Ở Hậu Giang trồng thành công "rau vua", dân cắt bán 80.000 đồng/kg

Chuyển đổi và đa dạng hình thức canh tác theo hướng hữu cơ cũng như sử dụng các giống cây chất lượng cao trong sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế là hướng phát triển có trọng tâm, trọng điểm được Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang triển khai thực hiện.

Đặc biệt, mô hình trồng măng tây theo tiêu chuẩn VietGAP và theo hướng hữu cơ tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang khẳng định đây là một hướng đi có triển vọng lớn trong tương lai.

Với mục đích xây dựng mô hình sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao theo hướng hữu cơ tại Khu nông nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao Hậu Giang, nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng năng suất, giá trị, bền vững về môi trường, tăng thu nhập cho nông dân thông qua phối hợp liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cùng với các doanh nghiệp trong Khu NNƯDCNC Hậu Giang.

Từ tháng 8-2022, đơn vị này đã xây dựng mô hình sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao theo hướng hữu cơ với quy mô 2.000m2, trong đó 1.000m2 trồng xà lách xoăn và 1.000m2 măng tây. Để người dân nắm bắt kiến thức và có thể tự sản xuất theo quy trình, Ban Quản lý Khu NNƯDCNC đã tổ chức lớp tập huấn về quy trình trồng măng tây với 40 người dân tham gia.

Theo đó, các hộ dân được tập huấn, trao đổi thông tin, trang bị kiến thức cả lý thuyết và thực hành về áp dụng công nghệ cao vào kỹ thuật trồng măng tây theo tiêu chuẩn VietGAP và theo hướng hữu cơ. Ngoài ra, mô hình là điểm để người dân tham quan học hỏi, trao đổi kinh nghiệm.

Tiến sĩ Đỗ Thị Xuân, Chủ nhiệm đề tài Xây dựng mô hình sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao theo hướng hữu cơ tại Khu NNƯDCNC Hậu Giang, chia sẻ: Măng tây là sản phẩm rau sạch nên đòi hỏi người nông dân phải tuân thủ nghiêm các quy trình kỹ thuật trong việc trồng và chăm sóc.

Theo đó, cây trồng phải được canh tác ở những nơi nhiều nắng và thông thoáng, mỗi hàng đều có khoảng cách thích hợp.

Điều kiện sinh trưởng tốt nhất ở nhiệt độ 25-30ºC, thích hợp trồng trên các chân đất nhẹ, có độ mùn cao. Khi chăm sóc cây, không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học và phải đảm bảo nước tưới sạch để giữ ẩm, giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt.

Đặc biệt, trồng măng tây phải chịu khó chăm bón khi cây còn nhỏ, còn lúc cây phát triển thì việc chăm sóc sẽ dễ dàng hơn.

“Cây măng tây có ưu điểm là chu kỳ sống kéo dài đến hơn 15 năm, trồng một lần nhưng cho thu hoạch nhiều năm và năng suất sẽ tăng dần qua các năm. Do đó, nếu chăm sóc tốt, cây có thể thu hoạch đều đặn trong vòng 7-8 năm và mỗi năm cây măng tây có thể cho thu hoạch khoảng 3-4 lứa, mỗi lứa kéo dài từ 2-3 tháng. Điều này giúp nâng cao hiệu quả kinh tế của người trồng”, tiến sĩ Đỗ Thị Xuân cho biết.

Hiện nay, diện tích 1.000m2 đất trồng măng tây tại Khu NNƯDCNC Hậu Giang đã đạt được chứng nhận VietGAP. Năng suất măng tây trung bình đạt 0,5 tấn/năm, giá bán ổn định khoảng 80.000 đồng/kg.


Với những hiệu quả mang lại, mô hình trồng măng tây theo tiêu chuẩn VietGAP và theo hướng hữu cơ tại Khu nông nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao Hậu Giang được kỳ vọng là hướng đi mới đầy triển vọng.

Măng tây xanh là cây dễ trồng, kỹ thuật chăm sóc không phức tạp lại có giá trị dinh dưỡng cao và áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên được người tiêu dùng rất ưa chuộng, giá bán vì thế cũng ổn định và cao hơn so với nhiều loại cây trồng truyền thống.

Ông Hồ Ngọc Bình, Giám đốc HTX rau an toàn xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) tâm sự: “Tuy là mô hình mới, nhưng theo tôi mô hình măng tây này rất có triển vọng bởi vì không chỉ giúp người nông dân làm giàu mà còn mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân, tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn cho người tiêu dùng.

Sau khi được hướng dẫn quy trình trồng và sản xuất măng tây theo tiêu chuẩn VietGAP và theo hướng hữu cơ, gia đình tôi định hướng sẽ phát triển loại cây trồng này trước hết tại nông hộ, sau đó sẽ nhân rộng ra cho các thành viên của HTX”.

“Mặc dù khá mới mẻ đối với nông dân ở Hậu Giang, nhưng mô hình được đánh giá rất tiềm năng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, dài lâu và thân thiện môi trường, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Đây là tiền đề quan trọng để địa phương phát triển mô hình mới, mang lại hiệu quả kinh tế, giúp nông dân tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để có thể triển khai mô hình này trồng thực tế tại hộ dân”, ông Nguyễn Hoàng Thoại, Giám đốc Ban Quản lý Khu NNƯDCNC Hậu Giang, thông tin.

Theo Y LINH/ BÁO HẬU GIANG 

Các tin khác