Trồng loài cây dược liệu có tác dụng với bệnh sỏi thận, nông dân một xã của tỉnh Hải Dương thu trăm triệu/ha

Lợi nhuận cao nhờ trồng cây kim tiền thảo

Gia đình anh Vũ Đình Cường ở thôn Đoàn Xá, xã Tân Quang trồng cây kim tiền thảo đã 2 năm nay. Anh Cường cho biết, năm trước anh đã thử nghiệm trồng cây này và thấy dễ trồng, lại mang hiệu quả kinh tế cao nên năm nay mở rộng diện tích lên 1 ha. Cây kim tiền thảo trồng vào tháng 1 hoặc tháng 2 và đến tháng 6 sẽ cho thu hoạch.

Thời gian thu hoạch kéo dài đến tận tháng 10 với 3 lần thu, mỗi lần cách nhau khoảng 2 tháng. Việc thu hoạch kim tiền thảo cũng đơn giản, chỉ cần cắt mang về, sơ chế qua, phơi sấy khô, đóng gói và bán cho đơn vị thu mua.

“Mỗi năm tôi thu hoạch 3 lứa, lứa đầu năng suất khoảng 80 kg/sào, lứa thứ 2 từ 1-1,2 tạ/sào và lứa thứ 3 từ 1,3-1,4 tạ/sào. Sau khi trừ chi phí có thể lãi khoảng 10 triệu đồng/sào/năm”, anh Cường chia sẻ.

Thấy hiệu quả của mô hình trồng cây dược liệu của gia đình anh Cường, năm nay, gia đình chị Lê Thị Vân cũng trồng kim tiền thảo. Tuy mới được thu hoạch 1 lứa nhưng chị đã thấy được hiệu quả của cây trồng này mang lại.

“Mỗi năm 3 lần thu hoạch, lần thu thứ nhất coi như bù vào công chăm bón, làm đất, mua vật tư phân bón các loại. Lần thu thứ 2 và 3 là tiền lãi có được. Tôi thấy trồng cây kim tiền thảo không vất vả, lợi nhuận cao gấp 2-3 lần trồng lúa và một số hoa màu tại địa phương”, chị Vân nói.

Tiếp tục nhân rộng mô hình

Năm 2023, sau khi khảo sát tại một số địa phương, Công ty CP Dược vật tư y tế Hải Dương quyết định chọn xã Tân Quang để thực hiện đề tài “Xây dựng mô hình trồng một số cây dược liệu theo hướng GACP - WHO phục vụ sản xuất thuốc chữa bệnh với quy mô công nghiệp dược trên địa bàn tỉnh Hải Dương”.

Theo Công ty CP Dược vật tư y tế Hải Dương, hàm lượng kim loại nặng trong đất ở đây thấp, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật gần như không có, vi sinh vật gây bệnh trong mẫu nước tưới cũng không có hoặc thấp nên thuận lợi cho cây kim tiền thảo sinh trưởng và phát triển, chất lượng dược liệu cao. Trong thời gian thực hiện đề tài, đơn vị đã hỗ trợ 50% giống, phân bón, vật tư và chuyển giao kỹ thuật, thu mua toàn bộ sản phẩm nên người dân yên tâm sản xuất.

Ngay khi công ty về địa phương đặt vấn đề, UBND xã Tân Quang giao Hội Nông dân xã tuyên truyền, vận động nông dân tham gia thực hiện đề tài.

Anh Vũ Đình Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Quang cho biết năm đầu tiên có 1 hộ tham gia nhưng năm thứ 2 có 3 hộ. Diện tích cũng mở rộng từ gần 11.000m2 lên trên 18.000m2. Thực tế cho thấy, cây này dễ trồng, phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương nên thời gian tới, hội sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân mở rộng diện tích trồng cây này. Có thể đưa vào là một trong những cây trồng chính của địa phương.

Với những lợi ích cây kim tiền thảo mang lại, hiện nay một số người dân ở xã Tân Quang và một số xã lân cận cũng có ý định trồng cây này. Ông Lê Đình Lới ở thôn Xuân Trì (Tân Quang) cho biết: “Qua tìm hiểu tôi thấy cây dễ trồng, thu hoạch đơn giản, hiệu quả kinh tế cao nên cũng có ý định học hỏi kinh nghiệm để trồng”.

Với những lợi ích cây kim tiền thảo mang lại cũng như sự phù hợp, chắc chắn thời gian tới sẽ phát triển mạnh mẽ ở xã Tân Quang cũng như một số xã lân cận.

Cây kim tiền thảo có nhiều tác dụng giúp lợi tiểu hay còn được hiểu là tăng thể tích nước tiểu, đồng thời làm chậm quá trình to lên của viên sỏi và có thể bào mòn sỏi. Vị thuốc có ít tác dụng phụ nên có thể sử dụng điều trị trong thời gian dài.

Theo những tài liệu Y học cổ truyền, kim tiền thảo còn có công dụng thanh nhiệt, giải độc và lợi niệu. Vị thuốc này thường được sử dụng trong điều trị các chứng bệnh liên quan đến đường tiết niệu như trừ sỏi, các chứng tiểu buốt, tiểu rắt, nước tiểu vàng sẫm...

Theo THANH HÀ/ BÁO HẢI DƯƠNG 

Các tin khác