Sáng chế bình thụ phấn cho na của 4 thầy giáo làng bất ngờ khiến nông dân xem mê tít

Sáng chế bình thụ phấn cho hoa na của nhóm thầy giáo Trường TH&THCS xã Yên Sơn, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) giúp tăng khả năng đậu quả, giải phóng sức lao động cho nông dân.

Hoa na thuộc loại nhụy chín trước, khi nhụy cần thụ phấn thì bao phấn trên cùng bông hoa chưa chín. Do đó, rất khó để thụ phấn trên cùng một bông hoa. Thêm vào đó, hạt phấn hoa na có kích thước tương đối lớn nên không thể lợi dụng sức gió để thụ phấn mà phải nhờ tới côn trùng mang phấn từ hoa này sang hoa khác.


Nhóm nghiên cứu gồm 4 thầy giáo Trường TH&THCS xã Yên Sơn, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) thử nghiệm bình thụ phấn hoa na.

Những năm gần đây, lượng côn trùng có lợi làm nhiệm vụ thụ phấn cho na không nhiều, tỷ lệ đậu quả tự nhiên chỉ đạt 8 – 10%, quả na thường bé, hình thù méo mó.

Để tăng hiệu quả thụ phấn cho na, người nông dân đã sáng chế ra ống thụ phấn hoa na thủ công. Nông dân phải ngắt hoa na, thu phấn, đổ phấn hoa vào ống rồi cầm ống chấm vào từng bông hoa na.

Công việc này đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, tỷ lệ cây na đậu quả cao nhưng còn có hạn chế là phấn hoa chưa bao đều nhụy nên còn nhiều quả na không tròn đều.

Thầy giáo Hoàng Xuân Hoài, trưởng nhóm nghiên cứu Bình thụ phấn hoa na, Trường TH&THCS xã Yên Sơn, huyện Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn) cho biết: "Chúng tôi dạy học ở vùng bà con trồng na nên thường xuyên được cùng nông dân chăm sóc cây na.

Qua đó, tôi biết việc thụ phấn cho na rất quan trọng vì ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng quả. Chính vì vậy, chúng tôi đã có ý tưởng về một thiết bị giúp nông dân thụ phấn dễ dàng và hiệu quả hơn....".

Bình thụ phấn hoa na áp dụng công nghệ phun áp, đưa hạt phấn hoa na vào đầu phun, nhờ áp lực từ bình phun hạt phấn vào trong bông hoa na.

Sau hơn 1 năm nghiên cứu (từ tháng 5/2019 đến tháng 8/2020), hiệu chỉnh bình thụ phấn hoa na ra đời với 2 bộ phận chính là bình tạo áp suất và đầu phun.

Bình tạo áp suất gồm: vỏ bình, xi lanh, ống dẫn khí, van khí, van điều áp, cần giải phóng áp suất trong bình. Phần đầu phun gồm: cần phun, ống dẫn khí, bình đựng phấn, đầu phun.

Sau khi lựa chọn số lượng hoa sẽ đậu quả, người ta tiến hành ngắt bỏ những bông hoa na thừa. Những bông hoa bị ngắt bỏ được ủ 1 ngày cho phấn chín, nở bung thì tiến hành lấy phấn hoa và cho vào bình đựng phấn.

Dưới áp lực của không khí từ trong bình phấn hoa ở đầu phun sẽ bắn ra ngoài thụ phấn cho hoa na.

Bằng cách làm này, người nông dân chỉ cần đứng dưới gốc cây na phun phấn vào những bông hoa cần thụ phấn.

Với sáng chế này đã hạn chế được việc leo trèo lên cây, vách đá để thụ phấn cho hoa có thể gây tai nạn. Do các vật liệu không có sẵn trên thị trường, thiết bị có những chi tiết nhỏ đòi hỏi độ chính xác cao nên trong quá trình thực hiện ý tưởng, nhóm tự cải tiến, chế tạo và hoàn thiện, hiệu chỉnh nên mất rất nhiều thời gian và công sức.

Thầy Nguyễn Văn Tứ – thành viên nhóm nghiên cứu cho biết: Khi sản phẩm bình thụ phấn cho hoa na hoàn thành và tiến hành thử nghiệm thực tế cho thấy tỷ lệ quả na to, tròn đều, mẫu mã đẹp tăng 36,5% so với thụ phấn bằng ống nhựa thủ công.

Đặc biệt, theo thầy giáo Nguyễn Văn Tứ, sáng chế bình thụ phấn cho hoa na khiến nhân công thụ phấn cho hoa cũng giảm 4 lần.

Với ý nghĩa, tác dụng tích cực mà sáng chế bình thụ phấn hoa na mang lại, sản phẩm đã xuất sắc vượt qua hàng chục ý tưởng giành giải nhất tại cuộc thi khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tỉnh Lạng Sơn năm 2020.

Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, khi sản xuất đại trà để cung cấp ra thị trường sản phẩm bình thụ phấn cho na sẽ có giá chưa đến 500.000 đồng/sản phẩm. Tuy nhiên, để sản xuất đại trà giúp người nông dân giảm sức lao động và tăng năng suất, chất lượng quả na thì cần có sự quan tâm, đầu tư từ các doanh nghiệp cũng như chính quyền địa phương.

Theo HOÀNG VƯƠNG/ BÁO LẠNG SƠN 

Các tin khác