Tuyệt kỹ chăm sóc 'cây bạc tỷ'

Tại huyện Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên), cây na được ví là 'cây bạc tỷ' do mang lại thu nhập lớn cho người dân. Ảnh: Phạm Hiếu.
Tại huyện Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên), cây na được ví là “cây bạc tỷ” do mang lại thu nhập lớn cho người dân. Ảnh: Phạm Hiếu.

Tăng năng suất 30 - 40% nhờ thụ phấn bổ sung

Những ngày tháng 5, cái nắng đầu hè vàng như nghệ rót xuống từng tán lá, cành cây nơi núi rừng Việt Bắc. Nếu có dịp lên huyện miền núi Võ Nhai của tỉnh Thái Nguyên vào thời gian này, sẽ không khó để bắt gặp cảnh bà con nông dân tất bật vào vụ thụ phấn bổ sung cho cây na.

Tại những vùng trồng na của huyện Võ Nhai như các xã La Hiên, Lâu Thượng, Phú Thượng, Dân Tiến..., cây na được ví von là “cây bạc tỷ” do mang lại thu nhập lớn cho người dân. Chính vì thế, việc thụ phấn bổ sung cho cây na được bà con đặc biệt chú trọng do đây là một trong những kỹ thuật quan trọng bậc nhất quyết định tới năng suất và chất lượng của quả na thương phẩm.

Sáng sớm tinh mơ, ngay khi những tia nắng đầu tiên le lói xuất hiện, các thành viên trong gia đình ông Kiều Thượng Chất (xóm Phượng Hoàng, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai) đã tất bật chuẩn bị cho một ngày thụ phấn bổ sung cho cây na. Với gần 1ha đất đồi, gia đình ông đang sở hữu gần 400 cây na đang độ sinh trưởng tốt, cho thu hoạch khoảng 6 tấn quả mỗi năm.

Theo kinh nghiệm của ông Chất, hoa na dùng để lấy phấn sẽ được thu hái từ hôm trước, để qua đêm cho nở và phấn chín hoàn toàn rồi mới rũ lấy phấn. Việc thụ phấn bổ sung cho na tưởng chừng như đơn giản nhưng lại khá vất vả, tỉ mỉ, mất nhiều thời gian để tìm từng chùm hoa nở đúng độ để thụ phấn cho đều.

Những bông hoa được chọn để thụ phấn là hoa vừa nở, cánh đã tách đều và chỉ cần dùng dụng cụ tích hạt phấn rồi đẩy cho phấn dính vào nhụy hoa được chọn. Hoa đã thụ phấn sẽ được đánh dấu bằng một vết bấm nơi đầu cánh.

“Hoa được thụ phấn khoảng một tuần sau sẽ hình thành quả non. Do được thụ phấn tập trung nên quả na sẽ có hình thức đẹp, tròn, to, cân đối, không méo vẹo và rất thuận lợi cho việc chăm sóc. Áp dụng phương pháp thụ phấn bổ sung này, vườn na của gia đình tôi có thể cho năng suất cao hơn từ 30 - 40% so với để tự nhiên”, ông Kiều Thượng Chất chia sẻ.

Ông Kiều Thượng Chất (xóm Phượng Hoàng, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai) là người có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc na. Ảnh: Phạm Hiếu.
Ông Kiều Thượng Chất (xóm Phượng Hoàng, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai) là người có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc na. Ảnh: Phạm Hiếu.

Tại xã La Hiên - vùng trồng na lớn nhất của huyện Võ Nhai với tổng diện tích khoảng 350ha, từ năm 2009, bà con nông dân đã áp dụng phương pháp thụ phấn bổ sung cho cây na. Là một trong những người đầu tiên triển khai kỹ thuật này, ngay trong vụ đầu tiên, toàn bộ diện tích na được thụ phấn bổ sung của bà Chu Thị Quy (xóm Hiên Minh, xã La Hiên) đã cho năng suất 5,5 tạ quả/sào (360m2), cao hơn từ 30 - 35% so với để tự nhiên.

“Hoa na thụ phấn tự nhiên thường có tỷ lệ đậu quả thấp, phát triển không đều, dễ bị dị dạng. Với quy trình kỹ thuật này, cây na không chỉ có tỷ lệ đậu quả cao hơn mà còn cho quả mẫu mã đẹp, vị ngọt sắc, bán được giá hơn”, bà Quy cho hay.

Theo đó, kỹ thuật thụ phấn bổ sung cho cây na đã nhanh chóng được bà Quy và những nông dân thử nghiệm thành công truyền đạt lại cho đông đảo bà con trong vùng cùng áp dụng. Từ chỗ giúp gia tăng thu nhập, cây na đã trở thành cây trồng chủ lực của nhiều hộ dân trên địa bàn xã La Hiên nói riêng và huyện Võ Nhai nói chung.

Theo ông Nông Minh Tuấn, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Võ Nhai, những năm gần đây, cùng với kỹ thuật phụ phấn bổ sung, người trồng na trong huyện cũng tích cực áp dụng kỹ thuật mới vào thâm canh, chăm sóc như: Tuyển lựa giống từ cây mẹ năng suất cao; trồng giãn cách phù hợp; đốn tỉa tạo tán theo kỹ thuật; sử dụng phân bón hợp lý, khoa học; phòng trừ sâu bệnh bằng thuốc BVTV sinh học… Qua đó, chất lượng, giá trị na thương phẩm ngày càng được nâng lên, thị trường tiêu thụ được mở rộng.

Chăm sóc cây na sau thời gian "ngủ đông"

Chia sẻ thêm về những kinh nghiệm quý giá trong việc chăm sóc cây na, bà Chu Thị Quy cho biết, cùng với phương pháp thụ phấn bổ sung, kỹ thuật tỉa cành cũng được bà con trồng na nơi đây quan tâm áp dụng.

Hàng năm, bà Quy và các hộ trồng na khác trong xóm Hiên Minh đều tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật để có thêm kiến thức sản xuất, đặc biệt là khâu chăm sóc sau khoảng thời gian cây na “nghỉ đông”. Theo đó, ngay sau Tết Nguyên đán, người dân nơi đây sẽ tiến hành cắt tỉa những cành na già cỗi để tạo tán mới, qua đó giúp cây phát triển tốt và khỏe mạnh hơn.

“Bà con trồng na sẽ tiến hành tỉa cành vào khoảng tháng 2, tháng 3 hàng năm. Tuy nhiên, để có thể xác định được thời điểm tỉa cành tốt nhất vẫn phải dựa vào kinh nghiệm của người chăm sóc, điều kiện khí hậu của địa phương cũng như tình hình phát triển của cây na”, bà Chu Thị Quy chia sẻ kinh nghiệm.

Việc áp dụng những kỹ thuật mới đã giúp cây na sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, đặc biệt quả na có mẫu mã đẹp, thơm ngon hơn. Ảnh: Phạm Hiếu.
Việc áp dụng những kỹ thuật mới đã giúp cây na sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, đặc biệt quả na có mẫu mã đẹp, thơm ngon hơn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Võ Nhai, việc cắt tỉa cành cho cây na là việc làm bắt buộc, cần được áp dụng phù hợp với tuổi của cây và phải sử dụng những dụng cụ cắt chuyên dụng nhằm tránh gây tổn thương cho cây.

Đối với những cây yếu, già cỗi, người dân cần thực hiện cắt tỉa cành ở vị trí cách gốc từ 80 đến 100cm. Đối với cây đang trong thời kỳ phát triển mạnh, cần tỉa hết các cành nhỏ, chỉ để lại các cành to cỡ ngón tay trở lên.

Sau khi cắt tỉa cành, bà con cần tiến hành bón phân, chủ yếu là phân hữu cơ và phân chuồng ủ hoai mục để bổ sung dinh dưỡng cho cây. Ngoài ra, cuối tháng 2, đầu tháng 3 hàng năm cũng là thời điểm bật lộc của cây na. Lúc này, các loài sâu bệnh như rầy, rệp, nhện đỏ… xuất hiện nhiều nên bà con cần phun phòng trừ bằng thuốc sinh học.

“Sau thời kỳ ra quả, cây na thường bị suy yếu nên cần được chăm sóc đúng cách để mau hồi phục, chuẩn bị cho vụ tiếp theo. Việc cắt tỉa nhằm loại bỏ những cành đã già cỗi, những cành thừa, giúp tập trung dinh dưỡng nuôi cây. Đây cũng là thời điểm quan trọng nhất trong chu trình chăm sóc cây na sau thời gian thu hoạch nhằm phục hồi, nâng cao tỷ lệ ra hoa, đậu quả”, bà Trần Thị Hà, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Võ Nhai khuyến nghị.

Cây na đã trở thành cây trồng chủ lực của huyện Võ Nhai. Ảnh: Phạm Hiếu.
Cây na đã trở thành cây trồng chủ lực của huyện Võ Nhai. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông Nông Minh Tuấn, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Võ Nhai cho biết thêm, thông thường, việc cắt tỉa cành cho cây na chỉ kèo dài trong khoảng 10 - 15 ngày. Sau đó, thời tiết sẽ ấm dần lên, tạo điều kiện cho cây sinh trưởng và phát triển tốt hơn.

“Nhằm giúp bà con nâng cao kiến thức chăm sóc cây na, Phòng NN-PTNT huyện Võ Nhai đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn chuẩn bị tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kiến thức mới cho người dân trong việc trồng và chăm sóc na, đặc biệt là quá trình chăm cây sau thu hoạch”, ông Tuấn thông tin.

Na ‘leo' núi đá

Từ hàng chục năm nay, cây na đã bén rễ trên vùng đất Võ Nhai, trở thành cây trồng đặc trưng, mở hướng phát triển kinh tế chủ lực của địa phương. Ở nhiều xã có vùng trồng tập trung, cây na đã “leo” lên tận đỉnh núi đá, giúp người dân nâng cao thu nhập, tạo ra giá trị bền vững trong phát triển kinh tế.

Hiện nay, toàn huyện Võ Nhai có gần 700ha trồng na, trong đó có gần 200ha đã được cấp chứng nhận VietGAP. Sản lượng quả na mỗi năm đạt khoảng 6.000 tấn, doanh thu ước đạt 70 - 80 tỷ đồng. Đặc biệt, sản phẩm na của xã La Hiên đã được chứng nhận OCOP 3 sao.

Xã La Hiên được coi là "thủ phủ” của cây na. Tính đến hết năm 2023, toàn xã có 350ha trồng na (trong đó có 105ha đã được cấp chứng nhận VietGAP), sản lượng đạt trên 3.000 tấn quả/năm. Nếu chăm sóc hiệu quả, bình quân mỗi ha trồng na có thể cho khoảng 15 tấn quả, lợi nhuận lên đến 400 triệu đồng/năm.

Theo PHJAM HIẾU/ NNVN 

Các tin khác