trồng nguồn hữu cơ cần có. Cần bón lót sâu cho 100% diện tích lúa mùa và tiến hành bón phân thúc sớm cho lúa đẻ nhánh khi lúa có 2,5 - 3 lá thật.

+ Bảo vệ thực vật: Vụ mùa nóng ấm nên sâu bệnh sẽ phát sinh và gây hại mạnh hơn lúa vụ xuân. Để nông dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật trên cần có sự chỉ đạo, theo dõi sát sao, tuyên truyền và hướng dẫn thường xuyên của các ngành, các cấp có liên quan. Để SX lúa đạt hiệu quả, giảm bớt chi phí cho công tác BVTV, nông dân cần áp dụng phòng trừ sâu bệnh hại theo hướng tổng hợp, ưu tiên các loại thuốc sinh học để đảm bảo sức khỏe, môi trường và sản phẩm.

Cần thăm đồng thường xuyên để phát hiện, nhận biết các loại sâu bệnh hại lúa cũng như cách sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng. Cần theo dõi sát sao các bản thông tin dự báo thời tiết để phòng bệnh cho lúa, nhất là trước mỗi trận mưa giông hoặc bão bằng dung dịch nước vôi trong hoặc một trong các loại thuốc phòng bệnh vi khuẩn nhằm hạn chế tối đa các diện tích lúa bị nhiễm bệnh bạc lá hoặc đốm sọc vi khuẩn hay phát sinh gây hại lúa mùa.

Phát động rộng rãi các mô hình diệt trừ chuột đạt hiệu quả ngay từ đầu đến cuối vụ. Diệt và bắt ốc bươu vàng sớm, không để tình trạng chuột, ốc phá gây mất lúa. Đồng thời sử dụng các loại thuốc trừ cỏ phù hợp với các phương thức gieo cấy nhằm đạt hiệu quả cao vừa sạch cỏ vừa không gây ảnh hưởng cho lúa sau gieo cấy.

Theo NNVN

Các tin khác