Chăn nuôi an toàn sinh học, người dân được mở mang tri thức

Trang trại chăn nuôi gà lông màu theo tiêu chuẩn VietGAHP tại xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Phạm Hiếu.
Trang trại chăn nuôi gà lông màu theo tiêu chuẩn VietGAHP tại xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Phạm Hiếu.

Người chăn nuôi được mở mang

Trước những diễn biến phức tạp của các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi, hiện nay, việc triển khai các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, VietGAHP, chăn nuôi theo hướng hữu cơ… đóng vai trò quan trọng đối với ngành chăn nuôi.

Thời gian qua, tại tỉnh Thái Nguyên, các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, VietGAHP, theo hướng hữu cơ đã được nhân rộng và mang lại nhiều lợi ích như đảm bảo sức khỏe đàn vật nuôi, tiết kiệm chi phí sản xuất, bảo vệ sức khoẻ người chăn nuôi cũng như người tiêu dùng, đặc biệt là góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Điển hình có thể kể đến 7 hộ chăn nuôi thuộc Tổ hợp tác chăn nuôi gà lông màu thả vườn tại xã Hóa Trung (huyện Đồng Hỷ) hiện nuôi gần 10.000 con gà theo tiêu chuẩn VietGAHP.

Theo ông Phạm Văn Định, Tổ trưởng Tổ hợp tác, trong quá trình triển khai, người dân được cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên giới thiệu và hướng dẫn thực hiện quy trình chăn nuôi VietGAHP kỹ lưỡng, từ việc xây dựng chuồng trại, chọn con giống đến quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh phòng bệnh, đặc biệt là phòng bệnh bằng vacxin…

“Theo hướng dẫn của cán bộ, tất cả các khâu từ quy trình sản xuất, con giống, thức ăn chăn nuôi, đệm lót sinh học, diện tích chuồng trại đến các trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi… của bà con đều được giám sát chặt chẽ và tuân thủ theo quy chuẩn. Các loại cám hỗn hợp được sử dụng đảm bảo các yêu cầu chỉ tiêu kỹ thuật, không ẩm mốc, quá hạn, có nguồn gốc rõ ràng, không sử dụng các chất kích thích tăng trưởng…”, ông Phạm Văn Định thông tin.

Tất cả các khâu trong chăn nuôi của bà con đều được giám sát chặt chẽ và tuân thủ theo quy chuẩn. Ảnh: Phạm Hiếu.
Tất cả các khâu trong chăn nuôi của bà con đều được giám sát chặt chẽ và tuân thủ theo quy chuẩn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Chia sẻ thêm về quy trình chăn nuôi VietGAHP, ông Định cho biết, ngoài con giống và thức ăn, công tác phòng bệnh có vai trò quyết định đến hiệu quả chăn nuôi. Chính vì vậy, ông và các thành viên trong Tổ hợp tác đã sử dụng những chế phẩm sinh học để xử lý chuồng trại, xử lý chất thải chăn nuôi nhằm giữ vệ sinh, phòng bệnh và đảm bảo sức khỏe cho đàn vật nuôi.

Các hộ chăn nuôi của Tổ hợp tác đều đánh giá quy trình VietGAHP đã mang lại hiệu quả tốt, đàn gà phát triển khỏe mạnh, chất lượng thịt thơm ngon. Bên cạnh đó, so với chăn nuôi theo phương thức truyền thống, áp dụng quy trình VietGAHP đã giúp môi trường chăn nuôi trong lành, chuồng trại sạch sẽ, qua đó đảm bảo sức khỏe cho người chăn nuôi.

“Ngoài hiệu quả kinh tế, lợi ích lớn nhất khi chăn nuôi theo quy trình VietGAHP là người dân được mở mang thêm nhiều kiến thức hữu ích trong chăn nuôi, từ chọn con giống đảm bảo chất lượng, thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật, sử dụng 100% thức ăn công nghiệp, giữ chuồng trại sạch sẽ, khô thoáng, đàn gà được phòng bệnh đầy đủ bằng vacxin cũng như việc đảm bảo an toàn sinh học trong suốt quá trình nuôi…”, ông Phạm Văn Định chia sẻ.

28 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh

Thời gian qua, bên cạnh triển khai các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, VietGAHP, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển chăn nuôi.

Theo ông Đỗ Đình Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Thái Nguyên, địa phương đã đẩy mạnh phát triển cả về số lượng và quy mô chăn nuôi trang trại, từ đó dần thay thế chăn nuôi nhỏ lẻ quy mô nông hộ với việc áp dụng phương thức chăn nuôi tiên tiến, đồng bộ, năng suất.

Tỉnh Thái Nguyên hiện có 57 trang trại chăn nuôi quy mô lớn; gần 700 trang trại chăn nuôi quy mô vừa; trên 500 trại chăn nuôi quy mô nhỏ và trên 120.000 hộ chăn nuôi nông hộ. Ảnh: Phạm Hiếu.
Tỉnh Thái Nguyên hiện có 57 trang trại chăn nuôi quy mô lớn; gần 700 trang trại chăn nuôi quy mô vừa; trên 500 trại chăn nuôi quy mô nhỏ và trên 120.000 hộ chăn nuôi nông hộ. Ảnh: Phạm Hiếu.

Tỉnh cũng chú trọng công tác quản lý chất lượng con giống, điều kiện sản xuất con giống tại 75 cơ sở (50 cơ sở sản xuất giống gia cầm, 25 cơ sở sản xuất giống lợn), qua đó nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm. Đến nay, tỷ lệ đàn lợn ngoại, lợn lai có năng suất, chất lượng cao của tỉnh đạt 76% tổng đàn; đàn bò lai Zebu và các giống bò chất lượng cao đạt 68% trở lên; đàn gà lông màu có chất lượng đạt 87% tổng đàn.

“Bằng việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm và môi trường, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh đối với các cơ sở chăn nuôi tập trung. Đồng thời triển khai quản lý dịch bệnh, tiêm phòng vacxin đạt các chỉ tiêu để hướng tới xây dựng vùng xã, huyện an toàn dịch bệnh”, ông Đỗ Đình Trung thông tin và cho biết thêm, hiện toàn tỉnh có 28 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận an toàn dịch bệnh còn hiệu lực, 80 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP còn hiệu lực.

Hướng đến việc phát triển sản xuất chăn nuôi lợn, gà theo chuỗi, gắn với giết mổ và tiêu thụ sản phẩm, Thái Nguyên đã hình thành các mô hình sản xuất chuỗi từ chăn nuôi - giết mổ - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 57 trang trại chăn nuôi quy mô lớn; gần 700 trang trại chăn nuôi quy mô vừa; trên 500 trại chăn nuôi quy mô nhỏ và trên 120.000 hộ chăn nuôi nông hộ.

Những lưu ý về tiêu chuẩn VietGAHP

Theo tiêu chuẩn VietGAHP, địa điểm chăn nuôi của người dân cần bảo đảm cách biệt với khu dân cư, công trình công cộng, đường giao thông chính, nguồn gây ô nhiễm. Phải có khu vực để xử lý chất thải; nơi nuôi cách ly động vật; khu vệ sinh, khử trùng tiêu độc dụng cụ chăn nuôi.

Khu vực sản xuất, chế biến và kho chứa thức ăn chăn nuôi phải cách biệt với nơi để các hoá chất độc hại, khu vực xử lý chất thải.

Thái Nguyên hiện có 28 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận an toàn dịch bệnh còn hiệu lực, 80 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAP còn hiệu lực. Ảnh: Phạm Hiếu.
Thái Nguyên hiện có 28 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận an toàn dịch bệnh còn hiệu lực, 80 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAP còn hiệu lực. Ảnh: Phạm Hiếu.

Người chăn nuôi cần có biện pháp ngăn ngừa động vật khác xâm nhập vào khu vực chăn nuôi, xung quanh chuồng nuôi được quây kín bằng hàng rào B40.

Lối ra vào khu chăn nuôi, trước cửa chuồng cần bố trí hố vôi khử trùng tiêu độc cho người và phương tiện vận chuyển đi qua.

Dụng cụ, trang thiết bị, phương tiện vận chuyển dùng trong chăn nuôi phải được vệ sinh, khử trùng tiêu độc trước khi đưa vào cơ sở và trước khi sử dụng.

Thức ăn chăn nuôi được sử dụng phải có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng cho từng giai đoạn sinh trưởng của vật nuôi.

Nước sử dụng trong chăn nuôi là nước giếng khoan bảo đảm vệ sinh. Chất thải chăn nuôi phải được thu gom, tái chế thành phân hữu cơ và xử lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và thú y.

Người chăn nuôi cũng cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh bắt buộc cho động vật nuôi theo quy định của Bộ NN-PTNT và phòng bệnh bằng vacxin đối với bệnh đăng ký chứng nhận an toàn và còn miễn dịch bảo hộ.

Tỉnh Thái Nguyên hiện có 76 hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất chăn nuôi; 9 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi; 30 doanh nghiệp liên doanh, liên kết chăn nuôi chuỗi thịt lợn, gà. Hiện tỉnh đang duy trì hoạt động trên 20 chuỗi liên kết sản xuất - giết mổ, chế biến - tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, liên kết với các trang trại chăn nuôi trong việc cung ứng con giống, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, kỹ thuật chăn nuôi, giết mổ và bao tiêu sản phẩm.

Theo PHẠM HIẾU/ NNVN 

Các tin khác