Nuôi vịt xiêm bằng thức ăn tự nhiên, chi phí thấp, hiệu quả cao

Anh Giao nuôi vịt xiêm từ cây, rau ngoài vườn, mô hình này chủ yếu lấy công làm lời. Ảnh: Trọng Linh.
Anh Giao nuôi vịt xiêm từ cây, rau ngoài vườn, mô hình này chủ yếu lấy công làm lời. Ảnh: Trọng Linh.

Mô hình nuôi vịt xiêm sạch ít sử dụng thức ăn công nghiệp, tăng trọng nhanh của nông dân ở Cà Mau đã và đang mang lại hiệu quả cho người nuôi.

Anh Trần Hoàng Giao (40 tuổi, ngụ ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau) được biết đến là người tiên phong, đi ngược lại với xu hướng của xã hội hiện đại khi áp dụng mô hình nuôi vịt xiêm không sử dụng thức ăn công nghiệp. Đây là mô hình nuôi vịt xiêm sạch, bước đầu đem lại lợi nhuận ổn định cho người nuôi.

“Cách nuôi của tôi theo kiểu truyền thống, tôi hạn chế dụng thức ăn công nghiệp giúp cho vật nuôi tăng trọng nhanh. Dù biết sử dụng thức ăn công nghiệp sẽ giúp vật nuôi lớn nhanh, rút ngắn thời gian chăm sóc và mau xuất bán nhưng tôi không làm vậy bởi muốn tìm lối đi riêng.

Anh Giao lý giải, việc sử dụng thức ăn công nghiệp giúp đàn vịt mau lớn, nhưng khá tốn chi phí. Để đảm bảo sức khoẻ người tiêu dùng nên tôi chọn phương án nuôi vịt xiêm bằng thức ăn tự nhiên, anh Giao nói.

Chuối được trồng sau vườn, sau đó băm nhuyễn và cám gạo trộn lẫn với nhau là thức ăn chính của vịt xiêm. Ảnh: Trọng Linh.
Chuối được trồng sau vườn, sau đó băm nhuyễn và cám gạo trộn lẫn với nhau là thức ăn chính của vịt xiêm. Ảnh: Trọng Linh.

Anh Giao chia sẻ, hiện nhiều người sử dụng thức ăn công nghiệp trong chăn nuôi để giúp cho vật nuôi lớn nhanh hơn, thời gian xuất bán ngắn hơn so với cách nuôi truyền thống.

Tuy nhiên, giá thức ăn công nghiệp hiện được bán trên thị trường khá đắt, khoảng 550.000 đồng/bao 50kg và nếu người chăn nuôi nhỏ lẻ sử dụng thức ăn công nghiệp lợi nhuận sẽ không còn là bao.

“Từ khi thực hiện mô hình nuôi này, tôi đã thống nhất quan điểm là hạn chế sử dụng thức ăn công nghiệp. Tôi nuôi vịt xiêm cho ăn bằng thức ăn hoàn toàn tự nhiên.

Tuy vật nuôi chậm lớn nhưng chất lượng thịt săn chắc, dai ngon nên được khách hàng ưa chuộng. Vịt tôi nuôi chưa đến lúc xuất bán ra đã có người đặt hàng trước”, anh Giao thông tin.

Theo anh Giao, vịt xiêm có thể trạng khoẻ mạnh, ít bệnh nên rất dễ chăm sóc, người nuôi chỉ cần bố trí chuồng trại có không gian thoáng mát và trông đèn giữ ấm cho vật nuôi là được.

“Vịt xiêm rất dễ nuôi nên ít tốn công chăm sóc. Tôi sử dụng cây chuối băm trộn với cám gạo làm thức ăn cho vịt. Việc dùng thức ăn này tiết kiệm được nhiều chi phí trong quá trình nuôi, chủ yếu bỏ công sức ra để mang về lợi nhuận.

Nếu sử dụng thức ăn bằng cây chuối và cám gạo, trung bình mỗi vụ nuôi kéo dài khoảng 4 tháng, người nuôi sẽ tiết kiệm được chi phí mua thức ăn từ 5 - 7 triệu đồng (tuỳ thuộc vào số lượng vật nuôi nhiều hay ít), đó là lợi nhuận của người nuôi”, anh Giao cho biết thêm.

Vịt xiêm của anh Giao có thể trạng khoẻ mạnh, ít bệnh nên rất dễ chăm sóc. Ảnh: Trọng Linh.
Vịt xiêm của anh Giao có thể trạng khoẻ mạnh, ít bệnh nên rất dễ chăm sóc. Ảnh: Trọng Linh.

Ngoài nuôi vịt xiêm thương phẩm, anh Giao còn bán vịt xiêm giống. Đàn vịt xiêm của anh Giao hiện có khoảng 15 con sinh sản, khoảng 100 con vịt thương phẩm. Hằng năm anh bán ra thị trường khoảng 1.000 con vịt xiêm giống, khoảng 500 con vịt thịt.

Với giá bán hiện nay khoảng từ 25.000 - 30.000/con vịt giống và từ 80.000 - 95.000/kg vịt thương phẩm (tuỳ vào thời điểm).

“Vịt xiêm giống sau khi nở khoảng 7 ngày tuổi là có thể bán. Nhiều lúc còn không đủ bán nên khách hàng phải đặt trước.

Vịt của tôi là loại siêu trọng nên được khách hàng ưa chuộng, trọng lượng trung bình khoảng 4,5kg đối với vịt trống và từ 2,8 - 3kg đối với vịt mái. Hướng tới tôi sẽ mở rộng diện tích chuồng trại để tăng đàn vật nuôi”, anh Giao cho biết thêm.

Tận dụng lượng phân thải của vịt xiêm, anh Giao đã thu gom, đem phơi khô dùng làm phân bón cho cây trồng rất hiệu quả.

Anh Giao chia sẻ thêm: “Tôi dùng phân để bón cho cây trồng, dưới ao tôi nuôi cá. Tận dụng đầy đủ không gian để phát triển mô hình nông hộ. Những mặt hàng tôi bán ra thị trường đều là thực phẩm sạch, an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng. Nói chung, gia đình mình ăn như thế nào bán như thế ấy, yếu tố an toàn sức khoẻ được tôi ưu tiên hàng đầu. Đó là niềm vui đối với tôi”.

Anh Giao kiểm tra việc ấp trứng định kỳ. Ảnh: Trọng Linh.
Anh Giao kiểm tra việc ấp trứng định kỳ. Ảnh: Trọng Linh.

Một cán bộ Hội Nông dân tại địa phương cho biết, mô hình nuôi vịt xiêm của anh Giao là mô hình hiệu quả, chủ yếu lấy công làm lời nên không cần bỏ ra nhiều vốn đầu tư.

“Thực tế việc nuôi vịt xiêm từ lâu đã rất phổ biến ở vùng nông thôn và gần như nhà nào cũng có nuôi loài vịt này. Đa phần, bà con nuôi để cho ăn những thức ăn thừa, chủ yếu làm thức ăn trong gia đình, nhiều thì đem bán chứ không phát triển rộng rãi.

Còn nếu nuôi kinh doanh, bà con thường sử dụng thức ăn công nghiệp kích thích cho vịt lớn nhanh, sớm xuất bán nên thường lợi nhuận không cao.

Mô hình nuôi của anh Giao không mới, nhưng cách thực hiện thì lại mới. Với việc cho ăn chuối băm nhuyễn thì chi phí bỏ ra trong vụ nuôi rất thấp và lợi nhuận mang lại từ hơn 60%/vụ nuôi, như vậy là rất hiệu quả.

Đây là mô hình rất cần được nhân rộng để góp phần giảm nghèo cho người dân vùng nông thôn”, vị cán bộ nông dân đánh giá.

Theo TRỌNG LINH/ NNVN 

Các tin khác