Mãng cầu xuất ngoại nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ
HTX Dịch vụ nông nghiệp Minh Trung (HTX Minh Trung) ở xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh có tuổi đời còn khá non trẻ khi mới thành lập được 2 năm nay. Tuy thành lập chưa lâu nhưng HTX Minh Trung đã nhanh chóng tạo lập được chỗ đứng trên thị trường mãng cầu trong nước nhờ tổ chức sản xuất mãng cầu theo các tiêu chuẩn an toàn, hướng hữu cơ. Anh Lê Minh Trung, Giám đốc HTX Minh Trung chia sẻ, trong 2 năm qua, HTX đã liên kết với 127 thành viên với diện tích sản xuất mãng cầu hơn 600ha, sản lượng cung cấp ra thị trường hơn 5.400 tấn/năm. Toàn bộ diện tích mãng cầu của HTX đều được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, được bao trái để cách ly thuốc bảo vệ thực vật và ngăn ngừa côn trùng. Trong hơn 600ha mãng cầu của HTX Minh Trung, 100ha đã sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với sản lượng 3.000 tấn/năm. Nhận thấy sự quan tâm của người tiêu dùng về nông sản an toàn, chất lượng cao và nhu cầu ngày càng tăng với những sản phẩm này, gần đây, HTX Minh Trung đã có định hướng chuyển dần sang sản xuất mãng cầu theo hướng hữu cơ. Trước mắt, HTX Minh Trung đã chuyển sang sản xuất mãng cầu theo hướng hữu cơ trên diện tích khoảng 30ha. Các sản phẩm mãng cầu sản xuất theo hướng hữu cơ của HTX đã nhanh chóng được thị trường đón nhận, đánh giá cao. Ngoài thị trường nội địa, HTX đã bắt đầu xuất khẩu được mãng cầu. Để thành công trong việc sản xuất theo hướng hữu cơ trên diện tích 30ha, thời gian qua, HTX Minh Trung đã có sự chuẩn bị kỹ càng về phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Anh Lê Minh Trung cho biết, HTX có may mắn là các thành viên và nhân sự là những người còn trẻ, năng động và nhiệt huyết. Những người trẻ của HTX rất say mê tìm tòi những sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo hướng hữu cơ, sinh học. Với niềm đam mê đó của những người trẻ, thời gian qua, HTX Minh Trung đã chú trọng áp dụng nông nghiệp tuần hoàn vào sản xuất. Cụ thể, HTX thu mua những phế phẩm nông nghiệp sẵn có ở địa phương như phân bò, cá tạp đánh bắt từ hồ Dầu Tiếng, mật rỉ đường từ nhà máy mía đường… Các loại phế phẩm này được ủ bằng chế phẩm vi sinh vật bản địa (IMO) để sản xuất ra những loại phân hữu cơ và chế phẩm bảo vệ thực vật sinh học có hiệu quả tốt trong sản xuất mãng cầu. Trong đó, mật rỉ đường được chế biến thành phân bón lá, đạm cá tạo ra phân bón gốc với hàm lượng dinh dưỡng cao, khi sử dụng thêm các loại thảo dược như gừng, sả, ớt... sẽ tạo ra chế phẩm bảo vệ thực vật sinh học có hiệu quả. Cách ủ phế phẩm nông nghiệp bằng IMO để tạo ra phân bón hữu cơ, chế phẩm bảo vệ thực vật sinh học đã được HTX hướng dẫn cho các thành viên thực hiện một cách thành thạo. Qua đó, giúp các thành viên HTX mạnh dạn sản xuất mãng cầu theo hướng hữu cơ mà không sợ bị mất mùa, giảm năng suất so với khi còn sản xuất bằng các loại phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Bên cạnh đó, HTX đẩy mạnh áp dụng các biện pháp vật lý như tiến hành bao trái, dùng bẫy côn trùng… nhằm gia tăng khả năng bảo vệ trái mãng cầu trước nhiều loại côn trùng gây hại bằng các biện pháp không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Theo SƠN TRANG - TRẦN PHI/ NNVN |
- Triển vọng mô hình trồng rau quả không dùng đất
- Giống gà tre do một anh nông dân Tiền Giang kỳ công lai tạo, nhân giống khiến cả làng phục lăn
- Tay ngang làm nông nghiệp, thanh niên 9X thành 'trùm' ốc nhồi
- Nuôi con đặc sản hiền khô, "bơi đủng đỉnh", một chị nông dân Long An bắt bán 50.000 đồng/kg
- Nuôi loài thú vốn là con động vật hoang dã "nhát như cáy", ông nông dân Phú Yên giàu hẳn lên
- Nuôi vịt công nghệ cao mỗi năm lãi 600 triệu đồng
- Trồng na Thái bền vững trên đất dốc, thắng ngay vụ quả bói
- Nuôi tôm siêu thâm canh ở Trà Vinh kiểu gì mà dân xúc lên toàn con bự, tiền lời cao gấp 7-10 lần?
- Nuôi gà đen bản địa ngày càng hiệu quả
- Thứ rau ham "nghịch nước" này trồng tốt um ở nơi này của Bạc Liêu, nhổ bán lãi gấp 5-7 lần so với trồng lúa