Trồng hoa vụ đông, hái ra tiền

Niên vụ sản xuất 2024 - 2025, Hội Nông dân xã Lệ Chi phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Gia Lâm (Hà Nội) trình diễn mô hình ứng dụng công nghệ cao sản xuất một số loại hoa cắt cành. Tổng diện tích mô hình gồm 0,3ha hoa lay ơn và 0,7ha hoa lily. Các giống hoa đưa vào sản xuất tại mô hình được nhập từ Hà Lan như lay ơn Red Balance Lay 05, Chinon Lay 06; Lily Sorbonne, Robina, Roselily Isabella. Đây đều là những giống hoa cho năng suất, chất lượng cao, hợp thị hiếu người tiêu dùng trong nước.

Ruộng hoa lily của ông Phạm Văn Nghệ đã sẵn sàng phục vụ thị trường Tết. Ảnh: Hải Tiến.
Ruộng hoa lily của ông Phạm Văn Nghệ đã sẵn sàng phục vụ thị trường Tết. Ảnh: Hải Tiến.

Ngoài ra, người dân địa phương còn được Hội Nông dân huyện Gia Lâm cho vay vốn, mở rộng diện tích trồng thêm 2,2ha hoa lily và lay ơn giống Việt Hà, nâng tổng diện tích sản xuất hoa các loại lên hơn 3ha. Theo đó, vào dịp Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025, xã Lệ Chi có khoảng 400.000 cành hoa cung ứng ra thị trường, hiện bà con đang tích cực chăm sóc để hoa nở đúng vào dịp Tết, đồng thời tranh thủ quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội facebook, TikTok...

Hộ bà Nguyễn Thị Mát tham gia mô hình, trồng 1 sào (360m2) hoa lay ơn, dự kiến thu được trên 5.000 cành hoa, có thương lái trả 40 triệu đồng mua cả vườn nhưng bà Mát chưa bán vì để tới gần Tết giá hoa bao giờ cũng tăng 1,5 lần hoặc hơn, doanh thu có thể vượt ngưỡng 60 triệu đồng. Nếu bán hoa theo giá tại thời điểm này, bà Mát cũng đã có lãi 16 triệu đồng/sào hoa lay ơn trong 3 tháng vụ đông, nếu để giáp Tết bán, bà dự tính sẽ lãi trên 24 triệu đồng.

Mô hình trồng hoa lay ơn trên đất 2 lúa ở xã Lệ Chi. Ảnh: Hải Tiến.
Mô hình trồng hoa lay ơn trên đất 2 lúa ở xã Lệ Chi. Ảnh: Hải Tiến.

Ông Nguyễn Đức Luận thì luôn miệng tiếc do không đủ vốn đối ứng theo quy định để tham gia mô hình nên ông chỉ trồng được 1 sào hoa lay ơn. Ông Luận tiết lộ, địa phương có ông Nguyễn Văn Chính thắng đậm vì trồng được hơn 8 sào lay ơn cả trong và ngoài mô hình, bán vội cũng có lãi 150 triệu đồng.

"Trồng hoa lay ơn cho lợi nhuận cao, cây hoa có thể trồng trên đất 2 lúa, ít phát sinh sâu bệnh hại, đất canh tác tại địa phương cũng khá phù hợp cho trồng các loại hoa, cây cảnh,...", ông Luận cho biết.

Ông Phạm Văn Nghệ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lệ Chi cho biết, nhờ được Hội Nông dân huyện Gia Lâm hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất và được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp của huyện tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật kết hợp với trình diễn mô hình thực tế nên vụ đông năm nay toàn xã có 13 hộ khởi nghề trồng hoa, tăng 10 hộ so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, vốn vay cơ bản chỉ ưu tiên cho các hộ trồng hoa trong mô hình và những hộ trồng hoa lily nhằm thúc đẩy mở rộng sản xuất hoa.

Mặt khác, các hộ trồng hoa trong mô hình được hỗ trợ 40% vật tư sản xuất nên việc đầu tư của bà con cũng nhẹ hơn vì củ giống hoa lily rất đắt, phải có nhà lưới mới có thể sản xuất thành công loại hoa cao cấp này.

Hoa lay ơn ở Lệ Chi sẽ cho thu hoạch từ 15 tháng Chạp tới Tết Nguyên Đán Ất Tỵ. Ảnh: Hải Tiến.
Hoa lay ơn ở Lệ Chi sẽ cho thu hoạch từ 15 tháng Chạp tới Tết Nguyên Đán Ất Tỵ. Ảnh: Hải Tiến.

Ngoài phối hợp cùng cán bộ chuyên môn của huyện và Thành phố, tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện tốt mô hình và mở rộng diện tích trồng hoa, ông Nghệ còn cùng gia đình trồng gần 1,5ha hoa các loại.

Theo ông Nghệ, khó nhất trong sản xuất hoa vụ đông là phải điều chỉnh kỹ thuật trồng, chăm sóc sao cho hoa nở đúng vào ngày mồng 1 Tết Nguyên Đán, nếu đảm bảo tốt được khâu này, canh tác 1 sào hoa lily sẽ cho lãi khoảng 50 triệu đồng. Nhờ trồng hoa lâu năm nên trong vụ đông này, ông Nghệ dự kiến sẽ có lãi trên 1 tỷ đồng từ sản xuất hoa lily và lay ơn.

Đồng ruộng xã Lệ Chi mỗi năm gieo cấy 2 vụ (vụ lúa xuân và vụ mùa), trồng lúa hiện nay có lãi không đáng kể, trong khi vụ đông được coi là hái ra tiền thì ruộng gần như bỏ trắng. Đây là bất cập rất lớn, không phải mọi người không biết mà tư duy "ăn chắc, mặc bền, dễ làm, khó bỏ" đã ăn sâu vào nếp nghĩ của nhà nông, rất khó thay đổi. Vì vậy, việc các cấp ngành thành phố Hà Nội có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất được coi là kịp thời, đúng hướng, bước đầu đã thúc đẩy được một số hộ dám nghĩ, dám làm, mở rộng diện tích trồng các dòng hoa mới, đạt hiệu quả sản xuất cao.

"Để có được bình hoa lay ơn đẹp chơi được lâu trong những ngày Tết, cần chọn mua những cành hoa còn nguyên vẹn, bao gồm cả củ, không dập nát, trầy xước, không bị sâu bệnh, nhất là bệnh khô đầu lá sinh lý, sau mang về lặt bớt một số lá gốc, dùng dao sắc cắt vát loại bỏ gốc cành tới vị trí phù hợp rồi cắm ngay vào bình nước sạch, mỗi ngày một lần thay nước mới, kết hợp rửa sạch nhớt ở vết cắt cành và phần thân cành ngập trong nước.

Có thể pha 2 thìa đường trắng hoặc 1/4 lon nước ngọt có gas vào bình nước cắm hoa hay hoà 2 muỗng nước cốt chanh, giấm táo vào 1 lít nước dùng cắm hoa, cũng có thể nghiền mịn 1 viên B1 đổ vào bình nước cắm hoa. Những cách này giúp kéo dài tuổi thọ của hoa cắt, giữ cho sắc hoa luôn thắm, đẹp", TS Nguyễn Văn Tỉnh, Giám đốc Trung tâm Hoa, cây cảnh - Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cho biết.

Theo YÊN HƯNG/ NNVN 

Các tin khác