Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Chung bên lò ấp trứng. Ảnh: Đinh Thanh Huyền.
Ông Chung bên lò ấp trứng. Ảnh: Đinh Thanh Huyền.

Ông chính là người đi đầu trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở xã Thụy Lâm này, tạo điều kiện cho nhiều hộ khác cùng phát triển nghề chăn nuôi gia cầm, tạo nền tảng kinh tế vững chắc, cùng mọi người chung sức xây dựng nông thôn mới. Khi thấy cơ sở sản xuất ấp trứng của mình ở trong làng chật chội quá nên đã ra ngoài đồng đầu tư 3 ha trang trại năm 2004. Trước đây lúc còn ấp trứng theo kiểu thủ công ông phải rất cầu kỳ như rang trấu trong một cái chảo to và đưa vào các túi lưới rồi quây cót, bỏ trứng vào. Nhiệt độ toàn lấy theo kinh nghiệm chứ không có máy móc gì, muốn đo xem trứng đủ nhiệt độ hay chưa thì chủ lò phải nhắm mắt lại rồi áp quả trứng vào, nếu đạt khoảng 37 độ C thì vừa, còn nóng hơn đến mức rát mắt là thừa nhiệt, nguội hơn là thiếu nhiệt. Sau khi ấp khoảng 18 ngày, phải bỏ trứng xuống sàn nhà, dưới trải trấu, trên đắp chăn bông.

Khi ra ngoài đồng thuê đất, đầu tư xong cơ bản các công trình trong trang trại thì vợ chồng ông Chung cũng hết sạch số vốn dành dụm, tích lũy biết bao nhiêu năm. Lúc bấy giờ họ phải vay mượn tứ tung để khôi phục được nghề ấp trứng bằng cách mua gà, vịt giống về nuôi đẻ rồi lấy trứng của chúng để sản xuất.

Giống ông sản xuất luôn đảm bảo chất lượng. Ảnh: Dương Đình Tường.
Giống ông sản xuất luôn đảm bảo chất lượng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Sống chết vì nghề, ông Chung thường dặn các con của mình rằng sản xuất con giống gia cầm có thể lệch nhau về giá chứ không cho phép lệch về chất lượng. Giá bán cao hay thấp là do thị trường quyết định, còn chất lượng giống thì mình phải đảm bảo. Nói đực cái thì phải rõ ràng là đực cái, nói giống Lương Phượng, Đông Tảo hay gà ta là phải rõ ràng là những giống ấy, không được lẫn lộn, nói trọng lượng của con giống trong tương lai cũng phải được bảo đảm rõ ràng…Từ đó mà cơ sở của ông Chung xây dựng được uy tín trên thị trường...

Có được bao nhiêu tiền lãi ông lại đầu tư hết vào nâng cấp cơ sở xuất, hiện đã trị giá nhiều tỷ đồng và khép kín, hiện đại, không còn ấp trứng bằng cách trấu hun thủ công như xưa nữa mà dùng tất cả bằng điện, đủ nhiệt là tự ngắt, thiếu nhiệt là tự cấp vào. Trước đây, 5 ngày mới nở được vài trăm con nhưng hiện nay 3 ngày nở gần 2 vạn con, cả gà lẫn vịt. Nhờ có mặt bằng rộng rãi, trang trại tự chủ hoàn toàn về nguồn trứng với các giống gà thuần như Hồ, Đông Tảo, Mía hay lai với mái Lương Phượng, còn vịt là giống của Pháp, trọng lợn lớn, tỷ lệ nạc cao do có một phần dòng máu từ ngan.

Trước đây, thụ tinh tự nhiên, thời tiết mát, cao điểm chỉ đậu được 75-80%, nếu thời tiết nóng chỉ đậu được 60-65%, giờ tất cả đều được thụ tinh nhân tạo luôn đạt đậu được 90-95%. Hơn thế nữa, 1.000 con mái trước đây thụ tinh tự nhiên cần 100 con trống, giờ nhờ thụ tinh nhân tạo đã rút xuống chỉ còn vài chục. Kỹ thuật mới này là do ông khuyên nhủ con dâu đi học bên Học viện Nông nghiệp cách đây gần chục năm bởi lúc ấy tự thấy mình đã bắt đầu tụt hậu so với một số cơ sở giống gia cầm khác khi họ nuôi trong chuồng lồng có giàn lạnh khép kín và thụ tinh nhân tạo. Nhờ đó, trung bình mỗi năm cơ sở của ông xuất ra thị trường hàng triệu con giống các loại, đem lại số lãi khoảng 1,5-2 tỉ đồng.

Ông Chung kiểm tra gà con. Ảnh: Đinh Thanh Huyền. 
Ông Chung kiểm tra gà con. Ảnh: Đinh Thanh Huyền.

Dù trong làng vẫn còn nhà, lại cách chỉ có vài trăm mét nhưng ông và gia đình toàn ở ngoài trang trại để toàn tâm, toàn ý với nghề, chỉ có ngày rằm với mồng một mới đáo về thắp hương cho các cụ trong chốc lát mà thôi. Ông tâm sự tất cả tài sản đều ở đây cả nên bản thân phải trông nom, kể cả giờ không làm trực tiếp mà đã giao cho con trai, con dâu đảm nhiệm. Từ lúc mình theo nghề ấp trứng gia cầm thấm thoắt đã là ngót 50 năm nhưng luôn học hỏi những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để áp dụng vào trong sản xuất.

Trong nghề ông luôn tâm niệm, người chăn nuôi có đạt hiệu quả thì cơ sở sản xuất giống mới sống bền vững được và ngược lại. Bởi thế giống ấp ra có những phiên không đạt chất lượng, sẵn sàng cho hủy, chấp nhận thiệt hại chứ không tham tiền bán cố, bởi làm thế là vừa hại nông dân vừa hại cho cả chính mình. Người chăn nuôi đã luôn phải chịu các biến động liên tục trên thị trường rồi nên mình phải đồng hành, giúp đỡ họ. Không chỉ bán giống, ông còn phải hướng dẫn cho bà con cụ thể từng giai đoạn chăm sóc cho gia cầm từ thắp đèn úm thế nào, không nên cho ăn lúc chúng vừa mới nở ra, còn ướt, đến lúc khô lông rồi thì phải dùng thuốc gì cho uống để nhanh hồi phục. Mỗi khi thấy một trang trại làm ăn, phát triển được thì tự trong đáy lòng mình ông đã thấy vui vì nghĩ rằng nghề mình có ích cho xã hội rồi.

Theo ĐINH THANH HUYỀN/ NNVN 

Các tin khác