Triển vọng cây ba kích tím ở vùng núi Vũ Quang

Sau 2 năm trồng và chăm sóc, cây ba kích đã cho những nhánh rễ đầu tiên. Ảnh: Ánh Nguyệt.
Sau 2 năm trồng và chăm sóc, cây ba kích đã cho những nhánh rễ đầu tiên. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Dẫn chúng tôi tham quan vườn ba kích xanh tốt rộng hơn 2ha, anh Vượng không giấu nổi niềm vui vì sau thời gian trồng và chăm sóc, cây ba kích tím đã bén rẽ và phát triển tốt trên đất đồi Vũ Quang.

Anh Vượng kể, một lần ghé thăm nhà người bạn, anh thực sự ấn tượng với mô hình trồng cây ba kích tím. Từ đó anh quyết tâm tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm về mô hình này.

Ba kích tím là cây dây leo, có thể sống lâu năm, chịu hạn tốt và ít bị sâu bệnh hại. Ảnh: Ánh Nguyệt.
Ba kích tím là cây dây leo, có thể sống lâu năm, chịu hạn tốt và ít bị sâu bệnh hại. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Sau khi tìm hiểu, anh Vượng biết cây ba kích tím dễ trồng, phát triển tốt ở các vùng đất đồi, cho năng suất củ cao, chu kỳ khai thác chỉ hơn 3 năm, trong khi chi phí đầu tư, kỹ thuật thâm canh phù hợp với điều kiện sản xuất của người dân, thị trường tiêu thụ thuận lợi. Cuối năm 2022, anh đã mạnh dạn đầu tư hơn 600 triệu đồng thuê máy móc san ủi mặt bằng, mua hơn 4 vạn cây giống về trồng thử nghiệm trên diện tích 1,5ha đất đồi bỏ hoang của gia đình.

Anh Vượng cho biết cây ba kích tím không khó chăm sóc nhưng để đạt tỷ lệ sống cao và sinh trưởng tốt đòi hỏi người trồng phải làm tốt các khâu từ chọn giống, làm đất, quản lý cỏ dại. Riêng về cây giống, anh chọn lựa kỹ cây không bị sâu bệnh, bộ rễ phát triển đầy đủ và còn nguyên bầu. Trong 2 năm đầu anh tiến hành làm cỏ, xới đất 4 - 5 lần/năm, chủ yếu bón phân chuồng ủ hoai, ngoài ra còn bón lót thêm phân NPK.

Trong 2 năm đầu, mỗi năm anh Vượng làm cỏ, xới đất 4 đến 5 lần giúp đất tơi xốp, cây và bộ rễ phát triển nhanh. Ảnh: Ánh Nguyệt.
Trong 2 năm đầu, mỗi năm anh Vượng làm cỏ, xới đất 4 đến 5 lần giúp đất tơi xốp, cây và bộ rễ phát triển nhanh. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Theo anh Vượng, thời gian bón phân, tập trung chăm sóc tốt nhất vào giai đoạn đón mùa sinh trưởng của cây, tức vào tháng 3 - 4 hàng năm. Anh cũng tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ cỏ, chỉ làm cỏ thủ công. Trong 2 năm đầu khi cây còn bé anh làm cỏ, xới đất thường xuyên, vừa tránh cỏ dại cạnh tranh dinh dưỡng, giúp đất tơi xốp, tạo điều kiện cho cây phát triển thuận lợi, giúp vệ sinh vườn trồng, hạn chế nấm bệnh phát sinh, phát triển. Qua quan sát anh thấy rễ ba kích không ăn sâu, vì vậy nếu không làm cỏ thường xuyên, để cỏ lên quá cao khi nhổ cỏ có thể ảnh hưởng đến bộ rễ của ba kích, ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây.

Vào những ngày nắng gắt, anh Vượng dùng nilon đen để phủ luống giúp giữ ẩm đất và ngăn cỏ dại mọc, đồng thời tưới nước thường xuyên để chống nóng cho cây. Vào mùa đông, anh thường xuyên tỉa cành để giúp bộ rễ phát triển mạnh.

Anh Vượng dùng nilon đen phủ luống để giữ ẩm đất và ngăn cỏ hại mọc, giúp rễ cây ba kích phát triển mạnh. Ảnh: Ánh Nguyệt.
Anh Vượng dùng nilon đen phủ luống để giữ ẩm đất và ngăn cỏ hại mọc, giúp rễ cây ba kích phát triển mạnh. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Khởi đầu với 1,5ha trồng thử nghiệm, anh Vượng thấy cây ba kích tím nhanh chóng bén rễ, sinh sôi, phát triển tốt nên tiếp tục cải tạo, mở rộng diện tích lên hơn 2ha và tiếp tục mở rộng trên diện tích vườn còn lại. Để giảm giá thành đầu tư, chủ động nguồn cây giống cho tái sản xuất và có thể cung cấp cho người dân có nhu cầu, hiện anh Vượng đã xây dựng thành công khu vườn ươm với trên 2.000 bầu giống cây ba kích tím khỏe mạnh.

Nhờ kiên trì, chịu khó học hỏi và áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, sau hơn 2 năm trồng và chăm sóc, vườn ba kích tím với diện tích hơn 2ha của anh Vượng đã sinh trưởng và phát triển tốt, bước đầu cho thấy phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. Hiện cây ba kích đã cho những nhánh rễ đầu tiên, cho thấy tín hiệu khả quan. Dự kiến cuối năm 2025, anh Vượng sẽ thu hoạch vụ đầu tiên.

Vào mùa đông, anh Vượng thường xuyên tỉa cành giúp bộ rễ ba kích tím phát triển mạnh. Ảnh: Ánh Nguyệt.
Vào mùa đông, anh Vượng thường xuyên tỉa cành giúp bộ rễ ba kích tím phát triển mạnh. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Theo tính toán của anh Vượng, giá trị kinh tế của cây ba kích mang lại khá cao, thị trường tiêu thụ lớn, nếu trồng cây ba kích thành công sẽ mang lại thu nhập cao cho người dân. Với mật độ trồng 20.000 cây/ha, mỗi cây ba kích tím dự kiến sẽ cho khoảng từ 3 - 4 củ (trọng lượng từ 1,5 - 2kg).

Ông Nguyễn Thái Học, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thọ Điền cho biết: Mô hình trồng ba kích của anh Phan Đăng Vượng là mô hình trồng cây dược liệu hoàn toàn mới trên đất Vũ Quang. Qua thời gian 2 năm triển khai, có thể thấy cây ba kích tím phù hợp với thổ nhưỡng tại đây và hứa hẹn đem lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng đi mới cho người dân miền núi.

Để chủ động nguồn cây giống, anh Vượng đã xây dựng thành công khu vườn ươm với trên 2.000 bầu giống cây ba kích tím khỏe mạnh. Ảnh: Ánh Nguyệt.
Để chủ động nguồn cây giống, anh Vượng đã xây dựng thành công khu vườn ươm với trên 2.000 bầu giống cây ba kích tím khỏe mạnh. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tích cực tuyên truyền, vận động hội viên trên địa bàn đến học hỏi, từng bước nhân rộng sản xuất khi đủ điều kiện nhằm phát triển cây dược liệu này. Đồng thời liên kết, tìm đầu ra cho sản phẩm, giúp người dân yên tâm sản xuất.

Với giá bán củ ba kích tím dao động từ 120.000 - 140.000đồng/kg như hiện nay, sau khi trừ chi phí, người trồng có thể thu về hàng tỷ đồng/ha. Lợi nhuận từ trồng cây ba kích cao hơn rất nhiều lần so với trồng cây sắn, keo, bạch đàn trên cùng một diện tích.

Theo ÁNH NGUYỆT NNVN 

Các tin khác