Mô hình lúa chất lượng cao, lợi nhuận tăng 7,6 triệu đồng/ha

Xã viên HTX Phát Tài trao đổi với cán bộ khuyến nông và doanh nghiệp hỗ trợ mô hình về kỹ thuật canh tác tưới ngập khô xen kẽ. Ảnh: Hồ Thảo.
Xã viên HTX Phát Tài trao đổi với cán bộ khuyến nông và doanh nghiệp hỗ trợ mô hình về kỹ thuật canh tác tưới ngập khô xen kẽ. Ảnh: Hồ Thảo.

Kết quả vượt ngoài mong đợi

Vụ hè thu năm nay, hầu hết người trồng lúa tại Trà Vinh phấn khởi do lúa được giá. Niềm vui còn nhân lên vì bà con đã có dịp kiểm chứng khi cánh đồng lúa chất lượng cao đầu tiên bước vào vụ thu hoạch.

Từ tờ mờ sáng, các thành viên HTX Nông nghiệp Phát Tài ở ấp Ô Tre Lớn, xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành đã tập trung ngoài đồng dõi theo từng làn máy gặt, ai cũng nóng lòng xem thành quả đạt được đến đâu. Đây là một trong hai mô hình thí điểm được tỉnh Trà Vinh chọn tham gia Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp, với diện tích 48ha của 48 thành viên trong HTX.

Khi tham gia mô hình, các thành viên được tập huấn và áp dụng kỹ thuật canh tác gồm: sạ hàng, sạ thưa kết hợp bón vùi phân, giảm giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; quản lý nước ngập khô xen kẽ, đưa 100% rơm ra khỏi ruộng, sử dụng giống xác nhận. Thực tế cho thấy, trà lúa rất đẹp, không nhiễm bệnh, hạt mẩy, ít ngã đổ.

Ông Trần Văn Chung, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phát Tài vui mừng cho biết, kết quả đạt được vượt ngoài mong đợi khi năng suất đạt 6,3 tấn/ha, cao hơn 0,3 tấn/ha so với các cánh đồng bên ngoài. Tổng chi phí đầu tư là 22,3 triệu đồng/ha, giảm gần 3,2 triệu đồng so với canh tác truyền thống và lợi nhuận bình quân đạt 30,3 triệu đồng/ha, tăng thêm 5,6 triệu đồng. Năm sau đã có nhiều thành viên mới xin gia nhập vào HTX.

“Hiện thương lái đã đặt mua hết số lúa này với giá 8.500 đồng/kg, mỗi thành viên lãi gần 4 triệu đồng mỗi công (1 công = 1.000m²), cao hơn năm trước 1 triệu đồng/công nên anh em rất phấn khởi. Vụ tới tôi sẽ mở rộng thêm 500ha để bà con cùng vào, cùng làm, cùng có lời”, ông Chung nói.

Theo các xã viên, ban đầu, khi mới tham gia còn nhiều bỡ ngỡ vì chưa quen với cách làm đồng bộ, từ khâu đưa nước vào ruộng và rút nước ra cùng lúc trên một cánh đồng. Họ cũng lo ngại không đạt năng suất khi giảm lượng giống nhưng sau một vụ, mọi thứ đã trở nên dễ dàng hơn. Không chỉ đem lại lợi nhuận cao hơn, mô hình này còn giúp bà con thay đổi tư duy canh tác truyền thống.

Ông Quách Văn Út ở ấp Ô Tre Lớn, xã Thanh Mỹ chia sẻ: Trước đây, tôi thường sạ 17kg giống cho mỗi công, nhưng khi tham gia mô hình, giảm còn 8kg. Ban đầu tôi lo không đạt năng suất, nhưng thực tế mạ lên đều, thẳng hàng nên dễ phun thuốc và chuột ít cắn hơn. Chi phí phân bón cũng giảm nhiều, từ bón gần một bao phân mỗi công giờ giảm xuống chỉ còn 3-4kg, nhưng cây lúa vẫn sinh trưởng tốt, trổ bông đều, ít hạt lép và năng suất vượt trội hơn. Chưa kể nhờ quản lý nước ngập khô xen kẽ 3 lần/vụ, cây lúa cứng cáp, dù gặp mưa dầm gió lớn.

Theo ông Út, tham gia Đề án có nhiều cái lợi cho nông dân, như được tập huấn các phương pháp canh tác mới và được hỗ trợ giống, phân bón... Quan trọng là lúa có thương hiệu chất lượng cao.

Nông dân tỉnh Trà Vinh phấn khởi thu hoạch lúa trong mô hình tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Ảnh: Hồ Thảo.
Nông dân tỉnh Trà Vinh phấn khởi thu hoạch lúa trong mô hình tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Ảnh: Hồ Thảo.

Mở rộng ra toàn tỉnh

Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết, kết quả sơ kết 2 mô hình điểm tham gia Đề án trên địa bàn vượt ngoài mong đợi, bởi lượng giống đã giảm 60%, từ 20kg xuống còn 8kg/ha, phân bón cũng giảm 20-30%, chỉ cần bón 2 lần mỗi vụ. Lợi nhuận của nông dân tăng thêm 5,6 triệu đồng/ha tại HTX Nông nghiệp Phát Tài và 7,6 triệu đồng/ha tại HTX Phước Hảo. Bên cạnh đó, chất lượng gạo được cải thiện nhờ lượng phát thải ra môi trường giảm 20-30%.

Theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh Lê Văn Đông, để đạt được những kết quả trên, Bộ NN-PTNT và các đơn vị thuộc Bộ, lực lượng khuyến nông và doanh nghiệp đã sát cánh cùng bà con ngay từ khi bắt đầu triển khai Đề án.

Cụ thể, Sở đã phối hợp với Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Sài Gòn Kim Hồng tổ chức tập huấn biện pháp sạ cụm và sạ cụm kết hợp vùi phân cho hai HTX. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức tập huấn quy trình sản xuất với sự tham gia của 100 đại biểu.

Sở cũng làm việc cùng Viện Môi trường Nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) để hoàn chỉnh sơ đồ chi tiết diện tích sản xuất của từng hộ tham gia mô hình và chọn 10 điểm để giám sát và đánh giá theo phương pháp MRV.

Ngoài ra, Sở NN-PTNT còn phối hợp với Tổng Công ty Nước - Môi trường Bình Dương cung cấp và hỗ trợ 49 tấn phân bón hữu cơ cho hai HTX, cùng nhiều doanh nghiệp khác cũng chuẩn bị hỗ trợ để mở rộng mô hình ra toàn tỉnh.

Ông Lê Văn Đông đề nghị các doanh nghiệp đã cam kết hỗ trợ nông dân tham gia Đề án sẽ tuân thủ đúng quy trình của Cục Trồng trọt để đạt các mục tiêu đề ra. Chi cục Bảo vệ Thực vật sẽ kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng phân bón và giám sát tiêu chuẩn thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo tuân thủ đúng quy định. Trà Vinh cũng phát triển cơ giới hóa, đặc biệt trong khâu làm đất, nhằm giảm thiểu rủi ro và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Trà Vinh sẽ mở rộng ra toàn tỉnh, mỗi huyện một mô hình lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Ảnh: Hồ Thảo.
Trà Vinh sẽ mở rộng ra toàn tỉnh, mỗi huyện một mô hình lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Ảnh: Hồ Thảo.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh cho hay, Trà Vinh sẽ mở rộng mô hình canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp ra các huyện còn lại. Cụ thể, toàn tỉnh sẽ có 8 mô hình, trong đó 2 mô hình do Bộ NN-PTNT hỗ trợ và 6 mô hình do các huyện thực hiện. Diện tích bình quân mỗi mô hình là 50ha, dự kiến vụ thu đông năm nay sẽ có 400ha với năng suất 6 tấn/ha, sản lượng đạt 2.400 tấn.

"Nếu tiếp tục gieo sạ theo kế hoạch mở rộng mô hình của tỉnh, việc giảm lượng giống giúp tiết kiệm khoảng 13 tỷ đồng trong năm 2024 và 15 tỷ đồng năm 2025", ông Lê Văn Đông nói.

Theo HỒ THẢO - KIỀU TRANG/ NNVN 

Các tin khác