Chủ động phòng dịch, cung ứng đủ con giống để tái đàn
" Tái đàn để giảm thiệt hại Huyện Bảo Thắng là địa phương cung cấp lượng lớn thịt gia cầm cho tỉnh Lào Cai. Tuy nhiên, mưa lũ khiến một số trang trại cung cấp gà thịt, trứng gia cầm bị thiệt hại về cơ sở vật chất, vật nuôi. Để sớm khôi phục sản xuất, chính quyền địa phương đã hỗ trợ người dân chế phẩm sinh học, hướng dẫn khử khuẩn chuồng trại và cung cấp thông tin về con giống để tái đàn... Gia đình bà Bùi Lan ở thôn Làng Bông, xã Xuân Quang (huyện Bảo Thắng, Lào Cai), cuối tháng 6 chuẩn bị xuất bán hơn 1.500 con gà thương phẩm (khoảng 3 tấn) thì bị lũ bùn ập về, vùi lấp, không sót một con. Chưa kịp khắc phục, lại dồn dập mưa lũ khiến dãy chuồng lợn mới xây 120 triệu đồng đổ sập, thiệt hại thêm 2 con lợn nái. Gia đình bà cố gắng dồn chút vốn liếng cuối cùng để vào gà đợt cho kịp đợt cuối năm, mong gỡ gạc phần nào. "Gia đình tôi dự định tuần tới sẽ vào lại 2.000 gà lai Hồ. Giá gà giống bán đổ xô hiện khoảng 13.000 đồng/con, còn chọn thì khoảng 15.000 đồng/con. Tính ra đợt này cũng phải đầu tư đến 30 triệu đồng. Giá gà giống có lên một chút nhưng không đáng kể... Khi vào đàn chỉ lưu ý nguồn gốc gà và tiêm vắcxin phòng bệnh đầy đủ", bà Bùi Lan nói. Cũng như những hộ ở thôn Làng Bạc, Làng Gạo của xã này bị thiệt hại cùng đợt, bà con mong được nhà nước hỗ trợ sớm để bớt khó khăn. Tại thôn Câu Nhò, xã Trì Quang (huyện Bảo Thắng), trang trại 3.500 con gà đẻ trứng của ông Đỗ Cao Thọ sau lũ cũng không còn một con, ao nuôi cá bị bùn vùi lấp. Ông Thọ cho hay, vòng quay của gà nhanh nên muốn khôi phục ngay không khó nhưng cần kinh phí lớn. Trong khi đó, toàn bộ vốn liếng của gia đình đã đổ dồn để xây dựng trang trại, mua máy móc, con giống, vận hành và còn vay thêm ngân hàng 1,5 tỷ đồng. Vì vậy, mong mỏi của ông hiện nay là được ngân hàng giãn nợ cho đến khi sản xuất trở lại, có thể thu hoạch trứng từ lứa gà mới. "Xét cho cùng, đúng là bị mất nhiều nhưng so với người mất nhà, mất người thân thì không thể so sánh, mình chỉ mất ít kinh tế thôi", ông Đỗ Cao Thọ nói. Trước mắt, ông cùng gia đình dọn dẹp chuồng trại, phun khử khuẩn, xử lý môi trường do phân gà trôi nổi ra bên ngoài, đợi đến lúc mầm bệnh bị triệt tiêu thì vào đàn. Chính quyền địa phương đã hỗ trợ trang trại của ông 20 lít thuốc sát trùng, phun khử khuẩn chuồng trại theo hướng dẫn ở cơ quan thú y và cloramin B làm sạch nước. "Gà 2 tuần tuổi hiện có giá khoảng 35 nghìn đồng/con và nuôi cho đến lúc đẻ được thành thục thì phải mất vài tháng, trong thời gian đó người dân thực sự rất khó khăn. Song ngã ở đâu đứng lên ở đó mới mong làm lại được như ban đầu", ông Thọ cho hay.
Không lo thiếu con giống Theo ông Vũ Kiều Hưng, Phó phòng NN-PTNT huyện Bảo Thắng, sản xuất gia cầm của huyện duy trì quy mô hơn 2 triệu con, chiếm khoảng 40% sản lượng thịt gia cầm toàn tỉnh Lào Cai, trên 10 nghìn tấn/năm. Mặc dù, mưa lũ song chỉ gây thiệt hại khoảng 10 nghìn con gia cầm ở một số hộ chăn nuôi và trang trại. Và từ nay đến cuối năm vẫn kịp cho bà con khôi phục sản xuất, đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho thị trường. Về con giống gia cầm, nguồn cung cấp tại địa phương chiếm khoảng 10% thị trường. Số còn lại, con giống được các tập đoàn, công ty lớn cung cấp thông qua các đầu mối, đại lý. "Thị trường giống hầu như không biến động bởi khi bị ảnh hưởng dịch bệnh, thiên tai thì giá con giống có xu hướng giảm do đối tượng nuôi giảm. Và thời điểm khôi phục, giá phục hồi, nhưng không tăng đột biến do không thiếu nguồn cung", ông Vũ Kiều Hưng cho hay. Ngoài ra, địa phương cũng khuyến khích bà con sử dụng con giống tại chỗ để giảm chi phí giá thành, an toàn dịch bệnh và giúp phục hồi kinh tế địa phương... Trang trại của bà Trần Thị Huyền ở thôn Cố Hải, xã Sơn Hải (huyện Bảo Thắng) được đầu tư bài bản từ khâu ấp trứng, các điều kiện, kỹ thuật chăn nuôi gà an toàn. Với 5 lò ấp trứng tự động, trang trại mỗi tháng xuất bán hàng vạn con giống. Bà Trần Thị Huyền chia sẻ, hiện chúng tôi có 6.000 cặp gà bố mẹ, sản xuất gà lai hồ, giống ngắn ngày. Với số lượng gà mái đang đẻ xuất ra thị trường khoảng 7-8 vạn con giống mỗi năm cho Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ... Để đảm bảo chất lượng giống, gà bố mẹ thường xuyên được tiêm nhắc lại vacxin; riêng gà mẹ lịch vacxin dày hơn gà bố; phun sát khuẩn, khử trùng môi trường dịch bệnh chuồng trại định kỳ. Đối với gà con một ngày tuổi trước khi được giao tới tay người nuôi sẽ được tiêm vacxin Marex. Đồng thời khuyến nghị áp dụng tiêm vacxin IB và Gumboro khi gà con đạt 3 ngày tuổi, tiêm SHS khi 8 ngày tuổi, tiêm nhắc Gumboro và chủng đậu khi đạt 12 ngày tuổi, đến 21 ngày tiêm IB đợt 2 và 28 ngày tuổi tiêm ILT cho gà con. Về giá gà giống, trong đợt mưa lũ, nhu cầu vào đàn của người dân giảm và hiện nhu cầu bắt đầu phục hồi trở lại song giá con giống ổn định. Hiện công suất sản xuất con giống của trang trại... vẫn chưa khai thác hết.
Chủ động điều tiết nhu cầu các địa phương Theo ông Lê Tân Phong, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai, việc khôi phục sản xuất toàn diện sau bão lũ tác động rất lớn đến đời sống người dân. Ngành nông nghiệp đã rà soát, thống kê, xây dựng phương án khôi phục tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản... và báo cáo UBND tỉnh để có phương án tổng thể. "Bên cạnh đó, chúng tôi đều có giải pháp về môi trường, cung ứng giống, vật tư và chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật, đảm bảo khung thời vụ; hướng dẫn, chỉ đạo đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp bố trí nguồn nhân lực hỗ trợ người nông dân sản xuất. Trên cơ sở đó, đánh giá toàn diện, xác định khó khăn để đề xuất hỗ trợ. Bộ NN-PTNT đã có hai đoàn công tác làm việc tại Lào Cai, cung cấp toàn bộ thông tin giống cây trồng và các doanh nghiệp hỗ trợ giải pháp khôi phục giống cây trồng. Tại Hải Phòng, Bộ NN-PTNT cũng đã có cuộc làm việc với các tỉnh trong đó có Lào Cai để cung cấp thông tin đơn vị sản xuất giống, thức ăn chăn nuôi, thủy sản. Như vậy, phía Bộ NN-PTNT đã vào cuộc rất sớm và toàn diện để khôi phục sản xuất cho các tỉnh, không riêng Lào Cai", ông Lê Tân Phong nhấn mạnh. Có thể thấy, đối với Lào Cai thiệt hại về vật nuôi so với các địa phương của tỉnh khác không lớn. Khôi phục chăn nuôi chủ yếu là lợn và gia cầm. Trong khi đó, qua các buổi làm việc, các đơn vị sản xuất con giống và thức ăn chăn nuôi cam kết đảm bảo cung ứng đủ con giống và hỗ trợ khi địa phương có nhu cầu tái thiết. Sở NN-PTNT và địa phương sẽ tiếp tục rà soát để điều tiết, hỗ trợ những nơi thiếu giống cục bộ, để đáp ứng nhu cầu con giống ngay tại chỗ. Có thể khẳng định về giống vật nuôi Lào Cai có thể kiểm soát được tình hình. Về vấn đề thức ăn chăn nuôi, các công ty trong nước và các tập đoàn đa quốc gia đảm bảo rằng có đủ khả năng cung cấp thức ăn chăn nuôi. Và từ nay đến Tết Nguyên đán, việc khôi phục tái đàn đáp ứng nhu cầu thực phẩm, ngành nông nghiệp và các địa phương sẽ sử dụng các giống ngắn ngày. "Gà nuôi thương phẩm, siêu thịt từ 46-50 ngày đã cho ra một lứa. Đối với lợn sử dụng con giống thương phẩm hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm. Như vậy ngành chăn nuôi đã chủ động giải pháp kỹ thuật và giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi để chủ động tổ chức tái đàn...", ông Lê Tân Phong thông tin thêm. Theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp tỉnh Lào Cai, bà con chỉ thực hiện tái đàn sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để chăn nuôi như: Gia cố chuồng trại, vệ sinh khử trùng chuồng trại và khu vực chăn nuôi; lựa chọn giống có nguồn gốc rõ ràng, đã được tiêm đầy đủ vacxin. Theo HẢI ĐĂNG/ NNVN |
- Giống nghệ N8 củ sai bện vào nhau, năng suất 26 - 33 tấn/ha
- Bảo tồn giống bưởi cơm của xứ Mường
- Nuôi trồng nấm nhộng trùng thảo không sử dụng nhộng tằm
- Giống sắn xua tan nỗi ám ảnh bệnh khảm lá
- Chọn tạo được giống sắn có thể đạt năng suất 60 - 70 tấn/ha
- ản xuất VietGAP, cây ăn quả phục hồi tốt sau mưa lũ, cho năng suất cao
- Vì sao chuyên gia khuyến cáo nông dân nên sử dụng hài hòa giữa thuốc BVTV hóa học và sinh học?
- Nuôi vịt, chăm lợn bằng điện thoại thông minh
- Giống cà chua ngoại hợp đất Mù Cang Chải, năng suất 100 tấn/ha
- Nông dân phải thấy được lợi ích từ sản xuất hữu cơ