Nho mẫu đơn trĩu quả trên vùng đất sỏi đá

Huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) là địa phương có khí hậu khắc nghiệt, đất đai kém màu mỡ. Tại huyện này, đất chủ yếu là đồi dốc, sỏi đá nên việc trồng trọt của người dân gặp nhiều khó khăn. Nếu người dân cố gắng canh tác thì chi phí gấp nhiều lần những địa phương khác và năng suất cũng không cao. Tuy nhiên, một nhóm bạn trẻ đã mạnh dạn đưa nho mẫu đơn về xã Ea Nuôi (huyện Buôn Đôn) trồng và đã mang lại hiệu quả. Mặc dù được trồng trên vùng đất khô cằn, nhiều sỏi đá nhưng vườn nho mẫu đơn vẫn phát triển xanh tốt, trĩu quả.

Chinh phục đất cằn

Vườn nho mẫu đơn được nhắc đến nằm tại xã Ea Nuôl là của anh Võ Hoàng Hân (28 tuổi, quê huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) và 3 người khác. Đáng nói, dù được trồng trên mảnh đất khô cằn nhưng vườn nho vẫn đơm bông kết trái sai trĩu khiến người dân và chính quyền địa phương không khỏi ngạc nhiên.

Vườn nho được trồng trên khu vực đồi dốc, đất sỏi đá nhưng phát triển tốt. Ảnh: Quang Yên.
Vườn nho được trồng trên khu vực đồi dốc, đất sỏi đá nhưng phát triển tốt. Ảnh: Quang Yên.

Anh Võ Hoàng Hân cho biết, khoảng năm 2017, anh bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu và mua nhiều giống nho về trồng thử nghiệm. Quá trình đến các vườn nho để tìm hiểu về quy trình trồng, chăm sóc, anh Hân gặp và quen biết 3 người đàn ông khác cùng trú tại tỉnh Đắk Lắk.

Đến đầu năm 2021, cả nhóm cùng chung chí hướng đã quyết định đầu tư trồng nho trên diện tích 2ha tại buôn Kô Đung A (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn). Tuy nhiên thời gian đầu, nhóm gặp không ít khó khăn trong canh tác.

“Vùng đất này là đất sỏi nên rất ít dinh dưỡng. Cả nhóm đã trồng thử nghiệm nhiều giống nho ở ngoài trời và trong nhà kính. Tuy nhiên, rất nhiều giống nho không phù hợp, không có năng suất. Chưa kể, ban đầu mọi người chưa hiểu về đất đai, chưa sử dụng lượng nước, phân bón phù hợp, chưa quản lý được nhiệt độ dẫn đến cây nho bị chết, phát triển èo uột, thậm chí không ra trái”, anh Hân chia sẻ.

Không nản lòng, nhóm của anh Hân xem đó là bài học để tìm cách khắc phục khó khăn. Sau một thời gian nghiên cứu, thử nghiệm hàng trăm giống nho, nhóm đã chọn giống nho mẫu đơn để trồng trên mảnh đất khô cằn.

Anh Hân cho hay, nho mẫu đơn vốn có nguồn gốc từ Nhật Bản nhưng Hàn Quốc lại là đất nước làm nên tên tuổi của giống nho này. Vì vậy nhóm của anh đã tìm mua giống nho mẫu đơn từ Hàn Quốc về trồng. Bên cạnh đó, nhóm cũng mạnh dạn đầu tư gần chục tỷ đồng vào hệ thống nhà kính để trồng nho mẫu đơn.

“Vùng này có nhiệt độ cao vào mùa hè và mùa mưa kéo dài. Trong khi đó cây nho rất sợ nước và dễ sâu bệnh do mưa. Do đó, chúng tôi đã quyết định đầu tư nhà kính để chủ động nước tưới và điều tiết quá trình sinh trưởng của cây nho, từ đó có thể thu hoạch 2 vụ trong năm thay vì 1 vụ như trồng ngoài trời. Đợt thu hoạch đầu tiên bắt đầu từ đầu tháng 6 và kéo dài trong khoảng 1,5 tháng, đợt thu hoạch thứ 2 sẽ vào gần Tết Nguyên đán”, anh Hân cho biết.

Nhóm anh Hân cải tạo đất, trồng nho mẫu đơn mang lại hiểu quả kinh tế cao. Ảnh: Quang Yên.
Nhóm anh Hân cải tạo đất, trồng nho mẫu đơn mang lại hiểu quả kinh tế cao. Ảnh: Quang Yên.

Nhóm của anh Hân còn sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt dưới gốc cây để tránh làm ảnh hưởng đến lá nho. Đặc biệt, nhóm luôn chú trọng thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ đó, vườn nho của nhóm góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ đất đai và sức khỏe của người sản xuất cũng như cộng đồng xung quanh.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho cây nho phát triển thuận lợi trong nhà kính, nhóm của anh Hân nuôi cỏ xanh tốt dưới gốc nho cho đến trước khi thu hoạch. Anh Hân cho hay, việc nuôi cỏ mang lại rất nhiều lợi ích. Cỏ dại không chỉ giúp giữ độ ẩm cho đất, giúp đất tơi xốp mà còn tạo môi trường thuận lợi cho các vi sinh vật có lợi phát triển, từ đó giúp cải tạo đất... Hơn nữa, việc giữ cỏ dại trong vườn khi được cắt tỉa hay để cỏ chết đi tự nhiên sẽ có tác dụng cải thiện lượng hữu cơ trong đất, giúp vườn nho sinh trưởng, phát triển tốt.

Để phòng ngừa sâu bệnh hại, vườn nho được sử dụng các chế phẩm như ớt cay, tỏi, gừng xay nhuyễn rồi dùng để phun cho cây. Bên cạnh đó, nhóm cũng sử dụng keo có hương thơm để thu hút, bắt ruồi vàng nhằm bảo vệ quả nho vào mùa thu hoạch.

Thu quả ngọt

Anh Hân chia sẻ, muốn nho mẫu đơn phát triển bền vững, được người tiêu dùng tin tưởng, điều đầu tiên phải khẳng định được chất lượng và canh tác hoàn toàn bằng phương pháp hữu cơ, không dùng hóa chất.

Du khách thích thú tham quan vườn nho mẫu đơn. Ảnh: Quang Yên.
Du khách thích thú tham quan vườn nho mẫu đơn. Ảnh: Quang Yên.

Từ đầu tháng 6/2024, vườn nho mẫu đơn của nhóm anh Hân đã bắt đầu cho thu hoạch chính vụ, dù mới thu hoạch hơn nửa vườn nhưng đã đạt sản lượng gần 2 tấn nho, bán với giá 400.000 đồng/kg. Dự kiến, vụ thu hoạch chính vụ đầu tiên sẽ đạt tổng sản lượng khoảng 3 tấn nho.

Ngoài thu hoạch quả để bán, vườn nho mẫu đơn cũng bắt đầu mở cửa đón du khách đến thăm quan, trải nghiệm hái nho. Chủ vườn nho cho biết, vào những ngày trong tuần, trung bình có khoảng 100 lượt khách đến thăm quan. Còn vào cuối tuần, có những hôm vườn nho đón hơn 500 lượt du khách.

Chủ vườn nho chia sẻ, họ không chỉ muốn tạo ra sản phẩm quả sạch và ấn tượng trên vùng đất Tây Nguyên cằn cỗi mà còn muốn tạo việc làm và nâng cao đời sống cho nhiều nông dân địa phương. Hiện, vườn nho mẫu đơn đang tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động và 10 - 15 lao động thời vụ mỗi tháng.

“Chúng tôi sẽ mở mở rộng mô hình trồng nho mẫu đơn lên diện tích hàng chục ha. Đồng thời sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng nho cho người dân địa phương", anh Hân nói thêm.

Ông Trịnh Quang Tấn, Chủ tịch UBND xã Ea Nuôl cho biết, vườn nho mẫu đơn tại buôn Kô Đung A là mô hình trồng nho đầu tiên của địa phương nói riêng và huyện Buôn Đôn nói chung.

Đây là vườn nho mẫu đơn đầu tiên tại Đắk Lắk, bước đầu phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Quang Yên.
Đây là vườn nho mẫu đơn đầu tiên tại Đắk Lắk, bước đầu phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Quang Yên.

Theo ông Tấn, khu vực này vốn là vùng đất khô cằn, nhiều sỏi đá, hiệu quả kinh tế thấp khi trồng cà phê, điều. Tuy nhiên, nhóm bạn trẻ đã áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa giống nho mẫu đơn về trồng tại đây. Đến nay, vườn nho này đã phát triển xanh tốt và ra trái sai trĩu, gây bất ngờ cho người dân và chính quyền địa phương.

“Thời gian gần đây, vườn nho này được rất nhiều người dân trong và ngoài tỉnh quan tâm, rất nhiều người đến thăm quan, học hỏi kinh nghiệm. Chính quyền địa phương rất ủng hộ mô hình này và sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các vấn đề pháp lý để chủ đầu tư mở rộng quy mô, tăng diện tích trồng nho. Từ đó, góp phần phát triển kinh tế cho địa phương, thu hút lao động”, ông Tấn thông tin.

Cả nhóm có quan điểm đầu tiên phải khẳng định được chất lượng của vườn nho và phát triển theo hướng hữu cơ. Do đó vườn nho không dùng phân bón hóa học, thuốc BVTV hóa học, để cỏ mọc tự nhiên, khi cỏ tốt quá thì thuê người nhổ, cắt. Sau khi nhổ, cỏ dại được gom lại để ủ làm phân bón hữu cơ giúp bổ sung chất hữu cơ, giữ ẩm cho đất..

Theo MINH QUÝ/ NNVN 

Các tin khác