Giá cà phê ngày 2/6: Phấn chấn bởi một tuần tăng, giá cà phê neo quanh mốc 120.000 đồng/kg

Giá cà phê ngày 2/6/2024: Thị trường cà phê có tuần tăng giá

Theo ghi nhận phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê trên thị trường thế giới biến động giảm.

Cụ thể, giá cà phê trực tuyến Robusta tại London giao tháng 7/2024 được ghi nhận tại mức 4.120 USD/tấn sau khi giảm 3,51%. Các kỳ hạn còn lại đều giảm.

Giá cà phê Arabica giao tháng 7/2024 tại New York ở mức 222,35 UScent/pound sau khi giảm 4,57%.

Giá cà phê tuần qua tăng 4.000 - 4.500 đồng/kg tại các địa phương. Trong đó, mức giao dịch cao nhất được ghi nhận tại Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông là 120.000 đồng/kg, tăng 4.000 - 4.500 đồng/kg tùy khu vực. Sau khi tăng 4.500 đồng/kg, thương lái tại Lâm Đồng đang thu mua cà phê với giá 119.000 đồng/kg.

Tổng kết tuần, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 7 tăng 228 USD. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 7 tăng 4,1 cent. Giá cà phê nội địa thêm trung bình 4.500 đồng/kg.

2 tuần qua giá cà phê tăng mạnh. Những lo ngại về tình trạng khô hạn quá mức ở Brazil và Việt Nam sẽ gây thiệt hại cho cây cà phê và hạn chế sản lượng toàn cầu, vẫn là nguyên nhân chính cho giá tăng.

Tuần này, Cục Hải quan Việt Nam báo cáo xuất khẩu cà phê trong tháng 5 của Việt Nam giảm 36,5% so với cùng kỳ, xuống mức 95.000 tấn và xuất khẩu cà phê từ tháng 1 đến tháng 5 giảm 3,9% so với cùng kỳ ở mức 833.000 tấn.

Trong khi đó, giá cước vận tải biển vẫn căng thẳng do thiếu container rỗng. Chi phí vận tải tăng cấy vào giá cước hàng hoá, đẩy giá tăng thêm.

Theo các chuyên gia, trong niên vụ cà phê 2023-2024 và đặc biệt là năm 2024, giá cà phê đã lên mức cao nhất trong tất cả các năm. Với tình hình giá thị trường như hiện nay, thì kim ngạch xuất khẩu 5 tỷ USD của ngành cà phê trong năm 2024 chắc chắn đạt được. Tuy nhiên, việc quan trọng là phải xây dựng ngành này phát triển một cách bền vững.

Liên minh châu Âu đang tiến gần đến việc thực thi các quy định mới nhằm chống lại việc phá rừng (EUDR). Quy định này yêu cầu các doanh nghiệp phải chứng minh một số loại nông sản, bao gồm cà phê, khi kinh doanh tại thị trường EU không được sản xuất trên đất bị phá rừng. Điều này có thể làm tăng giá cà phê do một số diện tích trồng cà phê trên thế giới liên quan đến việc phá rừng.

Tại Việt Nam, nông dân và các nhà xuất khẩu cà phê của Việt Nam cần tuân thủ các quy tắc nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc hạt cà phê cũng như vị trí địa lý của từng trang trại cà phê để đánh giá nguy cơ phá rừng thông qua các hệ thống giám sát viễn thám (GPS).

Hầu hết cà phê được sản xuất tại Việt Nam, khoảng 90% được canh tác bởi các nông hộ nhỏ, điều này khiến việc theo dõi từng hạt cà phê trở nên khó khăn.

Các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn của Việt Nam đã và đang phối hợp với các cơ quan độc lập trong ngành cà phê quốc tế để quảng bá và đạt được các chứng chỉ về sản xuất bền vững.

Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá của Quy định chống phá rừng châu Âu khắt khe hơn và đòi hỏi nhiều chi tiết hơn so với các chứng chỉ bền vững, tiêu chuẩn sản xuất cà phê bền vững hiện hành.

Ngành cà phê Việt Nam cần cập nhật diện tích canh tác và cải thiện chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn châu Âu. Đồng thời, cơ quan chức năng Việt Nam cần đàm phán với EU để được công nhận là khu vực có rủi ro thấp về EUDR, và cần có hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp tuân thủ EUDR.

Cuối cùng, cần có sự rà soát kỹ lưỡng về diện tích cà phê thực tế để doanh nghiệp có thể lập kế hoạch thu mua và sản xuất một cách chính xác hơn.

Theo NGUYỄN PHƯƠNG/ DÂN VIỆT 

Các tin khác