Dưa bao tử, hy vọng mới cho vụ đông Sơn La

Dọc theo con đường dẫn vào xã Chiềng Sung (huyện Mai Sơn, Sơn La) những ngày này, khung cảnh hiện ra thật bình yên, những triền đồi đã được làm đất, lên luống, sẵn sàng xuống giống rau màu vụ mới. Những cánh đồng chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ trong việc phát triển nông nghiệp của xã Chiềng Sung, gắn với nhiều kỳ vọng của bà con nông dân.

Ông Nguyễn Tiến Nam, Giám đốc HTX Quỳnh Nghĩa (bản Cang, xã Chiềng Sung) là người tiên phong phát triển mô hình liên kết sản xuất với Doveco. Ảnh: Đức Bình.
Ông Nguyễn Tiến Nam, Giám đốc HTX Quỳnh Nghĩa (bản Cang, xã Chiềng Sung) là người tiên phong phát triển mô hình liên kết sản xuất với Doveco. Ảnh: Đức Bình.

Tiến sâu vào bản Cang (xã Chiềng Sung), chúng tôi gặp ông Nam - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Quỳnh Nghĩa, người đàn ông có dáng vẻ chất phác nhưng đang là chủ cơ ngơi khang trang nhất xã. Kể về chuyện đến với nghề nông, ông Nam cho biết xuất phát điểm là lái xe vận chuyển vật liệu xây dựng. Đến tuổi tứ tuần, sức khỏe giảm sút khiến ông không thể di chuyển xa. Ông đã tìm hướng đi mới, lựa chọn làm nông để tạo sinh kế cho gia đình. Đây là quyết định không hề dễ, nhưng nhờ có sự hỗ trợ từ Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) tại Sơn La (Doveco Sơn La) và những kiến thức nông nghiệp cơ bản, ông Nam đã bắt đầu thu được kết quả khả quan từ công việc mới.

Mối duyên với Doveco

Trước khi hợp tác với Doveco, hơn 2ha đất nhà ông Nam chủ yếu trồng ngô, rau, sau đó chanh leo, nhưng thị trường bấp bênh khiến việc sản xuất gặp nhiều khó khăn, lúc được, lúc mất. Cột mốc thay đổi đến vào năm 2019, trong một buổi tham quan, Giám đốc Doveco đề nghị thu mua chanh leo không đạt chất lượng của HTX Quỳnh Nghĩa để lấy dịch. Trước đó, những quả chanh leo thừa thường bị vứt bỏ, vừa gây lãng phí vừa ảnh hưởng đến môi trường.

Vùng đất này trước đây chủ yếu trồng cây chanh leo, nhưng nay đã chuyển hướng sang làm giàn để trồng dưa chuột bao tử. Ảnh: Đức Bình.
Vùng đất này trước đây chủ yếu trồng cây chanh leo, nhưng nay đã chuyển hướng sang làm giàn để trồng dưa chuột bao tử. Ảnh: Đức Bình.

Cảm nhận được sự chân thành của lãnh đạo Doveco, ông Nam quyết định hợp tác. Việc Doveco thu mua chanh leo để lấy dịch quả không chỉ giúp giảm thiểu lãng phí mà còn mang lại nguồn thu ổn định cho HTX. Giá thu mua quả tươi là 15.000 đồng/kg và dịch quả là 25.000 đồng/kg, tạo động lực cho bà con cùng tham gia.

Sau khi đạt những thành công ban đầu với chanh leo, HTX của ông Nam tiếp tục chuyển hướng sang trồng ngô ngọt và đậu tương rau làm nguyên liệu phục vụ cho chế biến của Doveco. Trên 1ha, sản lượng ngô ngọt đạt từ 15 đến 20 tấn với giá bán 4.800 đồng/kg, mang lại lợi nhuận từ 72 đến 75 triệu đồng mỗi năm.

Tuy nhiên, việc trồng ngô ngọt chỉ tập trung vào mùa vụ chính. Vào vụ đông, bà con chủ yếu trồng bí đỏ tự phát, đầu ra không ổn định, giá cả chỉ dao động từ 5.000 - 10.000 đồng/kg. Nhằm tìm hướng đi mới, Doveco đã triển khai dự án trồng dưa chuột bao tử trong vụ đông. Vụ đông 2024 - 2025, gia đình ông Nam đã thử nghiệm trồng trên diện tích 3.000m².

Thử nghiệm mới cho vụ đông

Dưa chuột bao tử được trồng là giống PRIMAYA RZ F1 nhập khẩu từ Hà Lan, cho kết quả đầy triển vọng. Trên diện tích 3.000m², gia đình ông Nam thu được 6 tấn dưa sau 2 tháng trồng, năng suất ước tính có thể đạt 20 - 30 tấn/ha.

Dưa bao tử đang mở ra hướng đi mới cho vụ đông của nông dân Sơn La lẫn Doveco. Ảnh: Vạn Tâm.
Dưa bao tử đang mở ra hướng đi mới cho vụ đông của nông dân Sơn La lẫn Doveco. Ảnh: Vạn Tâm.

Dưa chuột bao tử là cây ngắn ngày, chu kỳ trồng chỉ kéo dài 3 tháng gồm 1 tháng gieo trồng và 2 tháng thu hoạch. Tuy nhiên do đặc điểm khí hậu mùa đông ở xã Chiềng Sung sương muối dày đặc, việc thu hoạch rút ngắn còn 1 tháng nên năng suất/vụ hạn chế. Cây dưa chuột được chăm sóc tỉ mỉ, từ việc chọn đất đến lên luống đúng tiêu chuẩn. Kỹ thuật trồng bao gồm gieo bầu, làm giàn và chăm sóc để cây phát triển tối ưu.

Thành công từ thử nghiệm trồng dưa chuột bao tử không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn tạo sự lan tỏa mạnh mẽ. Hiện HTX Quỳnh Nghĩa có 20 thành viên, quản lý vùng trồng 20ha phục vụ nguyên liệu cho Doveco. Nhiều hộ dân trong HTX bày tỏ mong muốn tham gia trồng giống dưa này vào năm sau.

Dưa chuột bao tử được Doveco thu mua với mức giá 17.500 đồng/kg, sau thu hoạch được chế biến tại nhà máy của Doveco Sơn La thành sản phẩm muối đóng hộp, chủ yếu xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Điều này không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm mà còn khẳng định vị thế của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Những lọ dưa chuột bao tử muối. Ảnh: Vạn Tâm.
Những lọ dưa chuột bao tử muối. Ảnh: Vạn Tâm.

Đối với vùng đất Chiềng Sung, việc trồng dưa chuột bao tử không chỉ giải quyết khó khăn trong vụ đông mà còn mở ra hướng đi bền vững cho bà con. Mô hình tiên phong trồng thử nghiệm thành công dưa chuột bao tử trong vụ đông của ông Nam đã mang lại hi vọng và động lực cho cộng đồng.

Cần sự đồng hành của nông dân và chính quyền

Mô hình liên kết sản xuất của HTX Quỳnh Nghĩa với Doveco Sơn La là một trong những điển hình trong định hướng trồng trọt gắn với liên kết sản xuất tại Sơn La nói riêng và khu vực Tây Bắc nói chung. Với tinh thần dám làm, dám chịu, không ngại thay đổi, những thành quả đạt được xứng đáng với công sức bỏ ra.

Về phía Doveco, năm nay là một năm khó khăn khi ảnh hưởng của thiên tai và bão lũ khiến vụ mùa không đạt được như kỳ vọng. Tuy nhiên, với tiêu chí luôn nỗ lực vì bà con, Doveco không ngừng tìm kiếm các hướng đi mới để tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường và tìm nguồn nông sản phù hợp, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững tại tỉnh Sơn La.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Doveco. Ảnh: Phạm Hiếu.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Doveco. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Doveco đánh giá hướng đi cho nông sản Sơn La là có, nhưng việc sản xuất phân tán khiến việc áp dụng cơ giới hóa và khoa học kỹ thuật trở nên khó khăn. Hệ quả là nguồn nguyên liệu đầu vào cho nhà máy chế biến thường không ổn định cả về chất lượng lẫn số lượng, đây là nút thắt trong việc duy trì chuỗi liên kết sản xuất.

Vì vậy, ông Tùng nhấn mạnh yếu tố tiên quyết là cải thiện chất lượng sản phẩm ngay từ khâu nguyên liệu đầu vào. Một yếu tố quan trọng khác là nâng cao nhận thức của nông dân về tư duy thị trường và hợp tác bền vững với doanh nghiệp thông qua các hợp đồng kinh tế rõ ràng.

Chính quyền địa phương cần đóng vai trò cầu nối để đảm bảo các hợp đồng được thực hiện minh bạch, giúp ổn định đầu ra và thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư dài hạn.

"Chặng đường phía trước còn nhiều chông gai nhưng nếu bà con cố gắng đồng hành, Công ty sẽ đem đến những hiệu quả kinh tế xứng đáng", ông Tùng nhắn gửi.

Theo ĐỨC BÌNH/ NNVN 

Các tin khác