Ở Vĩnh Phúc dân đang trồng vô số cây dược liệu, có một loài cây thuốc bổ thận tráng dương, cho thu 1 tỷ/năm

Phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, những năm qua, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã hình thành nhiều mô hình trồng cây dược liệu, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình trồng cây dược liệu góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở nhiều địa phương. Đặc biệt, các cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh Vĩnh Phúc đang tạo điều kiện quan trọng thúc đẩy sản xuất dược liệu theo hướng hàng hóa, có liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.

Tận dụng lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, anh Trương Hữu Tài, xã Hồ Sơn (Tam Đảo) đã phát huy để nhân giống, mở rộng diện tích trồng một số cây dược liệu, góp phần bảo tồn, phát triển các loại cây dược liệu quý. Ảnh: Nguyễn Lượng

Với sự năng động nhạy bén trong sản xuất nông nông nghiệp, từ nhiều năm trước, ông Nguyễn Văn Hùng, xã Hồng Châu (huyện Yên Lạc) đã thuê đất, chuyển từ trồng ngô sang trồng một số cây dược liệu như cây húng quế, cây bạc hà.

Sau vài năm thử sức với giống cây mới, ông Hùng tự tin khẳng định: “Hiệu quả kinh tế từ cây dược liệu cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, trồng ngô truyền thống”. Không còn thu nhập thấp như trước, hiện nay, mỗi sào cây dược liệu ông Hùng thu lãi nhiều triệu đồng/vụ.

Đặc biệt, từ năm 2022, với việc ký hợp đồng với Công ty cổ phần Cây thuốc Việt Nam, gia đình ông Hùng cùng một số hộ tham gia vào liên kết đã được công ty hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật trong trồng và chăm sóc cây ích mẫu, cây diệp hạ châu và cây húng quế theo tiêu chuẩn GACP-WHO.

Trồng các loại cây dược liệu, gia đình ông Hùng được bao tiêu sản phẩm với giá cả ổn định, cao hơn giá thị trường.

Nhờ đầu ra ổn định, 1 năm sau triển khai mô hình liên kết, năm 2023, ông Hùng thuê thêm đất sản xuất, mở rộng diện tích trồng cây dược liệu của gia đình từ 1 ha lên 3 ha, thu về khoản lợi nhuận 200 triệu đồng năm 2023.

Ông Hùng cho hay: “Mặc dù đầu ra cho cây dược liệu những năm gần đây tương đối thuận lợi, tuy nhiên, giá cả ngoài thị trường thường lên xuống thất thường. Do đó, việc được tham gia vào mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ cây dược liệu giúp bà con chúng có thể yên tâm sản xuất, không phải lo lắng bị thương lái ép giá như trước”.

Ở Vĩnh Phúc dân trồng thành công cây ba kích tốt um, củ là thuốc bổ thận tráng dương, thu 1 tỷ/năm- Ảnh 2.
Mô hình trồng cây ba kích tím của gia đình bà Nguyễn Thị Hà, xã Bắc Bình, Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc) cho thu nhập 1 tỷ đồng/năm và đang giải quyết việc làm cho 6 lao động thường xuyên. Cây ba kích là cây dược liệu cho củ, củ ba kích được bào chế thành các loại thuốc có công dụng bổ thận tráng dương. Ảnh: Nguyễn Lượng.

Cũng là một trong những hộ thành công với mô hình cây dược liệu, gia đình và Nguyễn Thị Hà, xã Bắc Bình (huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) hiện đang sở hữu vườn ba kích tím với diện tích 2 ha.

Khác với ích mẫu, húng quế, cây ba kích có chu kỳ sản xuất từ 3 - 4 năm, do đó, để đảm bảo có sản phẩm xuất bán hằng năm, gia đình bà Hà đã chia diện tích trồng ba kích thành nhiều lô, mỗi lô một độ tuổi khác nhau.

Với việc trồng ba kích theo tiêu chuẩn GACP-WHO, từ nhiều năm nay gia đình bà đã được Công ty cổ phần Dược liệu Việt Nam ký hợp đồng bao tiêu đầu ra sản phẩm. Hiện, mô hình trồng cây ba kích của gia đình bà Hà đang cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng mỗi năm.

Sự ra đời của các mô hình sản xuất dược liệu có hiệu quả kinh tế cao, cho thấy Vĩnh Phúc là một tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất dược liệu.

Đặc biệt, những năm gần đây, nhu cầu về sử dụng các loại dược liệu, thực phẩm sức khỏe ngày càng tăng. Do đó mà dư địa phát triển các mô hình sản xuất cây dược liệu theo hướng hàng hóa, có liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ là rất lớn.

Tại quyết định số 2075 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc ra ngày 10/9/2018 về phê duyệt danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, dược liệu (ba kích, trà hoa vàng) đã được UBND tỉnh đã xác định) là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.

Trên cơ sở đó, nhiều chính sách hỗ trợ phát triển các cây trồng chủ lực nói chung và cây dược liệu nói riêng đã được ra đời và đưa vào triển khai.

Cụ thể, thực hiện Nghị quyết số 86/2019 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc về Quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, từ năm 2021 đến nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đã nghiệm thu và hỗ trợ kinh phí cho 11 kế hoạch liên kết trong đó có 1 kế hoạch liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trà hoa vàng.

Thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023 -2025, định hướng đến năm 2030, năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với các địa phương lựa chọn để triển khai thực hiện 4 mô hình sản xuất cây dược liệu hữu cơ, quy mô 1 ha/mô hình, gồm 2 mô hình trồng cây trà hoa vàng hữu cơ tại xã Tam Quan (huyện Tam Đảo); 2 mô hình trồng cây ba kích hữu cơ tại xã Thái Hòa và xã Bắc Bình (huyện Lập Thạch).

Đồng thời, tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ sản lượng hữu cơ trên tổng sản lượng đối với sản phẩm dược liệu từ tự nhiên đạt 95% và đối với hình thức thâm canh (sử dụng môi trường rừng để sản xuất) đạt 80%.

Qua đó nhằm tạo ra những vùng nguyên liệu an toàn, đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt của các vùng nguyên liệu phục vụ chế biến dược phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển ngành chế biến dược phẩm và các sản phẩm bảo vệ sức khỏe của tỉnh.

Có thể nói, cùng với sự năng động của các hộ dân, những cơ chế chính sách của tỉnh đang là động lực quan trọng giúp hình thành các vùng sản xuất dược liệu tập trung theo hướng hữu cơ, có liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ, góp phần giải quyết việc làm thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp cho nhiều địa phương.

Theo NGUYỄN HƯỜNG/ BÁO VĨNH PHÚC 

Các tin khác