Một loại lá tưởng chả để làm gì ai ngờ lại là vị thuốc quý, bán ra nước ngoài thu bộn tiền

Xuất khẩu lá tre tăng vọt

Theo bản tin của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu lá tre trong tháng 4/2023 đạt 112.000 USD, tính chung 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu lá tre đạt 457.000 USD, tăng tới 43,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Lá tre vốn được người tiêu dùng Đài Loan, Nhật Bản ưa chuộng vì chúng dùng để gói bánh, gói thực phẩm hay trang trí thức ăn. Lá tre xuất khẩu phải là loại lá to, là giống tre bát độ hoặc bương, chiều ngang khoảng 8,5cm trở lên, chiều dài từ 40cm trở lên và phải có màu xanh tươi, không được rách.

Công dụng của lá tre

Không những có thể xuất khẩu, lá tre từ thời xa xưa đã là một vị thuốc quý. Theo Đông y, lá tre có vị đắng, tính mát, có tác dụng giải nhiệt, hạ sốt, giảm nôn, thanh âm, tiêu đờm, cầm huyết, dùng trong chữa trị cảm sốt, cảm nắng, cảm ho, sốt cao, phiền nhiệt viêm nhiễm đường hô hấp.

Nước tre non có vị đắng, hơi ngọt, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, tiêu khát, trừ đờm. Chữa trị sốt cao phiền nhiệt, kinh phong ứ đờm, trúng phong cấm khẩu. Khi dùng lấy măng vòi tre non hơ qua lửa vắt lấy nước, người lớn 40-50ml pha ít nước gừng uống, trẻ em thì liều dùng 1/2 người lớn.

Còn theo y học hiện đại, chiết xuất flavonoid có trong lá tre có tác dụng chống oxy hóa ngăn chặn các tế bào khỏi bị tổn thương, giảm stress. Những chất chống oxy hóa chiết xuất từ lá tre hứa hẹn sẽ được ứng dụng trong thực tế nhằm phát triển các sản phẩm chức năng chiết xuất từ lá tre.

Từ hoạt chất trong lá tre, dân gian đã có nhiều bài thuốc dùng lá tre. Theo các bác sĩ Đông y, muốn trị cảm sốt, sốt cao, chảy máu chân răng dùng lá tre tươi khoảng 50-100g (khoảng 1 nắm tay) sắc nước uống .

Nấu nồi xông hơi điều trị bệnh cảm hàn: Lá tre, lá sả, lá bưởi, ngải cứu, bạc hà, tía tô, hương nhu mỗi loại một nắm lớn đem rửa sạch rồi cho vào nồi đổ vừa nước sấp mặt lá, lấy lá chuối bịt kín miệng lại và đậy nắp nấu sôi. Người bệnh nên trùm kín chăn ngồi xông trong khoảng từ 15 – 20 phút, lưu ý xông trong phòng kín tránh gió lùa.

Chữa đái buốt, đái dắt: Lá tre phối hợp với rau má mỗi thứ 20g, để tươi, rửa sạch, giã nát với vài hạt muối, thêm nước gạn uống.

Chữa tăng huyết áp: Lá tre 10g, lá diễn 10g, lá dâu 20g, hoa cúc vàng 20g. Tất cả sắc uống trong ngày.

Chữa cảm sốt, miệng khô khát: Lá tre 30g, thạch cao 12g, mạch môn 8g, gạo tẻ 7g, bán hạ 4g, đảng sâm 2g, cam thảo 2g. Tất cả sắc với 400ml nước còn 100ml uống làm 2 lần trong ngày.

Chữa viêm phế quản cấp tính: Lá tre 12g, thạch cao 16g, tang bạch bì 12g, mạch môn 12g, sa sâm 12g, thiên môn 12g, hoài sơn 12g, lá hẹ 8g. Sắc uống trong ngày.

Chữa viêm thanh quản, mất tiếng: Lá tre 12g, trúc như 12g, tang bạch bì 12g, thổ bối mẫu 10g, thanh bì 8g, cát cánh 8g, nam tính chế 6g, gừng 4g. Sắc uống ngày 1 thang.

Theo DÂN VIỆT 

Các tin khác