Trồng cây dược liệu dưới tán rừng, lợi đủ đường

Việc phát triển các loại cây dược liệu dưới tán rừng mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái. Ảnh: Thanh Tiến.
Việc phát triển các loại cây dược liệu dưới tán rừng mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái. Ảnh: Thanh Tiến.

Diện tích đất canh tác cây lâm nghiệp của người dân huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái) đa phần có độ dốc lớn, nghèo dinh dưỡng. Nhiều năm qua, người dân thường lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học trong canh tác các loại cây trồng lâm nghiệp do ưu điểm tiện lợi, giảm được công lao động, hiệu quả nhanh.

Tuy nhiên, mặt trái của phương thức canh tác này là gây ra những hệ lụy lâu dài, làm hủy hoại tài nguyên đất, gây xói mòn, sạt lở đất, ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến sức khỏe cây trồng và con người.

Nhận thức rõ những tác hại đó, huyện Yên Bình đã và đang chỉ đạo ngành nông nghiệp huyện phối hợp với chính quyền các địa phương tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân áp dụng các giải pháp kỹ thuật trong sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng xanh, sạnh, bảo vệ môi trường, tăng hiệu quả kinh tế.

Trồng trà hoa vàng, khôi nhung dưới tán rừng keo, mỡ

Gia đình anh Vũ Quyết Thắng ở thôn 7, xã Xuân Long (huyện Yên Bình) là hộ tiên phong đưa cây trà hoa vàng và cây khôi nhung về trồng dưới tán rừng. Trước đây, hơn 2ha đất đồi rừng của gia đình anh chỉ trồng các loại cây gỗ lớn như mỡ, keo, chu kỳ khai thác dài, hiệu quả kinh tế thấp.

Năm 2018, sau khi đi tham quan, học tập mô hình trồng cây dược liệu ở Trung Quốc và một số mô hình kinh tế làm giàu từ rừng ở huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc), nhận thấy trồng trà hoa vàng và khôi nhung dưới tán rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh Thắng đã mua giống về trồng thử nghiệm theo quy mô nhỏ dưới tán rừng keo, mỡ với mục tiêu biến rừng thành mô hình sinh thái, đa dạng sinh học.

Sau vài tháng, cây trà hoa vàng và khôi nhung phát triển tốt, anh Thắng tiếp tục nhân giống và mở rộng trên toàn bộ diện tích đất rừng của gia đình. Đến nay, anh đã trồng 2,1ha khôi nhung và hơn 2 sào trà hoa vàng với khoảng 500 cây.

Cây trà hoa vàng phát triển tốt dưới tán cây lâm nghiệp như keo, mỡ. Ảnh: Thanh Tiến.
Cây trà hoa vàng phát triển tốt dưới tán cây lâm nghiệp như keo, mỡ. Ảnh: Thanh Tiến.

Theo anh Thắng, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trà hoa vàng và khôi nhung không khó, cả 2 cây này đều không ưa sáng, có thể trồng xen, trồng dưới tán cây lâm nghiệp. Đây cũng là 2 loài cây dược liệu quý có thể chữa các bệnh liên quan đến cao huyết áp, dạ dày…

Từ lúc trồng đến khi cây cao từ 0,8 - 1 mét, cứ 2 tháng anh bón một lần bằng phân hữu cơ ủ hoai mục để cây sinh trưởng tốt. Là cây dược liệu nên trong quy trình chăm sóc anh Thắng tuyệt đối không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học. Để phòng trừ sâu bệnh hại, anh tự ủ chế phẩm vi sinh từ các lá cây rừng để không làm ảnh hưởng đến hoạt tính của cây dược liệu, từ đó cây ít nấm bệnh, khả năng đề kháng cao và cho nhiều hoa, lá.

Diện tích khôi nhung sau 1 năm đã cho thu hoạch, còn cây trà hoa vàng sau 3 năm trồng bắt đầu cho thu hái hoa. Trung bình mỗi vụ, 1 gốc trà cho khoảng 1kg nụ hoa tươi, cây càng lâu năm hoa càng nhiều.

Với hơn 2ha trồng trà hoa vàng và khôi nhung, hiện mỗi năm gia đình anh Thắng thu khoảng 100kg nụ hoa trà tươi, giá từ 600 nghìn đến 1 triệu đồng/kg, sấy khô có giá dao động từ 10 - 15 triệu đồng/kg, lá trà được thu hái phơi khô có giá bán từ 250 - 500 nghìn đồng/kg. Lá cây khôi nhung được thu hái phơi khô, giá trung bình khoảng 200 nghìn đồng/kg. Hiện mô hình trồng cây được liệu dưới tàn rừng của anh Thắng cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.

Anh Thắng cũng đang làm vườn ươm cây giống trà hoa vàng hơn 2 vạn cây để tiếp tục mở rộng quy mô của gia đình và cung cấp cho các hộ dân có nhu cầu.

Một kg nụ, hoa trà hoa vàng khô có giá bán từ 10 - 15 triệu đồng. Ảnh: Thanh Tiến.
Một kg nụ, hoa trà hoa vàng khô có giá bán từ 10 - 15 triệu đồng. Ảnh: Thanh Tiến.

Với ý tưởng biến rừng thành mô hình sinh thái, thời gian tới anh Thắng sẽ tiếp tục phát triển rừng cây gỗ lớn kết hợp trồng cây dược liệu. Tầng trên cùng sẽ duy trì cây mỡ, ràng ràng, đây là những loài cây gỗ lớn, xanh quanh năm, sinh trưởng nhanh, thân thẳng, sản lượng gỗ cao, chất lượng tốt. Tầng thứ 2 sẽ trồng trà hoa vàng, khôi nhung. Tầng thấp nhất sẽ trồng cây thiên niên kiện và cây sinh địa, đây cũng là 2 loài cây thuốc vừa có giá trị kinh tế khá vừa thay thế lớp cỏ dại để bảo vệ bề mặt đất nhằm chống xói mòn, rửa trôi.

Đa lợi ích từ cây dược liệu

Thấy hiệu quả từ mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng của anh Thắng, nhiều hộ dân ở xã Xuân Long đã học hỏi kinh nghiệm, mua giống về trồng dưới tán rừng của gia đình mình. Hiện toàn xã có khoảng hơn 30ha khôi nhung và 10ha trà hoa vàng được trồng trong vườn hoặc dưới tán cây lâm nghiệp.

Cuối năm 2019, chính quyền xã đã hỗ trợ các hộ dân thành lập HTX Dược liệu Bình An với 7 thành viên do anh Vũ Quyết Thắng làm Giám đốc. Đến nay, HTX đã có hơn 30 thành viên là các hộ dân trồng cây dược liệu trong xã.

Hiện ở xã Xuân Long (huyện Yên Bình, Yên Bái) có hơn 40ha cây dược liệu dưới tán rừng, chủ yếu là khôi nhung và trà hoa vàng. Ảnh: Thanh Tiến.
Hiện ở xã Xuân Long (huyện Yên Bình, Yên Bái) có hơn 40ha cây dược liệu dưới tán rừng, chủ yếu là khôi nhung và trà hoa vàng. Ảnh: Thanh Tiến.

Bà Nguyễn Thị Hoa - thành viên HTX Dược liệu Bình An chia sẻ, năm 2020 gia đình bà tham gia HTX nên được mua cây giống trả chậm và được hỗ trợ kỹ thuật trồng cây khôi nhung dưới tán rừng mỡ, keo trên diện tích 1,5ha. Với giá bán lá khôi nhung khô từ 170 - 220 nghìn đồng/kg, mỗi năm gia đình bà thu khoảng 400kg lá khô, thu nhập gần 80 triệu đồng. Gia đình bà dự định sẽ tiếp tục mua cây giống trà hoa vàng để mở rộng diện tích.

Theo bà Đào Thị Thanh Hiền, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Yên Bình, không chỉ riêng ở Xuân Long, hiện các mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng và trồng cây dược liệu theo quy mô lớn đang ngày càng được nhân rộng phổ biến ở nhiều địa phương.

Hiện toàn huyện Yên Bình có trên 100ha cây dược liệu được trồng tập trung tại các xã Xuân Long, Ngọc Chấn, Cảm Nhân, Mỹ Gia, Bạch Hà… với một số loài chủ yếu như trà hoa vàng, cát sâm, khôi nhung, thiên niên kiện, bách bộ…

Chính quyền huyện xác định phát triển cây dược liệu dưới tán rừng là hướng đi phù hợp, mang lại đa lợi ích về kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh từng vùng, đảm bảo tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững cho người dân, nhất là ở vùng đồi núi dốc trước đây chủ yếu trồng rừng gỗ nguyên liệu.

Huyện Yên Bình đã có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển các cây dược liệu. Ảnh: Thanh Tiến.
Huyện Yên Bình đã có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển các cây dược liệu. Ảnh: Thanh Tiến.

Huyện đang tiếp tục xây dựng chính sách phù hợp để khuyến khích người dân tham gia bảo vệ rừng trên cơ sở được hướng dẫn khai thác hợp lý và trồng cây dược liệu dưới tán rừng hiệu quả. Khuyến khích hình thành các tổ chức sản xuất giống cây dược liệu đạt tiêu chuẩn nhằm cung cấp cho người dân mở rộng diện tích.

Bên cạnh đó, ưu tiên hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ trong lĩnh vực khai thác và phát triển cây dược liệu (từ khâu sản xuất giống, canh tác, thu hoạch, sơ chế bảo quản). Hỗ trợ thành lập các HTX, doanh nghiệp để kết nối với các hộ dân trong lĩnh vực khai thác, trồng cây dược liệu với các doanh nghiệp tiêu thụ và chế biến.

Theo tính toán của các hộ dân tham gia trồng cây dược liệu dưới tán rừng, bình thường cứ 7 – 10 năm mới được thu hoạch một chu kỳ keo, bồ đề, giá trị thu nhập khoảng từ 70 - 100 triệu đồng/ha. Việc trồng cây trà hoa vàng và khôi nhung dưới tán cây lâm nghiệp cho lợi ích kinh tế thường xuyên hàng năm, thu nhập cao hơn gấp nhiều lần. Ngoài ra, việc phát triển cây dược liệu còn góp phần tạo sự đa dạng sinh học, tăng cường khả năng phục hồi đất, giảm xói mòn, sạt lở đất, giữ nguồn nước ngầm..

Theo THANH TIẾN/ NNVN 

Các tin khác