Mô hình vườn - ao - chuồng - rừng, cũ mà luôn mới
Thu nhập 300 - 400 triệu đồng mỗi năm Giống như bao hộ nông dân ở huyện Văn Yên, gia đình ông Nguyễn Văn Được ở thôn Cầu Khai, xã Mậu Đông đã trải qua không ít khó khăn trong phát triển kinh tế. Trước đây, khi chỉ dựa vào chăn nuôi và trồng trọt đơn lẻ, thu nhập của gia đình ông rất bấp bênh, phụ thuộc vào yếu tố thời tiết và thị trường. Thế nhưng từ năm 2018, sau khi tìm hiểu các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững, ông Được đã quyết định thay đổi tư duy, bắt tay vào xây dựng mô hình vườn - ao - chuồng - rừng” (VACR) khép kín. Mô hình của ông Được có quy mô hơn 5ha gồm đủ 4 yếu tố vườn, ao, chuồng, rừng. Khu vườn rộng khoảng 1,5ha ông trồng gần 400 gốc bưởi và hơn 10 sào ngô, khoai lang, cỏ ngọt. Với 2 ao có diện tích mặt nước khoảng 2.500m2 ông thả các loại cá như cá trắm, chép, rô phi. Nguồn nước trong ao được dẫn từ trong khe núi, vừa nuôi cá vừa tích trữ để tưới cho các loại cây trồng trong vườn. Hệ thống chuồng trại có quy mô hơn 200m2 được xây dựng kiên cố để nuôi 15 lợn nái sinh sản và gà đẻ, gà thịt.
Để xử lý chất thải, ông Được xây hệ thống hầm biogas, vừa tạo chất đốt nấu cám cho lợn vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bao quanh khu ao vườn là diện tích rừng quế rộng khoảng 4ha được chăm sóc theo hướng hữu cơ giúp bảo vệ nguồn nước, chống xói mòn đất và là nơi kiếm ăn của đàn gà. Theo ông Được, toàn bộ diện tích chuối, ngô, khoai lang và cỏ ngọt trong vườn là nguồn thức ăn chính của đàn lợn, gà và ao cá. Chất thải chăn nuôi được xử lí qua bể biogas và ủ hoai mục làm phân bón cho vườn cây ăn quả. Nhờ đó đã giảm thiểu rất nhiều chi phí đầu tư phân bón, thức ăn chăn nuôi, góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Mô hình này mỗi năm mang lại cho gia đình ông thu nhập hơn 400 triệu đồng.
Cũng giống như gia đình ông Được, mô hình VACR với diện tích khoảng 1,5ha của nhà ông Hoàng Văn Hà ở thôn Thác Cái, xã Đông Cuông là một trong những mô hình kinh tế nông nghiệp khép kín kiểu mẫu được nhiều người đến học tập áp dụng. Toàn bộ khu ruộng vườn quanh nhà được trồng ngô, rau muống, chuối và các loại cây ăn quả như thanh long, hồng xiêm. Diện tích ao rộng gần 500m2 được sử dụng để nuôi cá và dự trữ nguồn nước tưới cho vườn cây. Khu vực chuồng trại được xây dựng kiên cố để nuôi lợn thịt và lợn nái với quy mô 50 con/lứa. Toàn bộ chất thải được thu gom vào hệ thống hầm biogas để xử lí góp phần giảm ô nhiễm môi trường và tạo chất đốt phục vụ sinh hoạt. Diện tích hơn 1ha đất rừng còn lại được trồng quế sạch để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trên địa bàn.
Ông Hà chia sẻ, 5 năm trước gia đình ông thu nhập bấp bênh vì sản xuất đơn lẻ, hiệu quả kinh tế thấp, cuộc sống thiếu thốn. Nguồn thu từ ruộng ngô, rau màu và ao cá chỉ đủ tiền sinh hoạt hàng ngày. Việc chăn nuôi lợn lứa được, lứa mất bởi chi phí mua con giống và thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá cả thị trường không ổn định. Sau khi đi tham quan, học tập một số mô hình VACR hiệu quả ở các địa phương trong và ngoài huyện, cuối năm 2018, gia đình ông đầu tư gần 200 triệu đồng để xây dựng lại chuồng trại nuôi lợn, thiết kế hầm biogas xử lý chất thải. Diện tích ao được nạo vét, sửa sang lại bờ kiên cố để tích trữ nước nuôi cá và tưới tiêu. Hiện nay, đàn lợn nái đã cung cấp đủ con giống cho chăn nuôi của gia đình, ngoài ra còn cung ứng cho một số hộ chăn nuôi địa phương. Chất thải trong chăn nuôi được xử lí, vừa tạo ra chất đốt vừa là nguồn phân bón hữu cơ cho các loại cây trồng. Ruộng ngô, chuối và rau màu là nguồn thức ăn chính của đàn lợn nái và ao cá. Mỗi năm lợi nhuận từ chăn nuôi đạt hơn 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, các sản phẩm trái cây như chuối, thanh long, hồng xiêm được khách hàng ưa chuộng vì có chất lượng, thơm ngon. Mô hình VACR của ông Hà có thu nhập ổn định gần 300 triệu đồng/năm.
Hỗ trợ nhân rộng các mô hình nông nghiệp tuần hoàn Những mô hình VACR khép kín như của gia đình ông Được, ông Hà đang xuất hiện ngày càng nhiều ở huyện Văn Yên nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung. Với đặc thù địa hình đồi núi rộng, dân cư thưa, nguồn nước dồi dào…, việc hình thành các mô kinh tế nông nghiệp theo hướng tuần hoàn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và tác động tích cực tới môi trường sinh thái. Ông Phạm Hồng Thắng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ Phát triển nông nghiệp huyện Văn Yên cho biết, những mô hình VAC, VACR đã góp phần không nhỏ vào việc phát triển nền nông xanh, sạch với nguyên lý “vườn trồng cây, ao nuôi cá, chuồng nuôi gia súc, rừng trồng quế”, cùng với một chuỗi các hoạt động liên kết với nhau để tận dụng mọi nguồn tài nguyên có sẵn. Đặc biệt, trong mô hình này, các chất thải từ hoạt động chăn nuôi và trồng trọt sẽ được tái sử dụng, tuần hoàn trong hệ sinh thái của trang trại, giảm thiểu chất thải và bảo vệ môi trường.
Cụ thể, người dân sử dụng sản phẩm chính và tận dụng phụ phẩm trồng trọt làm thức ăn cho chăn nuôi gia súc, gia cầm; sử dụng nguồn chất thải trong chăn nuôi làm phân bón trong trồng trọt và chất đốt. Nguồn thức ăn tinh, xanh dùng để chăn nuôi thuỷ sản, nguồn nước ao để vệ sinh chuồng trại, tưới cho cây trồng... Từ đó, góp phần tạo ra hệ sinh thái khép kín, gia tăng chuỗi giá trị và hiệu quả thu nhập cho nông dân. Nhờ sự đa dạng trong các hoạt động sản xuất, những mô hình VAC theo hướng tuần hoàn giúp nông dân có thể linh hoạt đối phó với những biến động về thời tiết, dịch bệnh. Khi nguồn thu nhập này gặp khó khăn, các nguồn thu nhập khác có thể bù đắp. Ông Nguyễn Đức Điển, Phó Giám đốc Sở NN-PTNN Yên Bái cho biết thêm, mô hình kinh tế VAC, VACR hình thành nhiều ở các vùng nông thôn đã giúp cho nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên khá giàu. Đồng thời, hỗ trợ nông dân tăng cường kết nối với thị trường tiêu thụ sản phẩm sạch, nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường và sử dụng tài nguyên hợp lý.
Để nhân rộng những mô hình kinh tế nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái sẽ phối hợp với các địa phương tập huấn, hướng dẫn người dân các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường. Ưu tiên phát triển các mô hình sản xuất hữu cơ, tuần hoàn. Bên cạnh đó, từ các chương trình, chính sách của Trung ương và tỉnh, sẽ hỗ trợ kinh phí để phát triển các mô hình VAC, VACR khép kín nhằm đạt được đa lợi ích về thu nhập và môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới tại các địa phương. Theo THANH TIẾN/ NNVN |
- Nông dân trồng cây ăn quả chọn giống có gốc ghép nhỏ
- Bắp cải vô chậu, thú chơi kiểng ‘không đụng hàng’
- Nuôi vịt biển trên cù lao Tân Phú Đông
- Trang trại triệu đô trên vùng đất cằn
- Trồng 3ha ớt Jalapeno, thu bói đạt gần 150 triệu đồng sau 3 tháng
- Trồng sen, thả cá rô trên ruộng trũng, thu nhập gấp 3-4 lần trồng lúa
- Đây là loại cá đặc sản bán 800.000 đồng/kg ở Đồng Tháp, dễ nhầm với cá cảnh, nghe tên nhầm sang cá biển
- Ở nơi này của Quảng Ngãi, ông nông dân nuôi thành công cá đặc sản, toàn con to bự, bán 240.000 đồng/kg
- Nuôi thành công con đặc sản hiền khô, chỉ ăn rau, bèo, đồ bỏ đi, nông dân xã này ở Long An bán bộn tiền
- Bưởi đỏ khuôn chữ "Tài Lộc" ở Mê Linh, giá nửa triệu đồng/quả vẫn hút khách hàng khắp nơi