Giàu nhờ 'chim trời'
Bỏ nghề chọn nghiệp Đó là anh Nguyễn Văn Mân (sinh năm 1982) ở khu phố Cửu Lợi Bắc, phường Tam Quan Nam (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định). Năm 2007, anh Mân tốt nghiệp Đại học Xây dựng TP Hồ Chí Minh. Vừa ra trường, Mân được một tập đoàn nhận vào làm việc với chuyên môn thiết kế xây dựng. Sau đó, Mân được cơ quan điều về Bình Định lắp đặt thiết bị cho những nhà yến ở các huyện ven biển phía Bắc tỉnh. Những nhà dẫn dụ yến Mân xây dựng đưa vào sử dụng đã thu hút lượng lớn chim yến ngoài thiên nhiên kéo về làm tổ, sinh sản. “Lúc đầu, tôi không mấy quan tâm nghề này, nhưng sau 2 năm gắn bó, lòng tôi đã mê mẩn loài chim trời quý hiếm này. Sau thời gian cân nhắc, bàn bạc kỹ với người thân, cuối năm 2009, tôi quyết định nghỉ việc và bắt đầu khởi nghiệp nuôi chim yến”, Mân cho hay. Với chuyên môn sẵn có, cộng với kiến thức tích tụ trong thời gian gặp gỡ những người thâm niên trong nghề nuôi yến, Mân thấu đáo tập quán của loài chim yến. Khi về quê, Mân tự tin đầu tư gần 1 tỷ đồng để xây dựng 1 nhà nuôi yến ở khu phố Cửu Lợi Nam, đây là cơ sở nuôi yến đầu tiên ở phường Tam Quan Nam với đầy đủ trang thiết bị dẫn dụ yến, bảo vệ yến trong mọi điều kiện khí hậu, thời tiết. “Nhờ lợi thế của vùng đất ven biển là nơi thu hút nhiều chim yến, nên chỉ sau 1 năm nuôi, nhà yến của tôi thu hút gần 1.000 cặp yến về làm tổ và cho tôi khai thác vụ đầu tay gần 10kg yến thô”, anh Nguyễn Văn Mân chia sẻ.
Giàu lên từ chim yến Thành công đầu tiên kích thích Mân tiếp tục đầu tư xây thêm nhà yến mới với quy mô 4 tầng nuôi tại khu phố Cửu Lợi Bắc vào năm 2014. Hiện nhà yến thứ 2 của Mân đã có trên 1.000 cặp chim yến làm tổ. Trung bình mỗi năm 2 cơ sở nuôi yến của Mân cho khai thác từ 50- 60kg yến thô. Năm 2016, Mân thành lập Công ty TNHH Yến sào Yến Mân chuyên sơ chế, cung cấp các loại tổ yến và sản phẩm từ yến. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, ngoài liên kết thu mua của các hộ nuôi yến trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn, Mân tiếp tục đầu tư xây dựng 6 nhà nuôi yến ở Gia Lai để đảm bảo nguồn nguyên liệu chế biến cung ứng ổn định cho thị trường. Thời điểm này, mỗi tháng Công ty TNHH Yến sào Yến Mân xuất bán ra thị trường từ 20-25kg yến thành phẩm với nhiều mức giá khác nhau, ước tính mỗi năm cho thu nhập trên 1,5 tỷ đồng. “Sản phẩm yến sào tinh chế, yến rút lông của Công ty đạt Thương hiệu Vàng Nông nghiệp Việt Nam năm 2023, được Công ty Cổ phần Chứng nhận GLOBALCERT cấp giấy chứng nhận đạt chất lượng TCVN ISO 22.000:201. Ngoài ra, 5 sản phẩm tinh chế yến của Công ty được Hội đồng thẩm định thị xã Hoài Nhơn công nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao”, anh Nguyễn Văn Mân cho hay. Ông Nguyễn Thanh Hải, Chủ tịch UBND phường Tam Quan Nam, nhận xét: “Công ty TNHH Yến sào Yến Mân luôn ủng hộ tích cực các hoạt động an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, khuyến học khuyến tài. Đặc biệt, công ty còn tạo ra nhiều sản phẩm OCOP tiêu biểu, chất lượng cho địa phương”. “Bình Định đã đưa vào quy cũ nghề nuôi yến trên địa bàn, nhà yến không gây ảnh hưởng đến đời sống cư dân tại khu vực nuôi, trường hợp sai phạm sẽ được chính quyền địa phương xử lý rốt ráo”, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định. Theo VŨ ĐÌNH THUNG/ NNVN |
- Lohmann Sandy, giống gà trứng hồng có tỷ lệ đẻ đỉnh lên tới 97%
- Mô hình nuôi vịt siêu trứng của nông dân 8x tại An Giang
- Đây là con vật "sống chậm" trong rừng ở Trà Vinh, dân chả phải cho ăn, thấy lơn lớn bắt bán 100.000 đồng/kg
- Ở Hậu Giang trồng thành công "rau vua", dân cắt bán 80.000 đồng/kg
- Con động vật này bò lổm ngổm, ông nông dân Sóc Trăng nuôi thành công, làm con đặc sản, bán hút hàng
- Mãn nhãn những vườn táo trĩu quả bên dòng sông La
- Trồng hoa vụ đông, hái ra tiền
- Loại cây ăn quả vừa lạ vừa quen, "bế" lên chậu thành cây bonsai hot, phát giá tới 5 tỷ/cây
- Một xã nghìn tỷ ở Bắc Giang, dân trồng cây gì, nuôi con gì, làm nghề gì mà ra hơn 1.000 tỷ đồng/năm?
- Trồng bí xanh VietGAP trên đất cát, năng suất 55 - 60 tấn/ha