Nuôi thành công con đặc sản hiền khô, chỉ ăn rau, bèo, đồ bỏ đi, nông dân xã này ở Long An bán bộn tiền

 Ban đầu, chủ nhân chỉ nuôi ốc để gia đình luộc ăn cho vui, nhưng sau đó một số người đến mua để đem đi. Nhìn thấy khả năng loại ốc này đem lại lợi nhuận cao, chị quyết định đầu tư ít vốn nhưng lại vượt ngoài mong đợi, mỗi năm thu lợi nhuận gần 300 triệu đồng.

Nuôi ốc bươu đen, làm chơi mà ăn...con đặc sản
Chiều 26/12, phóng viên Dân Việt tìm đến tận nơi nuôi ốc bươu đen của hội viên phụ nữ xã Nguyễn Thị Thanh Hiền (27 tuổi, ngụ ấp Lộc Tiền, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, Long An). Không giấu nổi niềm vui, chị kể một cách hào hứng nghề "làm chơi, ăn thiệt" đem lại thành công hết sức bất ngờ.

Hội viên phụ nữ xã ở Long An nuôi ốc để luộc ăn, không ngờ đem bán thu nhập hàng trăm triệu đồng năm - Ảnh 1.

Hội viên phụ nữ xã Nguyễn Thị Thanh Hiền (27 tuổi, ngụ ấp Lộc Tiền, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) nuôi ốc bươu đen. Ảnh: Thiên Long

"Nhà có cái ao trồng rau muống, thấy ốc bươu đen thiên nhiên rất nhiều, ăn rau và sinh sản lớn lên rất nhanh. Lúc đó, tôi chỉ bắt ốc đem luộc ăn chơi, một số thanh niên địa phương thấy vậy đến mua giá rẻ đem đi. Suy nghĩ loại giống này dễ nuôi, dễ bán, tôi quyết định đầu tư", chị Hiền nói.

Không thể dùng con ốc giống ở ao nhà, đầu năm 2020, chị Hiền tìm đến tận tỉnh Hậu Giang để chọn ốc bươu đen. Do muốn thử nghiệm, chị chỉ mua 5kg giá 150.000 đồng đưa về tận vùng Cần Giuộc để nuôi cho đẻ.

Trên diện tích đất rộng, chị làm mỗi cái bể bạt diện tích 2m x 4m và thả ốc bươu đen vào đó. Thức ăn cho ốc là bèo, thực vật thân mềm, các loại rau củ quả nhưng phải sạch; không được dính thuốc trừ sâu, hóa chất. Nước trong bể bạt được thay mỗi tuần, theo đường thoát đã lắp cố định nên dễ thực hiện. Ốc nuôi trong bể bạt rất dễ chăm sóc, không tốn chi phí, lại dễ dàng theo dõi quá trình phát triển của ốc nên ngày đầu đem lại kết quả ngoài mong muốn.


Bể bạt của chị Nguyễn Thị Thanh Hiền (27 tuổi, ngụ ấp Lộc Tiền, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, Long An) phát triển rất nhiều. Ảnh: Thiên Long

Từ 2 bể bạt nuôi thử nghiệm ban đầu, đến nay, chị Hiền mở rộng quy mô nuôi với 49 bể bạt trên diện tích 1.000m2. Để chủ động nguồn thức ăn sạch tại chỗ, chị còn dành 2.000m2 trồng bèo, môn, bầu, bí… để phục vụ cho con "hái ra tiền" mỗi ngày.

Thành công vượt mong đợi của cô gái trẻ

Ốc sau khi nuôi khoảng 5 tháng có thể thu hoạch với kích cỡ 20-25 con/kg, giá bán trung bình 50.000 đồng/kg.

Thông qua các trang mạng xã hội, chị Hiền đẩy mạnh quảng bá sản phẩm kết nối với thị trường tiêu thụ tại Long An, xa hơn nữa là vài tỉnh miền Trung, đồng thời ốc "chị Hiền" lúc nào cũng hút hàng. Do đó, chị dự định thực hiện làm mô hình ốc gác bếp để phục vụ thị trường.

"Chủ nhân trẻ" còn tiết lộ, ngoài bán ốc để ăn, chị còn bán trứng ốc và ốc con cho dân mới vào nghề.

Theo chị Hiền, từ tháng 1 đến cuối tháng 7 hàng năm là ốc sinh sản với mật độ rất cao. Giá bán trứng ốc trung bình 80.000 đồng một ổ, còn bán ký là 300.000-500.000 đồng (5 ổ).

Người mua chỉ cần bỏ trứng ốc bươu đen vào thùng xốp có chứa ít nước đưa về ao thả xuống là ốc sẽ tự nở và dần lớn lên. Đối với ốc nhỏ cứ 100 đồng/con, ai muốn chọn tùy thích.

Chị Hiền cho rằng vào thời điểm này trứng nở dày đặc nên bán cho người mua càng nhiều, càng tốt và đem lại thu nhập cao cho mình.

"Nuôi ốc chỉ có lời, chưa bao giờ lỗ vốn, mỗi năm tôi kiếm tiền từ loại con "đen đen" dưới ao gần 300 triệu đồng, lại không mất quá nhiều thời gian chăm sóc. Sáng bỏ thức ăn cho ốc xong tôi đi làm, chiều về kiểm tra vệ sinh và giao thương phẩm ốc lớn cho tiệm ăn đặt hàng. Một người vừa đi làm, vừa nuôi chục bể ốc cũng nhẹ nhàng", chị cho biết.

Theo Chủ tịch Hội LHPN huyện Cần Giuộc Huỳnh Thị Tuyết Hồng, kinh phí đầu tư nuôi ốc bươu đen ban đầu thấp, chỉ 600 ngàn đồng cho 1 bể bạt diện tích 2m x 4m, kỹ thuật nuôi đơn giản. Chính vì vậy, mô hình này rất phù hợp với nhiều chị em phụ nữ vùng nông thôn. Hiện tại, huyện đã nhân rộng mô hình này cho chị em một số xã trong huyện thử nghiệm để đầu tư nghề nuôi ốc.

Theo THIÊN LONG/ DÂN VIỆT

Các tin khác