Cho loài gà tre ăn trùn quế, đẻ ra quả trứng bé thôi, anh nông dân Lâm Đồng bán giá cao vẫn khối người mua

Hàng trăm tấn phân từ gia súc thải ra đang gây sức ép mạnh mẽ lên môi trường nông thôn. Và, xử lý những vấn đề môi trường ấy đang được nông dân Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) thực hiện rất tốt với một vật nuôi đơn giản: con trùn quế.

Anh Ngô Phạm Quốc Trung, Tổ dân phố 31, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) đang thực hiện mô hình khép kín nuôi trùn quế - chăn nuôi gà đặc sản.

Anh Quốc Trung chia sẻ, trước đây anh cũng chăn nuôi một vài vật nuôi khác nhau. Nhận thấy nhu cầu được thưởng thức các sản phẩm nông nghiệp đặc sản, anh đã chọn nuôi gà tre lấy trứng. Con gà tre của anh được nuôi trong điều kiện giống như tự nhiên, gà thả rông, chỉ ăn lúa, bắp, rau.

Để có thức ăn cho gà, anh Quốc Trung trồng rau cải, rau muống… để bầy gà được sử dụng rau hằng ngày. Tuy nhiên, để bổ sung lượng đạm, canxi cho gà, anh Quốc Trung chọn một vật nuôi: con trùn quế.

“Gà nuôi mà không có côn trùng thì thiếu dưỡng chất, chất lượng trứng không tốt. Vì vậy, tôi chọn nuôi trùn quế trên khay để gà được ăn trùn. Trùn được nuôi bằng gốc rau thừa, vỏ, thịt trái cây hư do gia đình có nghề làm sinh tố. Nuôi trùn rất dễ, con trùn xử lý rau, quả dư thừa lớn nhanh, gà ăn trùn đầy đủ dinh dưỡng, đẻ rất tốt”, anh Trung chia sẻ.

Hiện tại, anh Ngô Phạm Quốc Trung đang nuôi hơn 50 con gà tre chuyên lấy trứng. Những quả trứng gà tre nhỏ xíu được anh cung cấp cho thị trường với giá 5 ngàn đồng/quả.

Theo anh Quốc Trung, nuôi trùn xử lý rau, trái cây dư hỏng, sau đó dùng trùn cho gà tre ăn đã mang lại một mô hình kinh tế xoay vòng hiệu quả và sạch sẽ, gia đình dễ dàng xử lý trái cây dư thừa. Đồng thời, lượng phân gà qua ủ men được bón cho vườn rau, giúp vườn rau xanh tốt, đủ lượng rau cho gà ăn hằng ngày.

Anh Quốc Trung đang tiến hành mở rộng mô hình nuôi gà tre tự nhiên lấy trứng. Theo anh, nuôi trùn quế, nuôi gà tre là một mô hình hiệu quả với những người nông dân có vườn.

Không chỉ có gia đình anh Ngô Phạm Quốc Trung, hàng trăm nông hộ trên địa bàn huyện Đức Trọng đang tích cực mở rộng quy mô nuôi dưỡng con trùn quế. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Trọng cho biết, Đức Trọng là một trong những vùng trọng điểm chăn nuôi bò sữa của Lâm Đồng.

Có thể nói áp lực môi trường lên vùng nông thôn Đức Trọng khá lớn, đặc biệt là trong chăn nuôi. “Nhiều năm qua, toàn huyện Đức Trọng cũng như Hội Nông dân chúng tôi đã tìm mọi phương pháp để tăng cường xử lý môi trường, bảo vệ nông thôn, xây dựng một nền nông nghiệp xanh.

Theo thống kê, tới đầu tháng 10/2024, Đức Trọng có đàn bò sữa trên năm ngàn con, gây ra một áp lực rất lớn cho môi trường do chất thải của các trang trại bò”, ông Nguyễn Ngọc Tuấn thừa nhận. Tuy nhiên, một hướng mở đã cho thấy việc xử lý chất thải từ các trang trại bò sữa bằng trùn quế đồng thời mang lại một nguồn lợi cho người nông dân.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, trên địa bàn huyện Đức Trọng hiện có hàng trăm mô hình xử lý chất thải từ các trang trại bò sữa bằng việc nuôi trùn quế. Có nhiều trang trại ở quy mô lớn, đủ khả năng xử lý hàng trăm khối phân một tháng.

Điểm mạnh của việc nuôi trùn quế xử lý chất thải từ bò là con trùn quế sử dụng phân rất nhanh, biến lượng phân bò tươi thành lượng phân trùn giàu dinh dưỡng, cây trồng dễ hấp thụ, được thị trường ưa chuộng.

Những mô hình lớn như trại nuôi trùn quế của anh Trần Hữu Nguyễn, xã Ninh Gia, ông Lê Văn Thạnh, xã Hiệp Thạnh... xử lý phân bò tươi ở quy mô lớn, sản xuất hàng chục tấn phân trùn có giá trị kinh tế cao. Ngoài các trang trại lớn, nhiều nông hộ tại vùng nuôi bò sữa đã tự xây dựng các trại nuôi trùn quế nhỏ, tự xử lý phân được thải ra từ trang trại bò gia đình.

Quy mô lớn của trang trại trùn quế ông Lê Văn Thạnh, xã Hiệp Thạnh đã tạo thành liên kết lớn. Theo đó, các nông dân nuôi bò lân cận sẽ đem phân tới cung ứng cho trại nuôi trùn quế của ông Thạnh.

Lượng phân trùn quế được đưa vào chế biến, đóng gói và cung ứng rộng rãi trong tỉnh cũng như các địa phương trồng rau, hoa toàn quốc. Đây là một mô hình đã cho thấy thành công trong việc liên kết chặt chẽ giữa chăn nuôi và xử lý môi trường.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, hiện tại, lượng phân bò đang được các trang trại trên địa bàn xử lý đạt khoảng 20% so với tổng lượng phân hằng ngày. Và, Hội Nông dân huyện Đức Trọng đã tích cực thúc đẩy nông dân, chuyển giao kĩ thuật, triển khai các dự án bảo vệ môi trường từ địa phương tới Trung ương để người nông dân tiếp cận được với các kĩ thuật xử lý môi trường mới, hiệu quả.

Sự hỗ trợ của địa phương, sự cố gắng của nông dân đang giúp vấn đề môi trường ngày càng được giảm thiểu ô nhiễm. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định: “Mục tiêu của chúng tôi là hướng tới một nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ.

Chính vì vậy, nuôi các con vật có ích như trùn quế, sâu canxi sẽ là một trong ưu tiên của Hội để giúp hội viên, nông dân xử lý môi trường theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn, mang lại lợi ích cho người nông dân đồng thời bảo vệ môi trường bền vững”.

Theo DIỆP QUỲNH/ BÁO LÂM ĐỒNG 

Các tin khác