Tăng năng suất hành tím 25% ở vùng khô hạn

Hành tím tại mô hình cho năng suất tăng 25%, trong khi giảm được nhiều chi phí sản xuất. Ảnh: Nguyễn Cơ.
Hành tím tại mô hình cho năng suất tăng 25%, trong khi giảm được nhiều chi phí sản xuất. Ảnh: Nguyễn Cơ.

Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận phối hợp với UBND xã Nhơn Hải (huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) vừa tổ chức hội thảo đầu bờ đánh giá kết quả mô hình canh tác cây hành tím thích ứng với biến đổi khí hậu.

Mô hình được triển khai tại hộ bà Trương Thị Kim Chi (thôn Mỹ Tường 1, xã Nhơn Hải) với quy mô 0,15ha. Mô hình được triển khai trong khuôn khổ dự án tăng cường khả năng chống chịu của nông nghiệp quy nhỏ với an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu (BĐKH) khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ (SACCR).

Hội thảo nhằm sơ bộ đánh giá kết quả triển khai áp dụng các tiến bộ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp chống chịu với BĐKH trên cây hành tím trong vụ hè thu. Cụ thể, việc áp dụng kỹ thuật tạo rãnh luống thấp, tăng sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh so với kỹ thuật sản xuất truyền thống đã giúp giảm thất thoát nước, tăng khả năng chống chịu của cây hành trong điều kiện khô hạn.

Cùng với đó là áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bằng bẫy dính màu vàng để ngăn ngừa các đối tượng sâu hại chích hút như ruồi đục lá, rệp, bọ trĩ, bọ phấn, sâu tơ, bọ nhảy, sâu xanh bướm trắng…

Thông qua mô hình, nông dân được tiếp cận với tư duy sản xuất mới thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Nguyễn Cơ.
Thông qua mô hình, nông dân được tiếp cận với tư duy sản xuất mới thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Nguyễn Cơ.

Với việc áp dụng đồng bộ các giải pháp, tiến bộ kỹ thuật trên, mô hình đã mang lại hiệu quả trong việc hạn chế số lần sử dụng thuốc BVTV, qua đó giúp tăng năng suất (25%), nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập.

Tại hội thảo đầu bờ, bà con đã được chia sẻ kinh nghiệm thảo luận những vấn đề về kỹ thuật canh tác mà mô hình đã thực hiện như: Bón thêm phân hữu cơ; kỹ thuật làm rãnh luống thấp, xới xáo hàng trong quá trình canh tác và các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Từ đó nâng cao nhận thức, áp dụng các biện pháp kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH vào thực tế, góp phần tăng hiệu quả sản xuất cho bà con vùng khô hạn.

Theo NGUYỄN CƠ/ NNVN 

Các tin khác