Thời điểm này, đây là nghề hot ở Thanh Hóa, cứ xong ngày kiếm đầy 500.000 đồng

Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán 2025, không khí lao động trên những cánh đồng quất cảnh tại huyện Triệu Sơn đang trở nên tất bật hơn bao giờ hết.

Kẻ bán, người mua, xe tải, xe container nối đuôi vào lấy hàng khiến không khí những ngày cuối năm trở nên tấp nập.

Không chỉ nhà vườn vui mừng vì quất bội thu mà người bốc vác quất thuê cũng phấn khởi vì có thêm nhiều việc dịp cuối năm.

Gia đình ông Hoàng Ngọc Giang ở thôn 3, xã Hợp Tiến, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa năm nay trồng hơn 200 gốc quất thế trên diện tích 1.100m2. Thời điểm ngày 13/1, khi PV có mặt, thương lái từ Hà Tĩnh vừa đi xe container tới tận vườn để thu mua 100 gốc quất nhà ông.

"Họ mua số lượng nhiều nên tôi bán với giá 1 triệu/cây quất cảnh, còn khách mua lẻ thì mình bán với giá từ 1,2 – 1,5 triệu đồng/cây.

Từ đầu vụ đến giờ, số người hỏi mua nhiều lắm, nhưng vườn mình năm nay trồng ít, nên cũng không dám nhận nhiều. Đến chiều nay (13/1), vườn quất của tôi còn khoảng 30 gốc chưa có chủ, dự kiến trong vài ngày nữa, khách đến tận vườn mua lẻ thì chắc sẽ hết", ông Giang nói.


Đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu có cá đặc sản đẹp hơn cá linh, 2 cái ngạnh như nanh heo rừng

Nhiều chủ vườn quất tại huyện Triệu Sơn cho biết: Năm nay, do các địa phương ở miền Bắc bị ảnh hưởng nặng nề do bão Yagi nên số lượng quất cảnh giảm mạnh, dẫn đến thị trường khan hàng, thương lái từ miền trong và miền ngoài đổ xô về Thanh Hóa thu mua quất nên giá quất cũng nhỉnh hơn mọi năm.

Anh Nguyễn Văn Long ở xã Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, thương lái thu mua quất cho biết: Do trên địa bàn tỉnh không có vùng trồng quất cảnh lớn, tập trung nên các thương lái thường đi ra khu vực Thanh Hóa và các tỉnh phía Bắc như Hưng Yên, Nam Định… để lấy hàng.
Vào tháng 11/2024, tôi xuống tận các vườn ở Triệu Sơn để xem quất, thấy khá đẹp nên tôi chốt mua 100 cây quất thế ở đây.

Hiện tại, khi cao tốc Bắc – Nam từ Hà Tĩnh đến Thanh Hóa gần như đã thông suốt nên việc vận chuyển hàng khá thuận lợi, chi phí giảm, nếu mang về bán được giá, sẽ có lời khoảng vài chục triệu đồng.

Để việc chuyển hàng từ vườn lên xe nhanh nhất có thể, các chủ vườn quất ở Triệu Sơn những ngày này tích cực tìm người bốc vác, trả công từ 500 – 700 nghìn đồng/ngày.


Nông dân ven sông La ở Hà Tĩnh trồng rau Tết, bắp cải to ú ụ, rau mùi thơm khắp đồng

Ông Hà Văn Thi ở thôn 3, xã Hợp Tiến, huyện Triệu Sơn cho biết, do nhu cầu mua bán quất cuối năm tăng mạnh, ông được các chủ vườn thuê đào, đánh bầu, gánh quất lên xe.

"Do có kinh nghiệm trồng đào, quất và cây cảnh nên mỗi dịp cuối năm, các chủ vườn lại gọi tôi đi làm giúp họ. Công xá thì tùy theo số lượng chủ vườn bán được bao nhiêu cây trong ngày, thường dao động trong mức khoảng 600 nghìn đồng/ngày công. Từ cuối tháng 12/2024 đến nay, tôi làm gần như liên tục, dự kiến đến khi quất đi hết chắc cũng giắt túi được hơn chục triệu để gia đình sắm Tết", ông Thi nói.

Cũng theo ông Thi, việc bốc vác quất thường là người dân địa phương hoặc lao động phổ thông ở các nơi khác tìm đến.

Thợ bốc vác quất thường được chia theo nhóm nhỏ từ 4-6 người, có người đứng đầu giúp liên hệ công việc và đàm phán giá trước.

Chị Lê Thị Vân ở xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn một trong số ít phụ nữ làm nghề phu quất ở đây cho biết: Chị không làm công nhật như một số lao động mà lấy công theo từng cây mà mình bốc vác.

"Việc ai trả tiền công cho mình phụ thuộc vào giao dịch giữa thương lái và chủ vườn, có khi mình nhận của bên này, có khi là bên kia.

Bởi thế, tôi thường lấy công theo từng cây vác lên xe, giao động từ 30 – 50 nghìn đồng/cây, mỗi ngày ước tính cũng được từ 300 – 500 nghìn đồng", chị Vân nói.

Theo chị Vân, việc bốc quất phải đảm bảo bầu quất không bị vỡ, cành không bị gãy, quả không rơi quá nhiều trong quá trình bốc lên xe. Để làm được điều này, các "phu" quất cần sự tỉ mỉ và thận trọng mới hy vọng mùa sau chủ sẽ thuê tiếp.

Theo HỮU DỤNG/ DÂN VIỆT 

Các tin khác