Nuôi vịt biển trên cù lao Tân Phú Đông

Vịt biển được nuôi ở vùng đất mặn Tân Phú Đông. Ảnh: Kim Nữ.
Vịt biển được nuôi ở vùng đất mặn Tân Phú Đông. Ảnh: Kim Nữ.

Tân Phú Đông là huyện giáp biển nên ngành chăn nuôi thường xuyên bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, nhất là đàn thủy cầm khó duy trì chăn nuôi trong 6 tháng mùa khô do thiếu nước ngọt để uống. Do vậy, từ năm 2016, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tiền Giang phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện tổ chức nuôi thử nghiệm vịt biển (Vịt biển 15 Đại Xuyên) tại 4 hộ dân và cho kết quả tốt.

Từ đó đến nay, vịt biển trở thành vật nuôi mang lại thu nhập ổn định cho người dân huyện cù lao giáp biển. Hiện, toàn huyện có khoảng 5.000 con vịt biển, được chăn nuôi rải rác trên địa bàn các xã Tân Phú, Phú Đông và Phú Tân.

Chị Châu Thị Kim Hiền, xã Tân Phú cho biết gia đình chị nuôi vịt biển từ năm 2020, với khoảng 500 con/vụ nuôi. Theo chị, trải qua sản xuất thực tế cho thấy vịt biển thích nghi độ mặn rất tốt, bắt đầu đẻ trứng từ 20 - 21 tuần tuổi, cho năng suất trứng khoảng 250 trứng/mái/năm. Khối lượng vịt thịt thương phẩm từ 2,26 - 2,35 kg/con. Chất lượng thịt thơm ngon nên giá bán thường cao hơn các giống vịt sử dụng nước ngọt khác.

Ông Huỳnh Văn Thuấn, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tân Phú Đông cho biết, sau nhiều năm nuôi trên vùng đất mặn Tân Phú Đông, vịt biển có khả năng uống nước có độ mặn dưới 19 phần ngàn. Tuy nhiên, nếu nồng độ mặn trong môi trường vượt quá 19 phần ngàn thì người chăn nuôi cần theo dõi kỹ, bổ sung nước ngọt thêm cho vịt uống để vịt thích nghi dần dần, không bị sốc. Đồng thời, bà con cũng cần áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và tiêm đầy đủ các loại vacxin phòng các bệnh nguy hiểm cho vịt biển giống như nuôi vịt nước ngọt.

Hội thảo về nghiên cứu sản phẩm đặc sản chăn nuôi của huyện Tân Phú Đông, trong đó có vịt biển. Ảnh: Kim Nữ.
Hội thảo về nghiên cứu sản phẩm đặc sản chăn nuôi của huyện Tân Phú Đông, trong đó có vịt biển. Ảnh: Kim Nữ.

Phòng NN-PTNT huyện Tân Phú Đông đang thực hiện đề tài khoa học “Nghiên cứu phát triển vịt biển tạo sản phẩm chăn nuôi đặc sản” bằng cách bổ sung tinh dầu sả vào thức ăn của vịt để tạo mùi hương đặc trưng cho sản phẩm thịt vịt, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, thu hút người tiêu dùng và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Bởi lẽ, cây sả là loại cây trồng thế mạnh của huyện Tân Phú Đông với diện tích trên 2.500ha. Sử dụng tinh dầu sả để nuôi vịt biển sẽ rất thuận lợi vì tận dụng nguồn nguyên liệu giá rẻ, dồi dào tại chỗ. Đồng thời, dễ dàng khuyến khích người dân mạnh dạn phát triển chăn nuôi, tăng thêm số lượng đàn vịt biển, tạo sinh kế mới theo hướng thích ứng với xâm nhập mặn.

Nhất là, tạo ra sản phẩm đặc trưng vùng miền vô cùng độc đáo, dự kiến sẽ xây dựng đạt chứng nhận sản phẩm OCOP, hứa hẹn giá bán vịt thương phẩm sẽ tăng cao hơn nữa, góp phần phát triển kinh tế cho huyện cù lao.

Theo KIM NỮ/ NNVN 

Các tin khác