Tỷ phú nuôi cá chình đặc sản ở Cà Mau lần thứ 2 được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc

Với tôi, đối với người nông dân thì không có gì quý hơn là có được đất đai để sản xuất. Nghĩ vậy nên khi tích lũy được bao nhiêu tiền là tôi mua đất, với quyết tâm làm giàu từ đất".

Ông Nguyễn Hữu Ánh (67 tuổi, ngụ khóm 1, phường Tân Thành, TP.Cà Mau) chia sẻ với phóng viên Dân Việt sau khi nhận tin vui mình được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024.

Từ việc tích lũy đất đai…

Sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo khó có 7 anh chị em. Ông Nguyễn Hữu Ánh từ nhỏ đã nuôi ước mơ làm giàu trên chính đồng đất quê hương mình.

"Cha mẹ tôi đã bỏ công sức cả đời mình để chinh phục đồng đất này, tôi đã chứng kiến nước mắt, mồ hôi của ông bà đổ xuống để đất nuôi dưỡng cây lúa, cho anh em chúng tôi có hạt cơm mà ăn ngày ấy", ông Ánh nói.

Ông Ánh cho biết thêm, ý chí và nghị lực của cha mẹ đã cho ông bài học ngay từ nhỏ rằng, đất sẽ không phụ lòng người, nếu chúng ta không tiết công sức để khai phá chúng.

Do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, ông Ánh đã phải sớm rời bỏ ghế nhà trường theo cha mẹ ra đồng cày cuốc sau khi học hết lớp Nhì (tương đương lớp 4, cấp Tiểu học hiện nay – PV).

Sau năm 1975, khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, ông Ánh khi ấy đã 18 tuổi, và cũng như bao trai tráng trong làng, ông Ánh gặp và kết duyên với bà Lê Thị Phúc – cô gái ở cùng địa phương.

Ông Ánh bảo, ngày ấy ông rất vui và hạnh phúc khi được sánh duyên bên người mình yêu thương là bà Phúc, song có đôi lúc ông lại lo về tương lai cho gia đình nhỏ của mình, khi 4 người con lần lượt chào đời.

"Cái lo đó nó chỉ thoáng qua trong đầu, và nó cho tôi có thêm động lực để làm và làm nhiều hơn nữa", ông Ánh nhớ lại.

Từ 8 công đất năn của cha mẹ cho lúc lập gia đình, ông Ánh ra sức ngày đêm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" nhưng cũng chỉ đủ lo cho 6 miệng ăn, đó là chưa kể đến những năm mùa màng thất bát, gia đình ông còn phải đi "chạy gạo" để ăn.

"Vùng đất này mấy chục năm trước được gọi là đất năn, vì năn mọc nhiều vô số kể, dù người ta có làm cách gì đi nữa thì cây lúa vẫn không phát triển tươi tốt được", ông Ánh nhớ lại.

Không khuất phục trước "tính nết" khó khăn của đất, ông Ánh càng ra sức cải tạo đất, tìm nhiều giống lúa mới về gieo trồng trên đồng ruộng nhà mình. Nhiều năm sau đó, quan điểm của ông về việc đất không phụ lòng người đã thành hiện thực, khi một vụ lúa mùa trên 8 công đất của gia đình cũng cho thu nhập khoảng 90 dạ lúa/năm.

Ông bảo, số lúa này tuy không nhiều nhưng cũng đủ để cho gia đình có cái ăn quanh năm, và khi cuộc sống gia đình được dần ổn định, ông bắt đầu nghĩ đến giấc mơ làm giàu.

"Để có thêm tiền tích lũy, vợ chồng tôi ngoài việc canh tác một vụ lúa, hàng ngày chúng tôi còn đi làm thuê quanh vùng, thời gian sau thì đi học thêm nghề dệt chiếu…", vợ ông Ánh – bà Lê Thị Phúc nhắc lại những năm tháng khó khăn với chồng mình.

Đến năm 1995, ông Ánh mỗi năm đã dư được 100 dạ lúa mùa sau mỗi vụ thu hoạch. Từ tiền bán lúa, cộng với tiền tích lũy từ nghề làm thuê, dệt chiếu, vợ chồng ông quyết định mua thêm hơn 8 công đất để sản xuất.

"Sau năm 1997, gia đình đã có gần 20 công đất trồng lúa, và số lúa dư ra hàng năm cũng hơn 200 dạ. Tôi lại tích lũy qua các năm để tiếp tục mua đất, tính đến nay tôi đã có hơn 6,5 ha đất để sản xuất", ông Ánh nói trong nụ cười hiền.

…đến quyết định nuôi cá chình đổi đời

Khi đã có đất là phương tiện sản xuất trong tay, ông Ánh bắt đầu hiện thực ước mơ làm giàu từ đất của mình.

Ngoài việc trồng lúa mùa, ông còn cải tạo ao, đìa để nuôi cá bống tượng, rồi đến cá chình. "Con cá bống tượng, mà chính là cá chình ngày đó nuôi chỉ cần chịu khó lội ruộng kéo tép rong về cho chúng ăn, rồi chờ thu hoạch là được", ông Ánh nhớ lại.

Ông kể rằng, ban đầu ông chỉ nuôi cá bống tượng. Đến năm 1999, thông qua một thương lái cũng là con cháu trong gia đình, ông mới biết đến giống cá chình.

Theo lời ông, người cháu là thương lái sau khi đến TP.Hồ Chí Minh và một số vùng khác buôn bán cá bống tượng, sau khi về, người này đốc thúc ông nuôi thử nghiệm cá chình.

"Ban đầu tôi cũng không đồng ý vì nào giờ đâu biết cá chình là cá gì. Rồi thêm suy nghĩ, nếu như nuôi chúng khi tới thu hoạch không có đầu ra thì phải làm sao", ông Ánh nói và khẳng định rằng, những ngày tháng sau đó, người cháu ông liên tục thúc ông đầu tư nuôi loài cá này đã làm ông siêu lòng, nhưng không ngờ quyết định lần đó đã khiến cho ông đổi đời.

Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông Ánh quyết định bán 100 dạ lúa được 3,5 triệu đồng đi mua 20 kg cá chình giống về thả nuôi trong ao có diện tích 400 m2. Ổng bảo, ở Cà Mau, thời đó chỉ có ông mới dám bán 100 dạ lúa để mua cá chình giống về nuôi – loài mà trước nay, người dân xứ này chưa ai biết đến.

May mắn đã đến với người nông dân này, khi mà số cá chình giống thả nuôi đạt số lượng, và phát triển rất tốt. "Phải nói rằng tôi rất may mắn với nghề này, vì khi ấy tôi không có tí kinh nghiệm nào đối với việc thả nuôi chúng", ông Ánh kể.

Hơn 1 năm sau ngày thả cá giống, người cháu là thương lái của ông quay lại thăm ao cá nuôi, và nói với ông Ánh rằng, số cá lớn nhanh, đạt đầu con, người này khẳng định với ông là ao cá này ông thắng chắc.

Tháng 6/2001, ông Ánh liên hệ lại với người cháu để tìm đầu ra cho ao cá nuôi. "Nó nói để nó đi kiếm đầu ra ở Sài Gòn, nó đi mấy ngày là lòng tôi héo hon mấy ngày, vì sợ không ai mua", ông Ánh nói và cho biết, 4 ngày sau, người cháu ông quay về thông báo đã tìm được nơi mua, với giá 220 nghìn đồng/1kg, thông tin này khiến ông mừng rơi nước mắt.

Sau khi thu hoạch ao cá chình đầu tiên, ông Ánh thu về 65 triệu đồng, tương đương với việc mua được 27 cây vàng ở thời điểm đó. Vợ ông Ánh – bà Phúc nhớ lại, khi cầm số tiền 65 triệu đồng từ việc bán cá, vợ chồng bà mừng đến không ngủ được. "Tôi vừa mừng vừa phục cái lòng quyết tâm của ổng. Phải ngày đó, tôi cố chấp không cho ổng nuôi thì đâu có ngày hôm nay", bà Phúc nở cười hiền.

Thấy được hiệu quả từ mô hình nuôi cá chình, những năm sau đó, ông Ánh không ngừng đầu tư, mở rộng diện tích nuôi. Từ 1 ao ban đầu, đến năm 2007 gia đình ông có gần 20 ao nuôi, và đến năm 2013, ông có tổng là 40 ao nuôi, đem về nguồn thu nhập hơn 5 tỷ đồng cho gia đình/năm, sau khi đã trừ đi tất cả chi phí.

Mô hình nuôi cá chình đầu tiên của ông Ánh đã mở ra hướng đi mới cho người dân ở Tân Thành nói riêng, và Cà Mau nói chung. Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết đất sản xuất nông nghiệp của người dân ở Tân Thành đã chuyển sang nuôi cá chình, hay cá bống tượng cho thu nhập cao qua các năm.

"Thấy tôi nuôi thành công, bà con cô bác lại hỏi kinh nghiệm nuôi loài cá này rất đông. Và mỗi lần tiếp bà con, tôi đã nói hết những gì tôi biết về nghề nuôi cá chình. Vì tôi nghĩ, mình có cái ăn từ nghề này, thì cũng phải chỉ dẫn để cho mọi người biết mà làm theo, có vậy mới góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp được", ông Ánh chia sẻ.

Với thành tích của mình, ông Nguyễn Hữu Ánh đã vinh dự được Trung ương phong tặng danh hiệu Nông dân Việt Nam sản xuất giỏi 2 lần (vào các năm 2017 và năm 2024). Ngoài ra, ông Ánh còn nhận được nhiều hình thức khen thưởng khác bới thành tích sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Hữu Ánh đã vinh dự được Trung ương tặng danh hiệu "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp TƯ 3 lần (vào các năm 2017, 2022 và năm 2024). Ngoài ra, ông Ánh còn nhận được nhiều Bằng khen, giấy khen của chính quyền các cấp của tỉnh Cà Mau.

Theo HỒNG HẠNH/ DÂN VIỆT 

Các tin khác