Nuôi gà thả vườn kiểu "sang chảnh" ở Quảng Ninh, cho gà uống trà hoa vàng, nước thuốc Nam, dân giàu lên

Nuôi gà dược liệu, cái nghèo tự nó bỏ đi

Ba Chẽ là huyện miền núi có diện tích đất đồi lớn và không khí trong lành nên rất thuận lợi cho phát triển trồng cây gỗ lớn, cây bản địa và các loại cây dược liệu.

Tận dụng lợi thế đó, nhiều hộ dân tại đây đã phát triển mô hình chăn nuôi gà với phương thức chăn thả tự nhiên kết hợp sử dụng thức ăn có bổ sung một số dược liệu, từ đó vươn lên thoát nghèo.

Gia đình ông Hoàng Văn Hưng (thôn Tân Tiến, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh) là một trong những hộ như vậy.

Khi chúng tôi đến, ông Hưng đang đun một nồi nước to toàn dược liệu chuẩn bị làm nước uống cho gà. Không chỉ nấu nước thuốc cho gà uống, ông Hưng còn kết hợp giữa các loại dược liệu nghiền với cám gạo, cám ngô... làm thức ăn cho gà.

Ngoài lên rừng hái dược liệu, công việc suốt từ sáng đến chiều tối của ông Hưng là quẩn quanh với đàn gà.

Ông Hưng cho biết, trước đây gia đình ông từng thí điểm nuôi ba ba để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, ba ba phàm ăn lại chậm lớn, chỉ lớn khoảng 0,5kg/năm và phải mất 3 năm mới có thể xuất bán.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ nuôi ba ba đem lại không cao, ông Hưng lại bắt đầu chuyển sang nuôi gà vào năm 2018.

Lúc ban đầu, gia đình ông cũng gặp nhiều khó khăn do không có vốn, thiếu kinh nghiệm nên vụ đầu tiên nuôi gà, gia đình ông gần như trắng tay sau một đợt dịch bệnh. Song với lòng quyết tâm làm giàu trên mảnh quê hương, ông tiếp tục nuôi gà.

Nhờ được hỗ trợ vay vốn, tham gia các lớp tập huấn và chủ động học hỏi thêm kiến thức về chăn nuôi gà, nên gia đình ông bước đầu thành công.

Có thu nhập ổn định từ nuôi gà nên ông Hưng tăng dần đàn gà vào các vụ tiếp theo. Tuy nhiên, khi đàn gà càng tăng lên cũng đồng nghĩa với chi phí nuôi, nguy cơ gà nhiễm bệnh, phải sử dụng nhiều thuốc kháng sinh và càng ngày càng phải dùng liều cao.

Nuôi gà ta ở Quảng Ninh kiểu sang chảnh, cho uống trà hoa vàng, nước thuốc Nam, hóa con đặc sản- Ảnh 2.
Nhờ nuôi gà dược liệu mà gia đình ông Hoàng Văn Hưng thôn Tân Tiến, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh) thoát nghèo. Ảnh: Bùi My

Vậy là từ nuôi gà thông thường, năm 2021, ông Hưng chuyển sang nuôi gà theo hướng chăn thả tự nhiên và sử dụng thức ăn có phối trộn dược liệu.

Nhờ được chăn thả tự nhiên dưới tán cây, ăn, uống bổ sung các loại thảo dược như trà hoa vàng, tía tô, sâm cau, kim ngân, đinh lăng… mà sản phẩm gà dược liệu của gia đình ông Hưng được người tiêu dùng ưa chuộng.

Hiệu quả kép từ "nuôi gà sang chảnh"

"Từ ngày nuôi gà dược liệu, tôi thấy gà khỏe mạnh hơn hẳn, không bị đi ngoài phân trắng, phân xanh, táo bón, không bị bệnh cầu trùng, ký sinh trùng đầu đen… Sau 6-7 tháng chăn thả ngoài tự nhiên kết hợp bổ sung dược liệu, thịt gà có chất lượng rất thơm ngon, ngầy ngậy, da vàng đẹp và rất giòn" – ông Hưng cho hay.

Ông Hưng chia sẻ, có nhiều bài thuốc Nam dân gian có thể chữa bệnh cho gà. Các loại dược liệu đều là những loại thân thuộc như trà hoa vàng có tác dụng tăng sức đề kháng, kháng khuẩn, giải nhiệt; tía tô có tác dụng phòng bệnh cảm cúm và virus đường hô hấp, hen suyễn; sâm cau có tác dụng tăng cường sức đề kháng; sả hỗ trợ, kích thích hệ tiêu hóa, ngăn đầy hơi, tiêu đờm…

Nuôi gà ta ở Quảng Ninh kiểu sang chảnh, cho uống trà hoa vàng, nước thuốc Nam, hóa con đặc sản- Ảnh 3.
Gà đặc sản được ông Hoàng Văn Hưng (thôn Tân Tiến, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh) được chăn thả tự nhiên, ăn uống bổ sung dược liệu nên rất khỏe mạnh. Ảnh: Bùi My.

Cũng theo ông Hưng, trong khi gà công nghiệp chỉ cần nuôi khoảng 3 tháng 10 ngày là có thể xuất bán, gà dược liệu cần nuôi từ 6-7 tháng mới có thể xuất bán.

Bên cạnh đó, giá gà dược liệu cũng cao hơn so với gà nuôi thông thường, với giá bán ổn định khoảng 140.000 đồng/kg gà mái và 160.000 đồng/kg gà thiến.

"Riêng khoản không phải thuốc men cho gà, gia đình tôi đã tiết kiệm được khá nhiều chi phí. Vui hơn là nuôi gà dược liệu không phải lo đầu ra, gà không phải mang ra chợ như mấy giống gà nuôi công nghiệp khác" - ông Hưng hào hứng nói.

Hiện nay, mô hình chăn nuôi gà dược liệu của gia đình ông Hưng đang phát triển tốt với quy mô đàn khoảng 6.000 con, tổng diện tích chuồng trại 2.500m².

Hằng năm, gia đình ông có thu nhập khoảng 200 - 300 triệu đồng từ chăn nuôi gà dược liệu. Để nâng cao giá trị cho gà thảo dược, ông Hưng còn liên kết với các hộ dân trên địa bàn thành lập tổ hợp tác chăn nuôi gà dược liệu thôn Tân Tiến.

Ông Hưng bày tỏ mong muốn được hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng quy mô. Tuy sản phẩm gà dược liệu của gia đình rất được ưa chuộng, nhưng khách hàng chủ yếu là khách quen.

Do đó, ông mong chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể hỗ trợ quảng bá sản phẩm gà dược liệu cũng như hỗ trợ đầu ra sản phẩm.

Theo BÙI MI/ DÂN VIỆT 

Các tin khác