Loại rau gia vị được cho là ảnh hưởng đến sức khỏe phái mạnh thực chất cực tốt lại dễ trồng

Công dụng của rau răm

Rau răm là một loại rau thơm ăn kèm và cũng là gia vị chế biến nhiều món ăn ngon của người Việt. Rau răm có tác dụng kháng viêm, hỗ trợ tiêu hóa,... rất tốt.

Rau răm còn được gọi bằng những cái tên khác như cây thủy liễu, có vị hơi cay và nồng, mùi hắc, tính ấm, có tinh dầu.

Theo bác sĩ của Trung tâm Y học cổ truyền Vinmec Sao Phương Đông, các nhà dinh dưỡng cho rằng, sử dụng rau răm hợp lý trong các món ăn còn giúp chúng ta cải thiện trí nhớ, gân cốt chắc khỏe, hỗ trợ tốt cho thị lực cho mắt sáng hơn; lợi tiểu, làm sạch gan khỏi các chất độc hại.

Phân tích của khoa học hiện đại cho thấy, rau răm có chứa flavonoid - một chất chống oxy hóa rất tốt, giúp ngăn chặn tình trạng lão hóa và ngăn tế bào ung thư phát triển. Do đó, nhiều người cũng hái thân và lá dùng làm thuốc với cách sử dụng đơn giản là dùng tươi.

Còn theo y học cổ truyền, rau răm vị cay, tính ấm nên có tác dụng ôn tỳ vị, tiêu thực, cầm tả lỵ, khử hàn, trừ thấp, hoạt huyết, tiêu độc... Do đó, rau răm thường được sử dụng trị bụng đầy chậm tiêu, đầy hơi, tiêu lỏng, bí tiểu, phong thấp nhức mỏi, chàm lở, rắn cắn.

Ngoài sử dụng trong bữa ăn gia đình, rau răm được sử dụng cho các mục đích chữa bệnh như: Dùng chiết xuất từ cây rau răm để trị gàu; rau răm hỗ trợ tốt cho thị lực, cho mắt sáng hơn; nước ép rau răm hỗ trợ điều trị tốt cho các bệnh ngoài da như ghẻ lở, hắc lào,...

Bã rau răm giã nhỏ đắp vào vị trí bị tổn thương hoặc lấy nước ép chấm vào nơi bị đau sẽ giúp trị nước ăn chân hiệu quả; rau răm kết hợp với gừng, giã nhỏ giúp điều trị cảm cúm, hắt hơi, sổ mũi;...

Mặc dù rất lành tính, có nhiều công dụng tốt đối với cuộc sống con người nhưng việc sử dụng thường xuyên với lượng lớn rau răm có thể gây ra những ảnh hưởng xấu. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn nhiều rau răm sẽ gây ảnh hưởng xấu tới tủy và làm giảm tinh khí.

Tuy nhiên, hiện chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh tác động của rau răm làm giảm ham muốn tình dục và làm giảm chất lượng tinh trùng.

Cách trồng rau răm

Rau răm ưa nước, rất thích hợp với đất sình, trũng. Để đảm bảo cây phát triển tốt nhất, bạn có thể mua đất sẵn hoặc tiến hành trộn đất với phân bò hoai mục, phân gà, phân trùn quế, vỏ trấu, xơ dừa, than bùn, mùn hữu cơ… Nên bón lót với vôi rồi phơi ải từ 7 - 10 ngày trước trồng để xử lý các mầm bệnh có trong đất.

Rau răm thường được nhân giống bằng cành. Cây giống bạn nên chọn những cành khỏe, mập mạp, không sâu bệnh.

Khi trồng, nên cắt cây thành từng đoạn dài 12 -15cm, có khoảng 5 - 6 mắt, lấp đất khoảng 2/3 đoạn cành, sau đó dận chặt gốc rồi tưới nước đủ ẩm. Sau khi trồng xong nên tưới nước đẫm, che mát cho cây khoảng 10 ngày.

Sau khi trồng từ 7 - 10 ngày, rau răm sẽ bén rễ, lá xanh ở nách, ngọn bắt đầu nhú ra. Khi đó, ta tiến hành bón lót bằng phân hữu cơ, phân bò, phân dê, phân trùn quế… Sau đó, cứ khoảng 10 - 15 ngày bón 1 lần.

Ngoài bón phân, thường xuyên tưới nước giữ ẩm cho cây. Tiến hành vun xới, nhổ cỏ cho rau răm.

Khi rau răm đã phát triển tốt, đâm nhiều chồi, lá vươn dài kín ruộng, cành nọ gối cành kia là có thể thu hoạch được.

Cắt tỉa các cành dài hoặc cắt luân phiên từng đám. Cây cần được cắt sát gốc, chỉ chừa lại 3 - 5cm. Người trồng nên bón phân, tưới nước để cây phục hồi sinh trưởng.

Theo DÂN VIỆT 

Các tin khác