Nghề 'vỗ trâu' ở Ký Phú


“Lão làng” nghề “vỗ trâu” Nguyễn Văn Bảy bên đàn trâu của gia đình. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

“Bảo mẫu” của trâu

Bí thư Đảng ủy xã Ký Phú, huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên), ông Đặng Lê Ninh khoe, trong xã có nhiều người nuôi trâu được xếp vào hàng “cao thủ”, từ cách chọn trâu theo kinh nghiệm dân gian đến nuôi trâu béo khỏe theo kỹ thuật chăn nuôi hiện đại đều không chê vào đâu được. Chính bởi vậy, xã có không ít nông dân là đại gia “ngầm” nhờ nghề chuyên “vỗ trâu”.

“Vỗ trâu” hay “hồ trâu” là cách người dân địa phương gọi những người mua trâu gầy yếu về chăm cho béo tốt rồi đem bán. Có một số nới, trâu gầy ốm dược mua về rồi được ‘phù phép” cho căng tròn để qua mắt người mua. Còn ở xã Ký Phú, nuôi trâu vỗ béo đã trở thành một nghề được khá nhiều hộ dân duy trì.

Xóm Đặn 3 nằm ngay dưới chân núi Tam Đảo là nơi có nhiều nghệ nhân “vỗ trâu” của xã Ký Phú. “Lão làng” trong nghề nuôi trâu ở xóm Đặn 3 là ông Nguyễn Văn Bảy, 65 tuổi.

Ông Bảy cho biết, vào những năm 1970, gia đình ông đã nhận nuôi trâu cày kéo của hợp tác xã. Đến năm 1991, hợp tác xã giải thể, ông nhận mua thanh lý con trâu nái với giá tiền tương đương 2 chỉ vàng. Mỗi năm trâu mẹ đẻ 1 con, ông bán bớt để mua thêm trâu đực về vừa vỗ béo vừa nhân đàn. Từ đó đến nay, ông duy trì đàn khoảng 10 con.

Vừa là "Bảo mẫu”, ông Bảy vừa là bác sỹ của đàn trâu, hàng ngày, khi chăn dắt ông dều để ý theo dõi từng con, nếu nó ăn ít hơn bình thường thì nghi ngờ nhiễm bệnh, cần có chế độ chăm sóc riêng và điều trị bệnh. Hàng năm, ông có gần 100 triệu đồng từ bán trâu nghé. Với số tiền đó, ông lại mua thêm những con trâu gầy yếu do không được chăm sóc tốt của các hộ dân nuôi thả với giá 20 triệu đồng/con. Sau một năm, tiền bán trâu thu về gấp đôi so với tiền vốn ông đã bỏ ra.


Trâu mộng được anh Trần Văn Toán vỗ béo. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

“Hồ trâu”

Ông Ngô Văn Tuấn, 59 tuổi, được coi là “phù thủy” trong nghề “hồ trâu”. Từ năm 2000, ông tìm đến những nhà có đàn trâu chăn thả trong rừng để tìm mua những con trâu gầy yếu. 3 con nhe (cách dân địa phương gọi trâu nghé) đầu tiên ông mua là tại xã Bình Thuận, cũng ở huyện Đại Từ. Những con nhe này không phải gầy yếu vì già hay vì bệnh tật, mà chúng chỉ như những đứa trẻ con nhà nghèo thiếu ăn, không lớn nổi vì suy dinh dưỡng.

Dắt trâu nhe về, ông tẩy giun sán cho chúng rồi ngày nào cũng băm thái cỏ cho ăn thỏa thuê, thỉnh thoảng còn bổ sung vào khẩu phần ăn thêm cám ngô, bã bia... và thả cho đi quanh vườn gặm cỏ. Thông thường, mỗi năm ông nuôi từ 3 - 4 lứa, có lứa chỉ 3 - 4 con, có lứa trên chục con, hàng năm bán trên 30 trâu thịt. Sau khi trừ chi phí, ông bỏ túi cả trăm triệu đồng.

Vợ chồng anh Trần Văn Toán, 46 tuổi, cũng nổi tiếng với nghề “vỗ trâu”. Mỗi đợt, anh chỉ nuôi từ 2 - 3 con nhưng chọn con thật đẹp để nuôi, mỗi năm chỉ hơn 10 con nhưng con nào cũng bán giá cao gấp đôi thị trường chung, có những con bán trên 70 triệu đồng.

Nói về kinh nghiệm nuôi vỗ trâu, anh Toán cho rằng, trâu là loài vật hiền lành, đã quá quen thuộc với người nông dân, quen với điều kiện thời tiết và chịu khổ tốt. Chính vì vậy, trâu rất dễ nuôi, chỉ cần cho ăn no, tắm mát vào mùa hè, chuồng trại ấm vào mùa đông thì lớn nhanh và ít khi mắc bệnh.

Vì đầu tư chăn nuôi trâu cần vốn lớn, mỗi con trâu giống cũng trên 20 triệu đồng nên các hộ dân đều rất cẩn thận trong việc phòng bệnh cho trâu, tiêm đủ các liều vacxin được ngành thú y khuyến cáo và nghiêm túc thực hiện vệ sinh chuồng trại.

Ông Đặng Lê Ninh, Bí thư Đảng ủy xã cho biết thêm, trong chỉ tiêu kinh tế xã hội giai đoạn 2020 - 2025, xã Ký Phú xác định duy trì đàn trâu trên 400 con. Nghề nuôi trâu vỗ béo của các hộ dân trong xã cho thấy hiệu quả kinh tế cao, tận dụng lợi thế của địa phương và sẽ góp phần hoàn thành chỉ tiêu thu nhập bình quân 32 triệu đồng/người/năm vào năm 2025.

Theo ĐỒNG VĂN THƯỞNG/ NNVN 

Các tin khác