Trồng dưa lưới trong nhà màng: Đầu tư cao, lợi ích lớn

Đầu tư cao, lợi ích lớn

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều hộ dân, trang trại thực hiện mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt. Các mô hình đang từng bước được phổ biến và nhân rộng nhờ hiệu quả kinh tế cao, sản phẩm lại an toàn cho người sử dụng.

Tại huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên), trang trại trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của anh Trần Thế Trường (xóm Na Long, xã Hóa Trung) đã mở ra hướng phát triển nông nghiệp mới cho địa phương.

Trang trại dưa lưới của anh Trần Thế Trường tại xóm Na Long, xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ. Ảnh: Quang Linh.
Trang trại dưa lưới của anh Trần Thế Trường tại xóm Na Long, xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ. Ảnh: Quang Linh.

Anh Trường kể cho biết vốn có nhiệt huyết và đam mê với nông nghiệp từ nhỏ, trước kia anh từng canh tác nhiều mô hình cây trồng khác nhau nhưng đều chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Sau khi tìm hiểu kỹ thuật trồng dưa lưới trong nhà màng tại tại các địa phương, trên báo chí, hội thảo khoa học…, anh đã quyết định vay vốn, mạnh dạn đầu tư 1 tỷ đồng xây dựng hệ thống nhà màng, hệ thống tưới tiết kiệm, hạt giống… trên diện tích 3.000m2.

Hạt dưa lưới gieo từ 7 - 10 ngày sẽ xuất hiện lá thứ 2. Quá trình sinh trưởng, phát triển của cây dưa lưới khoảng 75 ngày tuổi sẽ cho thu hoạch, sau mỗi vụ thu hoạch thì ngưng khoảng 2 tuần để vệ sinh và có thể sản xuất liên tục 4 vụ/năm mà không cần phụ thuộc điều kiện thời tiết.

Hiện nay, anh Trường không chỉ trồng dưa lưới mà còn trồng xen canh dưa baby để có nguồn thu ổn định và phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng từng giai đoạn trong năm.

Nhờ chăm sóc đúng quy trình, theo dõi chặt chẽ chế độ dinh dưỡng, tình hình sâu bệnh hại nên dưa lưới của trang trại phát triển tốt. Chỉ sau 2,5 tháng trồng, mỗi nhà màng rộng 700m2 cho thu hoạch 2,2 - 2,5 tấn trái, trọng lượng mỗi trái khoảng 1,2 - 1,6kg, giá bán buôn khoảng 26.000 đồng/kg.

Hạn chế sâu bệnh hại, giảm chi phí

Hệ thống nhà màng trồng dưa lưới của anh Trường có nhiều ưu điểm vượt trội, giúp chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập. Nhờ thực hiện tốt chế độ dinh dưỡng và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên sản phẩm luôn đảm bảo an toàn.

Các luống dưa được trồng trong các chậu giá thể đặt trên đất có phủ nilon trong nhà màng nên ngăn chặn được các loại côn trùng, hạn chế sâu bệnh gây hại, nhờ đó cây dưa sinh trưởng, phát triển tốt.

Hệ thống tưới tiết kiệm giúp giảm công lao động, tiết kiệm phân bón... Ảnh: Quang Linh.
Hệ thống tưới tiết kiệm giúp giảm công lao động, tiết kiệm phân bón... Ảnh: Quang Linh.

Đặc biệt, chủ trang trại cũng rất lưu tâm đến việc vệ sinh mái che để đảm bảo cây hấp thụ được ánh sáng tốt nhất.

Để có được những quả dưa to đều, căng tròn và đảm bảo độ ngọt, anh Trường phải chăm sóc, bón phân kết hợp với tưới nước được vận hành tự động thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt đến từng chậu, được điều chỉnh phù hợp với mỗi giai đoạn sinh trưởng của cây. Khi cây ra quả chỉ để lại mỗi gốc một quả nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng.

"Lợi ích canh tác trong nhà màng là rất nhiều, tuy nhiên song hành với đó là vốn đầu tư lớn. Thời gian tới, tôi mong muốn được mở rộng quy mô trang trại thêm 1.000m2. Hi vọng cơ quan chức năng cùng chính quyền địa phương đồng hành và có sự hỗ trợ để tôi phát triển quỹ đất canh tác", anh Trường mong muốn.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của anh Trần Thế Trường tại huyện Đồng Hỷ đã mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Đây cũng là cơ hội giúp nông dân trong khu vực học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận với kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Theo QUANG LINH/ NNVN 

Các tin khác